“Nếu GDP TP.HCM tăng 1% thì sẽ tác động rất lớn đến GDP của cả nước. Khi ngân sách điều tiết không bị giảm đi, TP.HCM có thể chủ động đầu tư, khơi thông những điểm nghẽn trong phát triển” - ngày 24-10, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề phương án giảm tỉ lệ thu ngân sách TP.HCM được giữ lại từ 23% còn 18%.
Đầu tư cho TP.HCM sẽ sinh lời
. Phóng viên: Nguồn ngân sách điều tiết có vai trò quan trọng như thế nào đối với TP.HCM, thưa bà?
+ Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: TP.HCM cần có nguồn vốn để đầu tư chứ không phải chỉ để chi thường xuyên. Nghị quyết của HĐND TP đề ra tăng trưởng GDP trong năm 2016 từ 8% đến 8,5% là có tính đến tỉ lệ thu ngân sách được giữ lại 23%. Dù con số này (nguồn thu ngân sách được để lại - PV) chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu đầu tư, phát triển của TP nhưng vẫn hết sức quan trọng. Chúng tôi gọi đó là vốn mồi, vốn tạo niềm tin, vốn để đảm bảo thu hút đầu tư cho TP. Nếu nguồn vốn này giảm xuống thì sẽ không huy động được nguồn lực xã hội. Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM rất tha thiết mong Quốc hội và Chính phủ xem xét.
. Thưa bà, Thủ tướng đã nói rằng bản thân TP.HCM cũng cần tìm nhiều nguồn khác để bổ sung, cân đối…
+ Thủ tướng khẳng định vốn đầu tư cho TP.HCM không chỉ đến từ ngân sách. Nhưng ngân sách điều tiết chính là nguồn vốn để TP chủ động đầu tư vào những điểm nghẽn như giao thông, vốn là lĩnh vực có độ trễ thu lời lâu nhất. Hay như đầu tư giải quyết môi trường, hạ tầng xã hội.
TP có trên 10 triệu dân, trong số đó có 3 triệu lao động vãng lai. TP coi lao động vãng lai là nguồn lực để phát triển nên rất chú trọng đầu tư. Khi kinh tế khó khăn, TP tính ngay đến chuyện phải lo cho công nhân có nhà ở miễn phí, có chỗ gửi con để yên tâm lao động sản xuất, rồi đưa văn hóa, văn nghệ, giáo dục pháp luật vào các khu chế xuất cho công nhân… Tất cả điều này cần một nguồn vốn không hề nhỏ.
. Nếu trung ương tăng hoặc giữ nguyên ngân sách điều tiết cho TP thì vấn đề kẹt xe, ngập lụt có được giải quyết không, thưa bà?
+ Dĩ nhiên những vấn đề đó sẽ được giải quyết tốt hơn. Nếu cắt giảm nguồn ngân sách điều tiết, tôi e TP không trở tay kịp, ảnh hưởng đến tăng trưởng không chỉ của TP và cả nước.
.Ý bà nói rằng TP.HCM phát triển sẽ kéo cả nước phát triển?
+ TP như gà đẻ trứng vàng, nếu không nuôi thì không thể đẻ được, hoặc có đẻ thì trứng cũng không đạt chất lượng. TP đóng góp tới 30% vào tăng trưởng chung của đất nước. Do vậy nếu kinh tế TP.HCM tăng trưởng, kinh tế đất nước sẽ tăng trưởng bền vững hơn.
Tôi lấy ví dụ trong một gia đình, dồn kinh tế cho đứa con nào giỏi làm ăn, kinh doanh. Khi đã làm ăn tốt rồi, đứa con đó sẽ hỗ trợ lại để cha mẹ, anh em xây dựng kinh tế gia đình tốt hơn. Đất nước mình có 63 tỉnh, thành, tôi không nói tỉnh nào hơn tỉnh nào. Nhưng mỗi địa phương có lợi thế riêng thì phải đầu tư vào những lợi thế và nhiệm vụ chính trị cho đúng. Nếu đầu tư dàn trải thì nguồn lực sẽ không phát huy tác dụng.
Nếu TP được giữ nguyên ngân sách điều tiết thì việc đầu tư giải quyết môi trường, hạ tầng xã hội sẽ tốt hơn. Ảnh: HTD
Người dân TP thấy không công bằng
.Trước đây TP.HCM được giữ lại 33% nguồn thu ngân sách nhưng sau đó giảm dần. Bà nghĩ sao về điều này?
+ Nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến tới đây TP chỉ còn được giữ lại 18% nguồn thu ngân sách hằng năm. Chúng tôi không đổ lỗi cho ai hết nhưng phải nhìn thực tế rằng những vấn đề nan giải của TP như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ngập nước, thiếu trường học, quá tải bệnh viện… có nguyên nhân khách quan là do nguồn lực dành cho TP bị cắt giảm.
Người dân TP vẫn đầu tắt mặt tối làm ăn ra tiền để nộp ngân sách mà phải sống trong ngập lụt, điều kiện y tế, giáo dục chưa tốt thì họ cảm thấy thiếu công bằng. Lẽ ra phải có một chủ trương đầu tư đột phá cho TP trong một giai đoạn nhất định.
Chính vì những lý do trên, chúng tôi thiết tha đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, nếu không thể giữ nguyên tỉ lệ điều tiết ngân sách là 23% thì cũng chỉ nên giảm xuống còn 21% chứ không nên giảm hẳn xuống 18%. Chúng tôi tính toán và thấy rằng: Nếu giảm xuống 21% thì lãnh đạo và người dân TP còn có thể chịu đựng được, nền kinh tế cũng còn có thể cố gắng trụ được. Sự thụ hưởng của người dân TP cũng cần phải tương xứng với những gì họ đóng góp.
. Xin cám ơn bà.
TP.HCM không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước Tôi đã cân đối vốn ODA cho TP.HCM rất nhiều, không chỉ có ngân sách nhà nước không. TP.HCM rất chủ động, tiến hành xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, chứ không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước. Chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, chia ngọt sẻ bùi trong lúc ngân sách khó khăn hiện nay với cả nước. Riêng TP.HCM phải tìm nhiều nguồn khác để bổ sung, cân đối. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nói với Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm Sẽ không tạo được động lực cho TP.HCM phát triển Năm 2016, nguồn thu ngân sách của TP.HCM được trung ương giao là 298.000 tỉ đồng. Tôi có thể báo cáo với Thủ tướng Chính phủ là cuối năm 2016, TP có thể thu được 310.000 tỉ đồng. Nhưng TP.HCM phải nộp lên ngân sách nhà nước 77%, tức được giữ lại 23% (khoảng 71.300 tỉ đồng - PV). Sắp tới nếu Quốc hội thông qua, tỉ lệ ngân sách TP được giữ lại có thể sẽ giảm xuống 18% (tức TP.HCM chỉ còn giữ 55.800 tỉ đồng nếu tính trên số thu của năm 2016 - PV). Nếu điều tiết như thế sẽ không tạo được động lực cho TP này phát triển. Đối với một đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế như TP.HCM nhưng lại cho cơ chế của toa tàu thì làm sao chúng tôi hoàn thành được nhiệm vụ. Suy cho cùng, TP.HCM phấn đấu cũng vì cả nước. Xác định rõ như thế để làm sao có cơ chế tạo động lực cho TP phát triển với quy mô kinh tế lớn hơn, từ đó sẽ nộp ngân sách lớn hơn. Tôi nói thế, rất mong các đồng chí chia sẻ. Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG (phát biểu tại buổi làm việc với Tổ Công tác của Thủ tướng sáng 21-10) Tá Lâm ghi Nên điều tiết có giới hạn Quốc hội, Chính phủ nên điều tiết có giới hạn, tùy theo từng giai đoạn. Ví dụ từ 23% chỉ nên giảm xuống khoảng 21%, rồi năm năm nữa có thể xuống 20% hoặc 19% chứ không nên cắt giảm từ 23% xuống chỉ còn 18%. Hà Nội và TP.HCM là những địa phương đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, đồng thời cũng là bộ mặt quốc gia cho nên cần phải được đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng trong thời gian tới. Việc cắt giảm này ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư công của TP, nhất là tình trạng quá tải trường học, quá tải bệnh viện, ngập úng, kẹt xe… sẽ chậm được giải quyết hơn. Ông TRẦN HOÀNG NGÂN, đại biểu Quốc hội TP.HCM ĐỨC MINH ghi Cắt giảm ngân sách, chống ngập sẽ ra sao? Trong giai đoạn 2016-2020, TP cần huy động khoảng 97.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án chống ngập. Trong đó, ngoài dự án chống ngập triều kinh phí 10.000 tỉ đồng thực hiện bằng hình thức BT đang tổ chức thi công, còn nhiều dự án chưa có kinh phí để thực hiện. Riêng đối với khu vực trung tâm TP, trong giai đoạn 2016-2018 cần khoảng 6.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án cải tạo nâng cấp hệ thống cống thoát nước. Các dự án này dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách của TP. Do đó, nếu ngân sách bị cắt giảm thì việc triển khai thực hiện các công trình chống ngập cho khu vực trung tâm TP cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra, các dự án chống ngập có mức đầu tư lớn, sử dụng nguồn vốn vay vốn từ Ngân hàng Thế giới hay vốn ODA… đều cũng cần nguồn vốn ngân sách để đối ứng. Nếu những năm tới ngân sách của TP.HCM bị hạn chế thì các dự án này cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Ông NGUYỄN NGỌC CÔNG, TRUNG THANH ghi |
Ông NGUYỄN THÀNH TÀI, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM: Sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh rất lớn Nhiều năm liền tỉ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại liên tục bị cắt giảm, từ 33% năm 2003 giảm còn 29% (thời kỳ 2004-2006), rồi 26% (2007-2010) và hiện chỉ còn 23% (2011-2015). Đầu tư cho TP.HCM là đầu tư cho sự phát triển của cả nước, bởi quy mô kinh tế của TP chiếm đến 22% tỉ trọng GDP của cả nước, đóng góp tới 31% ngân sách quốc gia. Do đó thiết nghĩ cần tạo điều kiện cho TP phát triển về mọi mặt, trong đó có việc giữ ổn định mức điều tiết 23% hiện nay trong ít nhất năm năm. Ngân sách năm 2016 của TP dự kiến thu được trên 300.000 tỉ đồng, phần để lại 23% đã không đủ đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu, nhất là chi đầu tư phát triển. Nếu năm 2017 giao chỉ tiêu thu ngân sách hơn 347.000 tỉ đồng mà điều tiết còn 18% thì TP chỉ đủ tiền chi cho tiêu dùng. Với trách nhiệm trước xã hội và nhân dân, cho dù có khó khăn thì TP.HCM vẫn có thể bù qua sớt lại bằng nhiều cách, kể cả đi vay. Ví dụ nếu làm một con đường, tỉ lệ điều tiết ngân sách khá hơn thì TP đầu tư từ nguồn ngân sách, đỡ phải đi vay. Còn trong trường hợp giảm tỉ lệ điều tiết, TP không có tiền nhưng cũng không thể không đầu tư thì đành phải đi vay. Đi vay tức là phải trả nợ, khi đó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh rất lớn. Nếu bị cắt giảm 5% nguồn ngân sách để lại, TP.HCM sẽ mất hàng chục ngàn tỉ đồng. Như thế là căng lắm. Vấn đề bây giờ không phải là ngồi tính chi li từng con số mà TP.HCM mất, vấn đề nằm ở chỗ đầu tư cho TP là đầu tư cho sự phát triển của khu vực và cả nước. TÁ LÂM ghi |