Đáy biển, nơi chứng kiến cuộc cạnh tranh năng lượng tương lai

(PLO)- Nhiều nước đã và đang cho xây dựng hệ thống kết nối năng lượng dưới đáy biển, nhằm giúp chuyển năng lượng từ nơi thừa đến nơi có nhu cầu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại New York (Mỹ), vào các giờ cao điểm vào buổi sáng và tối, các nhà máy điện phải hoạt động ở mức cao.

Theo đài CNN, một phần lớn năng lượng đó đang được tạo ra nhờ khí đốt tự nhiên và có thể làm tăng hiệu ứng nhà kính. Mặc dù bang New York đang cố gắng chuyển sang năng lượng gió, mặt trời, nhưng không phải lúc nào nguồn năng lượng này cũng đủ để cung cấp cho các hoạt động. Công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo trong thời gian dài cũng chưa được bang này làm chủ hoàn toàn.

Trong bối cảnh này, công ty tư vấn năng lượng Etchea Energy đang đề xuất giải pháp kết nối năng lượng cách xa bang New York hơn 4.800 km. Tuy nhiên, giải pháp này không phải nằm ở California (phía tây nước Mỹ) đầy nắng với tiềm năng năng lượng mặt trời mà là về phía đông, tới nước Anh nhiều mưa và trời hay xám xịt.

he-thong-ket-noi-nang-luong-duoi-day-bien.webp
Hệ thống điện gió ở tây bắc nước Anh. Ảnh: AFP

Nhóm này muốn xây dựng hệ thống kết nối năng lượng dưới biển lớn nhất thế giới giữa các lục địa, nối châu Âu và Bắc Mỹ bằng ba cặp cáp điện áp cao. Các dây cáp sẽ trải dài hơn 3.200 km trên toàn bộ đáy Đại Tây Dương, để kết nối những nơi như phía tây của Vương quốc Anh với phía đông Canada, thậm chí có thể là New York với phía tây nước Pháp.

Ông Simon Ludlam – người sáng lập và Giám đốc điều hành của Etchea Energy – cho biết: “Khi mặt trời lên đến đỉnh, lượng năng lượng ở châu Âu rất nhiều. Chúng ta có gió và cũng có quá nhiều năng lượng mặt trời. Đó là thời điểm tốt để gửi nó đến khu vực có nhu cầu, như Bờ Đông nước Mỹ”.

Theo ông Ludlam, “5, 6 giờ sau khi mặt trời lên đến đỉnh ở châu Âu, mặt trời sẽ lên đến đỉnh ở bờ Đông nước Mỹ. Và rõ ràng là chúng tôi ở châu Âu vào lúc đó đã quay sang thời gian ăn tối. Và mọi chuyện lại diễn ra ngược lại [Bờ Đông nước Mỹ thừa điện, châu Âu vào giờ cao điểm]”.

Hạn chế biến đổi khí hậu

Hệ thống kết nối năng lượng xuyên Đại Tây Dương vẫn là một đề xuất, nhưng mạng lưới cáp năng lượng xanh đang bắt đầu trải dài khắp đáy biển trên thế giới. Chúng đang nhanh chóng trở thành một phần của giải pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu, giúp năng lượng tái tạo trở nên phổ biến hơn.

Tuy nhiên, quá trình này cũng đang tạo dựng những mối quan hệ mới, giúp định hình lại bản đồ địa chính trị và chuyển mặt trận của một số cuộc cạnh tranh năng lượng trên thế giới xuống đáy đại dương.

gettyimages-501106930.webp
Hệ thống điện năng lượng mặt trời ở Morocco. Ảnh: AFP

Nhu cầu hạn chế phát thải carbon chưa bao giờ cấp thiết như hiện nay. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, trong thập niên này, thế giới phải loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và giảm gần một nửa lượng khí thải carbon nếu muốn hạn chế biến đổi khí hậu ở mức mà con người, hệ sinh thái có thể thoải mái thích nghi và tồn tại.

Hệ thống truyền tải năng lượng dưới biển có thể là công cụ quan trọng để giúp tăng lượng sử dụng năng lượng tái tạo.

Phân tích từ dự án khoa học Climate Action Tracker cho thấy thế giới cần nỗ lực nhiều hơn để đạt các mục tiêu về khí hậu. Theo đó, đến nay, nhiều quốc gia chưa tuân thủ Thỏa thuận Paris về cắt giảm nguồn ô nhiễm làm nóng hành tinh.

Hiện tại, các tuyến cáp năng lượng đã được nối giữa nhiều quốc gia ở châu Âu, hầu hết là các nước có vị trí gần nhau. Theo CNN, không phải tất cả hệ thống này đều truyền tải năng lượng tái tạo, nhưng hoạt động này phần nào tạo nền tảng cho một tương lai thế giới sử dụng năng lượng xanh.

Vương quốc Anh – quốc gia có quỹ đất hạn chế dành cho các nhà máy điện – đã được kết nối cáp điện dưới lòng biển với Bỉ, Na Uy, Hà Lan và Đan Mạch. Họ cũng đang trên tiến trình đàm phán với Morocco về việc liên kết với lưới điện mặt trời và điện gió của quốc gia Bắc Phi này.

Những đề xuất tương tự đang xuất hiện trên toàn cầu. Một dự án có tên Sun Cable dự kiến kết nối cáp điện mặt trời giữa nước Úc đầy nắng với Singapore. Ấn Độ và Saudi Arabia cũng có kế hoạch liên kết lưới điện của họ thông qua Biển Ả Rập.

Tác động chính trị

Các nước hợp tác trong dự án hệ thống kết nối năng lượng kết nối xuyên Đại Tây Dương cho rằng dự án này không chỉ giúp giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu, mà còn là một phương tiện để đối trọng với Nga trong cuộc cạnh tranh năng lượng toàn cầu.

Theo CNN, đường ống dẫn khí đốt Nordstream 2 từ Nga tới Đức đã giảm khả năng sử dụng từ năm 2022, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Các quốc gia châu Âu cũng bắt đầu chia sẻ năng lượng cho nhau để ít phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga.

Ông Ludlam cho biết: “Khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, thị trường điện và khí đốt của chúng ta bị gián đoạn và các hệ thống kết nối năng lượng của chúng ta đã hoạt động hợp lý. Chúng ta đã đến giúp đỡ những nước láng giềng”.

VRKLLAIDFRPELFAKSNMTXDFC7M.jpg
Một phần đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 tại Đức. Ảnh: REUTERS

Châu Âu cũng chuyển sang nhập khẩu khí hóa lỏng từ Mỹ để thay thế nguồn năng lượng từ Nga.

Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở việc bên nào cung cấp nguồn năng lượng.

Năm 2023, một số nước Bắc Âu cáo buộc các tàu Nga, cả quân sự và dân sự, đang cố gắng lập bản đồ các cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển và có khả năng cắt nguồn cung năng lượng cho các quốc gia châu Âu.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov đã bác cáo buộc này, cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy các nước châu Âu “một lần nữa muốn đổ lỗi cho Nga một cách vô căn cứ về mọi thứ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm