Dạy con làm việc nhà

Trong buổi họp phụ huynh học sinh (PHHS) đầu năm của khối lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, TP HCM, khi giáo viên chủ nhiệm đề nghị mỗi phụ huynh đóng góp 50.000 đồng/năm để bồi dưỡng cho nhân viên lao công làm vệ sinh lớp, nhiều phụ huynh đồng ý ngay. Tuy nhiên, chị Ngọc Bích, hội phó hội PHHS của lớp, có ý kiến ngược lại. Theo chị, không nên thu khoản tiền này mà hãy để các em tự làm vệ sinh lớp. Thoạt đầu nhiều người phản đối nhưng sau khi tranh luận sôi nổi, đa số đều đồng tình.

Con hư tại mẹ...?

“Các cháu còn quá nhỏ để làm việc”, “không khéo tụi nhỏ có thể bị thương vì không biết cách làm”, “các cháu không thể làm sạch và nhanh bằng cô lao công”... Những phụ huynh phản đối đã đưa ra lý lẽ như trên. Chị Bích nhẹ nhàng giãi bày rằng lý do chị phản đối không phải vì tiếc 50.000 đồng mà chị mong muốn ngoài việc dạy văn hóa, nhà trường nên hỗ trợ phụ huynh hướng dẫn trẻ làm quen với lao động để các cháu biết quý trọng công sức của người khác, không ỷ lại. Trước đây, cũng vì quá cưng chiều con, nghĩ con mình còn nhỏ, chị chưa tập cho con làm việc nhà. Giờ nhìn con gái đã gần 9 tuổi nhưng cầm cái chổi quét nhà cũng không biết, việc to việc nhỏ đều ỷ lại mẹ, chị mới thấy mình sai lầm.

Đồng cảm với chị Bích, chị Kiều Như, một phụ huynh khác, cho biết gia đình chị sống cùng ba mẹ chồng nên mọi việc đều do chị và mẹ chồng lo liệu. Chị Như sớm ý thức được việc nên dạy con làm việc nhà từ nhỏ nhưng mỗi lần định dạy con làm việc nhà thì mẹ chồng lại gạt đi. Bà cho rằng mỗi thời mỗi khác, nhà không thiếu người, sao bắt con nít làm? Không chỉ vậy, vào mỗi lần chị quyết tâm giao việc cho con, vừa nhìn thấy vẻ lóng ngóng của cháu, mẹ chồng chị lại giành lấy với lý do là “để cháu làm bày bừa ra dọn còn mệt hơn”. Chị Như than phiền: “Điều đó khiến tôi không thể dạy con làm việc nhà một cách trọn vẹn”. Nhiều phụ huynh cũng kể con mình 8-9 tuổi mà chẳng biết rửa chén; xếp quần áo, chăn màn... Mẹ nhờ làm chuyện gì cũng kiếm cớ thoái thác.

Biến lao động thành niềm vui của trẻ

Cũng là người có con nhỏ, chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy - Giám đốc Công ty Tư vấn và Giáo dục Welink - quan niệm mọi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm trong việc vun đắp tổ ấm của mình; lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ. Chính vì thế, anh đã tập cho con sớm biết tự dọn dẹp đồ chơi, tự mặc quần áo; để giày dép, quần áo đúng nơi quy định; biết sắp xếp gọn gàng mền gối sau khi ngủ dậy. Khi con lớn hơn một chút, anh dạy con phụ mẹ dọn cơm, lau bàn ghế khi ăn xong; rồi dạy con rửa chén, nhặt rau, nấu cơm… Nay con gái anh đã 8 tuổi và làm mọi việc khá ổn. Theo anh Uy, điều quan trọng trong phương pháp giáo dục trẻ là biến lao động thành niềm vui, niềm tự hào của trẻ. Cha mẹ không nên quá cầu toàn, đòi trẻ phải làm việc nhà hoàn hảo như mình. Ví dụ như khi trẻ vo gạo, có làm vung vãi gạo hay đổ nước ra ngoài thì đừng la rầy, từ từ trẻ sẽ quen và làm mọi việc tốt hơn...

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Thu Hương (Trung tâm Tư vấn Tâm lý Mẹ và Bé) cũng chia sẻ: “Dạy con làm việc nhà mục đích chính không phải là để đỡ đần cha mẹ mà để tập cho con biết chia sẻ công việc chung, có tinh thần trách nhiệm, giúp trẻ hình thành tính tự lập ngay từ lúc nhỏ. Khi giao việc nhà cho con thì ông bà, cha mẹ nên cương quyết để trẻ tự làm, không nên làm thay vì sẽ tạo nên ở trẻ tính ỷ lại. Khi trẻ có biểu hiện làm qua loa cho xong chuyện, người lớn phải uốn nắn kịp thời, nếu không sẽ hình thành nên tính lười biếng ở trẻ sau này”.
* Chuyên gia tâm lý Trần Thị Thu Hương nhận định: Việc cưng chiều con quá mức vô tình làm hại con. Bởi sau này, khi không có điểm tựa là cha mẹ bên cạnh, trẻ sẽ lúng túng với cuộc sống.
 
Theo CAO HƯỜNG (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm