Không thể cắt giảm ngân sách của TP.HCM thấp hơn nữa

ĐB Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết những năm qua, TP.HCM được giữ lại 23% tổng thu ngân sách để phục vụ đầu tư phát triển. Tuy vậy, nếu để giữ tốc độ tăng trưởng cao hơn 1,5 lần cả nước thì phải có kinh phí đầu tư lại. Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng cần giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP xuống 18%, tức giảm 5% so với mức hiện nay để chia sẻ với khó khăn tình hình chung của cả nước vì TP.HCM là đầu tàu cả nước. Để chia sẻ khó khăn chung, Thành ủy cũng bàn và báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội chỉ nên giảm 2%, còn 21%.

Bí thư Đinh La Thăng cũng chia sẻ hiện cơ sở hạ tầng một số cơ quan ở  TP.HCM  đang xuống cấp, xập xệ, chật chội. Các sở, ngành không còn tiền để sửa chữa trụ sở chứ đừng nói gì đến xây mới.

“Phòng làm việc của lãnh đạo Thành ủy, UBND cũng là cơi nới. Ngay phòng làm việc của tôi cũng phải cơi nới hai bên. Chúng ta với trách nhiệm vì cả nước là như vậy” - Bí thư TP.HCM nêu thực tế.

“Hiện nay, cả nước phấn đấu tốc độ tăng trưởng 6,3%-6,5%, còn TP tăng bình quân 8%-8,5% trong năm năm tới, năm nay dự kiến trên 8%. Nhưng để đạt được nhiệm vụ thì phải đầu tư trở lại cho phát triển. Hiện nay thách thức của chúng ta quá lớn, ùn tắc giao thông, ngập cũng ghê gớm. Không phải chúng ta kêu khổ mà phải phân tích, đánh giá đúng thực trạng để có đề xuất với QH và cùng chia sẻ cho cả nước” - ông Thăng nói.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tại buổi thảo luận tổ Quốc hội ngày 22-10.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tại buổi thảo luận tổ Quốc hội ngày 22-10.

Bên cạnh đó, theo trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, để tạo thuận lợi cho TP, trong thời gian chưa điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách thì TP đề nghị Trung ương xem xét tăng nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu và tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn. Đồng thời ưu tiên các nguồn tài chính thực hiện các dự án phát triển giao thông vận tải TP đã được Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện để TP phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm vùng của cả nước.

Chia sẻ thêm về điều này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, nêu thực tế hạ tầng của TP.HCM hiện đang quá bức bối, với nguồn vốn yêu cầu phải đầu tư trên 500.000 tỉ đồng. Việc đầu tư này là không chỉ cho TP mà tác động đến vùng rất lớn. Khi trung ương cắt giảm ngân sách thì TP cũng không thể giảm chi thường xuyên vì thực tế TP đã giảm chi thường xuyên tối đa.

“Xe thì đa số là xe cũ, đồng chí này nghỉ hưu thì để lại cho đồng chí khác dùng, không có chuyện nhậm chức là mua xe mới” - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Vì thế theo bà Tâm, nếu ngân sách giảm thì chỉ còn cắt giảm việc chi đầu tư phát triển, đầu tư vô hạ tầng, mà điều này để lại hệ lụy rất lớn, tác động nhiều chiều của xã hội.

Ngoài cơ chế phân bổ ngân sách, theo nhiều ĐBQH đoàn TP.HCM, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù rõ ràng cho TP có 10 triệu dân.

ĐB Phan Thanh Bình cho rằng nếu so với trong nước, TP.HCM đứng vị trị số một về phát triển kinh tế nhưng so với khu vực chưa là gì. Câu chuyện ở đây là cần xây dựng TP.HCM thành một đặc khu kinh tế phát triển ngang tầm khu vực với cơ chế trao quyền.

ĐB Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tài chính nhà nước TP.HCM, cho rằng điều cần đối với TP.HCM bây giờ là cơ chế. “TP.HCM là nơi bắt nguồn cho các hoạt động kinh tế - tài chính của cả nước như nơi đây có khu chế xuất đầu tiên, có ngân hàng cổ phần đầu tiên. Do đó TP.HCM là TP đặc biệt và muốn xin cơ chế đặc biệt thì không có gì đặc biệt cả” - ĐB Quốc đề xuất.

 

Hà Nội đề nghị Trung ương cấp 9.000 tỉ đồng cho 35 dự án

Tại phiên thảo luận tổ ngày 22-10, nhiều ĐBQH thuộc đoàn Hà Nội đã đề nghị Quốc hội cần khẩn trương phân bổ ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho Hà Nội đầu tư cho 35 dự án hạ tầng lớn theo đúng Điều 21 Luật Thủ đô.

Theo đó, số tiền mà Trung ương phải cấp để Hà Nội triển khai các dự án này là khoảng 9.000 tỉ đồng. Cụ thể, khoản 3 Điều 21 của Luật Thủ đô ghi rõ: “Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do TP Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách trung ương cho ngân sách thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án”.

ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nói: “Hiện nay mức độ đô thị hóa của Hà Nội rất nhanh, lượng người người di cư đến Hà Nội khoảng 200.000 người/năm.

Chúng tôi đã rà soát có 35 công trình hạ tầng quan trọng nhất báo cáo Trung ương với tổng mức đầu tư 118.000 tỉ đồng. Nếu cấp như thế này Hà Nội được 9.000 tỉ đồng. Như vậy theo Luật Thủ đô chưa thực hiện được, chúng tôi đề nghị  Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội có đề xuất phù hợp”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm