Xây dựng môi trường đầu tư tốt nhất cho TP.HCM

Trong ngày làm việc thứ hai (15-10), Đại hội đại biểu (ĐB) Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã dành nhiều thời gian để các ĐB thảo luận về các mục tiêu, phương hướng và giải pháp để phát triển TP.HCM trong năm năm tới. Một trong những vấn đề lớn được nhiều ĐB nêu ý kiến là cần cải cách hành chính mạnh hơn nữa để hình thành môi trường đầu tư tốt nhất cho TP.HCM.

Giảm thủ tục, liên thông hơn nữa

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho rằng cần hình dung TP.HCM năm năm sau sẽ như thế nào. “Đó phải là trung tâm thu hút tất cả doanh nghiệp (DN), là nơi đại diện các tập đoàn đa quốc gia đặt tại TP.HCM. Bởi vì thực tế chúng ta phát triển công nghiệp, nông nghiệp… nhưng doanh thu lớn nhất vẫn là dịch vụ, sự phát triển chủ lực của TP vẫn là dịch vụ. Nhưng để thu hút các DN lớn, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đến TP thì cái đầu tiên vẫn là quy trình, thủ tục hành chính thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho DN. Đây là rào cản rất lớn cần phải khắc phục” - ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, vấn đề cải cách thủ tục hành chính TP đã làm rất nhiều nhưng một vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ, đó là việc liên thông dữ liệu của các đơn vị trên địa bàn TP. “Sở TT&TT làm giải pháp cục bộ nhưng các đơn vị lấy lý do cản trở ngành dọc nên không liên thông được. Bây giờ ngành thuế, kho bạc, tài chính, tài nguyên môi trường… không lưu thông với nhau. Đối tượng quản lý chỉ là một, tại sao chúng ta không liên thông dữ liệu để tiết kiệm thời gian làm thủ tục hành chính cho người dân và DN” - ông Hiếu lý giải.

ĐB Phạm Thành Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, đề nghị cần loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà. Mặt khác, ông Kiên cũng cho rằng hiện nay thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân và DN, nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ. Do đó TP cũng cần xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, ý thức tinh thần trách nhiệm cao.

Cần đột phá vào chống ngập

Với mục tiêu xây dựng TP.HCM thành TP có chất lượng sống tốt, nhiều ĐB cho rằng nội hàm của mục tiêu này rất nhân văn.

Ông Phạm Thành Kiên cũng cho rằng xây dựng TP có chất lượng sống tốt chính là cơ sở và điều kiện để xây dựng TP văn minh - hiện đại - nghĩa tình. “Chất lượng sống tốt hiểu nôm na là TP đáng sống. Muốn xây dựng TP.HCM là TP đáng sống trước hết TP phải cải thiện môi trường đô thị xanh-sạch-đẹp. Thời gian tới cần trồng nhiều cây xanh, tránh tình trạng chặt cây xanh như vừa qua TP Hà Nội đã làm, phải đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là xử lý rác sinh hoạt của người dân” - ông Kiên nói.

 
Ông Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM (phải) đang trò chuyện với các ĐB bên hành lang đại hội vào sáng 15-10. Ảnh: ĐH

ĐB Trang Viết Thanh - thuộc Đảng bộ Công an TP.HCM cho rằng để đạt được mục tiêu này, TP phải có giải pháp cụ thể, đột phá, quyết tâm chính trị cao và sớm đưa ra bộ tiêu chí lượng hóa… Cụ thể như nhiệm kỳ này phải giải quyết triệt để tình trạng ngập nước thì tiêu chí “có chất lượng sống tốt’ mới đạt được. Đồng quan điểm này, ĐB Hồ Thị Vinh, Trưởng ban Tuyên giáo quận 1, cũng đề nghị TP cần phải quyết liệt tạo đột phá về chống ngập trong nhiệm kỳ này để người dân bớt khổ.

Với ĐB Hàng Thị Thu Nga, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM, để thực hiện mục tiêu này trước hết phải giải quyết được những nhu cầu tối thiểu cho người dân, đó là nước sạch. “TP.HCM còn trên 350.000 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh. Vậy cần phải quyết liệt thực hiện để người dân không phải sử dụng nước giếng nhiễm phèn nữa” - bà Nga nói.

Đề nghị đưa đề án đặc khu kinh tế vào nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP.HCM

Tại buổi thảo luận tổ về các văn kiện trình Đại hội X Đảng bộ TP.HCM, ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, đã đề nghị đưa đề án đặc khu kinh tế vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa X để thực hiện trong thời gian tới.

Theo ông Luận, lập đặc khu kinh tế là chuyện lớn, chuyện lớn như thế mà không đưa vào nghị quyết thì sẽ khó thực hiện được.

Loại bỏ những rào cản ảnh hưởng đến môi trường đầu tư

Phát biểu tại phần thảo luận tổ ngày 15-10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng đặt vấn đề: “Tại sao ai cũng thừa nhận TP.HCM là nơi có cơ hội đầu tư, làm ăn tốt nhất nước nhưng không phải là nơi được đánh giá có môi trường đầu tư tốt nhất?… Tại sao TP có đội ngũ, khoa học công nghệ phát triển nhưng chỉ số áp dụng công nghệ thông tin thua một số tỉnh? Nghe rất vô lý. Tại sao cán bộ mình gặp nói rất tốt nhưng người dân và DN luôn phàn nàn?”.

Ông Thưởng cho rằng vấn đề đặt ra là làm sao để những rào cản gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư bị loại bỏ, để người dân có tiền muốn đầu tư thì an tâm làm ăn…

Cũng theo ông Thưởng, trong cải cách hành chính con người là quan trọng. Ví dụ, chúng ta quy định mấy ngày phải hoàn trả hồ sơ, khi đi kiểm tra chỗ nào cũng đúng (thời hạn - PV). Nhưng thật ra người dân phải nộp hồ sơ đến mấy lần. Nộp hồ sơ xong rồi, 10-20 ngày sau anh kêu lên bổ sung hồ sơ, 10 ngày sau kêu bổ sung lần nữa. Khi nào đầy đủ hồ sơ anh mới bắt đầu tính thời gian. Vậy vấn đề tiếp nhận hồ sơ một lần phải tính từ lúc người ta mang hồ sơ tới. Nếu hồ sơ không đủ thì anh không nhận và phải hướng dẫn cho người ta. Khi anh nhận rồi anh phải giải quyết như thế nào” - ông Thưởng nêu.

Ông Thưởng nêu ra một ví dụ khác trong lĩnh vực thuế: Việc thu thuế và người nộp thuế, ở nước ngoài người ta nghĩ ra cách là ít để hai ông này gặp nhau nhằm hạn chế tối đa nhũng nhiễu, gặp qua máy móc là tốt nhất. “Ngành thuế cả nước rút ngắn thời gian nộp thuế. TP.HCM cũng đặt ra mức bình quân chung như cả nước, như những địa phương khác... thì đâu phải là điều đáng tự hào. Họ cần 280 tiếng, mình chỉ có 200 giờ, thậm chí 150 giờ, như vậy có được không?” - ông Thưởng nói.

Lý giải như thế, ông Thưởng cho rằng bằng cách nào đó phải tạo cho cán bộ của mình sức ép để vươn lên, người lãnh đạo với cả hệ thống của mình quyết tâm làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, có những dư địa để cải cách, cải tiến những việc mình đang làm.

“Ông Lý Quang Diệu (cố thủ tướng Singapore) ngày xưa nói phải chọn được công dân hạng A cho bộ máy hành chính” - ông Thưởng nói.

Cần đấu tranh kiên quyết với tội phạm

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng công tác dự báo chưa thấy hết được tính phức tạp trong phát sinh các loại tội phạm, chưa thấy được thực tế phát triển là kinh tế càng phát triển, quyền tự chủ doanh nghiệp càng cao, càng xảy ra tham nhũng, tiêu cực càng lớn. Các vụ án kinh tế lớn đều liên quan đến hoạt động tài chính, trong đó phát hiện ra vụ nào là sai phạm, thất thoát lên đến hàng ngàn tỉ đồng. “Nếu không dự báo tốt, không đấu tranh kiên quyết với tội phạm về kinh tế thì chỉ cần vài vụ thôi là thành quả chúng ta bỏ ra sẽ đổ sông, đổ biển hết” - ông Minh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm