Đẩy mạnh kiểm soát các văn bản dưới luật chồng chéo, bất cập

(PLO)- Cùng với nhiều vấn đề đang gây khó cho người dân, doanh nghiệp thì các đại biểu còn chỉ rõ các vướng mắc của luật, nghị định, thông tư… chồng chéo, bất cập.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-6, Quốc hội (QH) dành buổi sáng tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những vấn đề của địa phương hay lĩnh vực đặc thù, các đại biểu (ĐB) còn đề nghị xem xét lại các quy định pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật trong đăng kiểm, PCCC để doanh nghiệp (DN) không chịu thêm chi phí. Qua đó, có thể góp phần vào phục hồi kinh tế, giảm tình trạng DN rút khỏi thị trường và giảm cả thất nghiệp.

Bất thường số DN rút khỏi thị trường

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) dẫn số liệu DN trong báo cáo Chính phủ, nhất là các DN rút khỏi thị trường và nhận định tình hình DN có những bất thường.

“Con số bình quân gần 20.000 DN rút khỏi thị trường mỗi tháng là mức tăng đột biến” - ĐB Hiền nhận định sau khi so sánh với con số gần 12.000 DN rút khỏi thị trường vào năm 2022, 10.000 DN vào năm 2021, gần 9.000 DN vào năm 2020...

Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 1-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 1-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cũng theo ĐBQH tỉnh Hà Nam, rất nhiều DN vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn bởi thiếu đơn hàng, thị trường, vốn, lãi suất cao, chuỗi cung ứng chưa phục hồi, thông suốt.

Bên cạnh lý do khách quan, nữ ĐB đánh giá quy định pháp luật về đất đai, điều kiện giao đất để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất lúa còn nhiều vấn đề phải bàn về thẩm quyền, nhất là quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Còn ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng bên cạnh khó khăn về kinh tế, mất việc làm đang và sẽ diễn ra nhanh chóng trên quy mô toàn cầu, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi xu hướng ấy. Trong khi đó, DN “là linh hồn sống của nền kinh tế” đang cần Nhà nước và xã hội chia sẻ khó khăn.

ĐB Nghĩa đề nghị tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho người dân, DN; quyết liệt cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN. Đồng thời, chuẩn bị phương án để giải quyết vấn đề an sinh xã hội phát sinh do khó khăn của DN mang lại.

Cần đánh giá tác động từ pháp luật

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng cần đánh giá vướng mắc của Luật Quy hoạch để thấy những vướng mắc nào đang gây cản trở phát triển kinh tế. Từ đó có những điều chỉnh phù hợp, thậm chí có thể đề xuất tạm đình chỉ thi hành một số điều cho đến khi luật được sửa đổi, ban hành.

Tương tự, cần rà soát tất cả vướng mắc trong các luật Đất đai, Đấu thầu, Đầu tư công hay bất cứ văn bản pháp luật nào hiện hành mà không còn phù hợp với thực tiễn để có giải pháp tháo gỡ, kích thích kinh tế phát triển, khắc phục hiện tượng tăng trưởng chậm trong những tháng đầu năm 2023 này.

ĐB Lê Văn Dũng (Quảng Nam) thì đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát để sớm sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư, các văn bản còn chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp trong thực tiễn hiện nay đang gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Bởi theo ĐB Dũng, đây là nút thắt, rào cản trói buộc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương.

ĐB Dũng cũng đề xuất: “Trong điều kiện còn nhiều khó khăn như nhiều ĐB đã phát biểu từ hôm qua đến bây giờ, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, có gói chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người dân và DN, nhất là những công nhân, nông dân, người buôn bán nhỏ đang gặp khó khăn trong cuộc sống hiện nay có điều kiện phát triển cuộc sống”.

ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu về những đóng góp của thể chế vào kết quả cụ thể của phát triển kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề về an sinh xã hội. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận còn nhiều bất cập của hệ thống pháp luật.

Từ đó, ĐB Ba kiến nghị Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới về thể chế là nhấn mạnh hơn việc kiểm soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thông tư của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

“Hiện nay các văn bản của Trung ương, văn bản của Chính phủ và các bộ có sự thay đổi hằng năm rất lớn. Hằng năm Chính phủ ban hành hàng trăm nghị định, có năm lên đến gần 200 nghị định, như năm 2022 có tới 131 nghị định, như vậy nếu chúng ta tính khoảng 240 ngày làm việc một năm thì cứ hai ngày là ban hành một nghị định” - ĐB Ba nói.

Ngoài con số về nghị định trên, ĐB Ba còn liệt kê sơ qua số lượng thông tư của các bộ và đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến các thể chế hiện tại để đảm bảo chất lượng của các văn bản và đặc biệt quan tâm đến hệ thống kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật đã có.

Chính phủ cũng cần phải giao một cơ quan đầu mối để kiểm soát tính hợp pháp và kể cả tính hợp lý đối với các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ vì Việt Nam không có “cơ chế tòa án” để xét xử các văn bản không phù hợp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước NGUYỄN THỊ HỒNG:

Hướng về thị trường nội địa

Chính sách cho vay vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi về mặt cơ chế, chính sách. Các tổ chức tín dụng dư địa về room tín dụng rất thoải mái, không bị chậm và thanh khoản hệ thống thì được Ngân hàng Nhà nước duy trì rất dư thừa và không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi DN đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay.

Đối với các DN không có đầu ra, đơn hàng, giải pháp là phải tháo gỡ khó khăn đầu ra. Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt để xúc tiến thương mại, tuy nhiên việc này cũng cần phải có thời gian cho nên DN cũng như các cơ quan cũng cần hướng đến để khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm của cầu nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC:

Tăng tiêu dùng xã hội, phân cấp

Hiện nay tổng cầu của nền kinh tế còn khó khăn cần tăng tiêu dùng xã hội lên, tăng đầu tư tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực như bất động sản, điện tái tạo, giải ngân đầu tư công, xuất nhập khẩu.

Muốn vậy cần phải phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương và các bộ, ngành về chương trình mục tiêu, phát triển rừng, chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp các công trình công và các máy móc, thiết bị, hay chẳng hạn như đánh giá tác động môi trường… Đồng thời, tập trung giải quyết những vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là đất đai và các công trình điện.

Cũng cần giải quyết thị trường và cung ứng vốn, cần phải “hành động, hành động và hành động” hướng đến DN, tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm giải quyết công ăn việc làm, tăng trưởng và thu ngân sách.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG:

Sẽ có chính sách mạnh hơn hỗ trợ người dân

Các khó khăn của DN đều ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Đây là những vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ DN và người dân như giảm lãi suất cho vay, điều kiện vay, giảm thuế, phí, lệ phí, xúc tiến mở rộng thị trường…

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉ đạo, có những biện pháp, chính sách mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn hỗ trợ ngay cho DN và người lao động để hỗ trợ nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm