Trong buổi làm việc giữa cơ quan thú y với các cơ sở giết mổ và tiểu thương mới đây, một lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM nói tiểu thương phải tự kiểm tra chất cấm trong heo bằng phương pháp test mẫu nhanh.
Phản ứng trước thông tin này, một số chủ cơ sở giết mổ và tiểu thương cho rằng làm như vậy là gây khó cho họ.
Khó chính xác, thêm gánh nặng
Anh Nguyễn Kiên, một tiểu thương đồng thời là thương lái chuyên thu mua heo ở Đồng Nai, Bình Dương đưa về các chợ TP.HCM tiêu thụ, cho rằng tiểu thương tự test mẫu để phát hiện chất cấm không hiệu quả.
“Số lượng heo tôi mua lớn, trong khi test mẫu chỉ vài con nên khó chính xác. Hơn nữa, mỗi con heo khi bán ra thị trường đã phải tốn khá nhiều loại phí như kiểm dịch, phí giết mổ…, nay lại cõng thêm chi phí tự test mẫu sẽ tạo thêm gánh nặng cho tiểu thương cũng như chủ cơ sở giết mổ” - anh Kiên nói.
Một tiểu thương khác không muốn nêu tên dẫn chứng chi phí để test nhanh mỗi con heo khoảng 100.000 đồng, chưa kể chi phí nhân công để test. Như vậy, chỉ cần test hơn 50% lô heo (chứ chưa nói đến test 100%) thì coi như không còn lợi nhuận nữa. Chính vì vậy, để tạo yên tâm cho người mua, hiện nay một số tiểu thương, cơ sở giết mổ chỉ dám test khoảng 15%-20% lô heo (nghĩa là cứ 100 con thì test 15-20 con) nhưng không hiệu quả bởi không đủ phương tiện, thiết bị, chuyên môn… để làm việc này.
Cơ quan thú y kiểm tra lô thịt heo từ các tỉnh đưa vào TP.HCM tiêu thụ. Ảnh: Quang Huy
“Thế nhưng bây giờ thú y lại bảo tiểu thương khi thu mua heo ở trại chăn nuôi phải test nhanh chất cấm. Đó là chưa kể trong trường hợp lô heo hàng trăm con, không thể kiểm tra 100% mà chỉ có thể kiểm tra mẫu một số con. Trong trường hợp nếu tiểu thương test trúng những con không có chất cấm nhưng khi đưa toàn bộ lô heo trên vào TP.HCM để giết mổ, Chi cục Thú y TP phát hiện trúng con heo (chưa được tiểu thương test) nhiễm chất cấm rồi tiêu hủy. Thiệt hại đối với tiểu thương là quá lớn” - tiểu thương trên bức xúc.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho rằng ngay cả cơ quan thú y khi test mẫu chất cấm cũng phải đưa mẫu về phòng kiểm định với đầy đủ thiết bị hiện đại mới cho kết quả chính xác. Còn việc người chăn nuôi, tiểu thương, thương lái tự test mẫu thì không thể chính xác và không có giá trị.
Ông Ngọc nói: “Việc test mẫu cần có cơ quan chuyên môn, cơ quan độc lập mà hiện tại là cơ quan thú y làm việc này. Việc tiểu thương tự test chất cấm không phải là giải pháp đúng đắn, hiệu quả, thậm chí nảy sinh những tiêu cực trong quy trình kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi”.
Trách nhiệm của thú y
Trước những thắc mắc của tiểu thương và các cơ sở giết mổ, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho rằng trong quy trình kiểm dịch heo trước khi đưa vào giết mổ không quy định kiểm tra chất cấm, mà chỉ quy định kiểm tra dịch bệnh ở heo. Do vậy, nếu thấy heo không có biểu hiện mắc bệnh thì chi cục thú y tỉnh cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
“Do vậy tiểu thương phải tự kiểm tra chất cấm trong heo bằng phương pháp test nhanh để phát hiện và không mua heo nhiễm chất cấm” - ông Phát nói.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, khẳng định muốn test mẫu chất cấm phải là người có chuyên môn, được cấp giấy chứng nhận lấy mẫu của Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, được tập huấn và thực hiện có quy trình.
Do vậy việc cơ quan thú y nói tiểu thương, cơ sở giết mổ phải tự lấy mẫu là không đúng, bởi ngay chính Thanh tra Bộ NN&PTNT đôi khi cũng không thể làm được vì không có chuyên môn. Hơn nữa, chi phí test mỗi mẫu 60.000-100.000 đồng là không hề nhỏ đối với tiểu thương và các cơ sở giết mổ.
“Tiểu thương tự làm vừa không có hiệu quả vừa tốn chi phí” - ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, sở dĩ hiện nay một số tiểu thương kiểm tra chất cấm là tự nguyện vì lo ngại heo họ mua có thể bị nhiễm chất cấm và bị tiêu hủy gây thiệt hại lớn chứ cơ quan quản lý không thể bắt buộc hay khuyến khích. Bởi trách nhiệm kiểm tra, test mẫu là trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan thú y.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng thú y không nên đẩy trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước sang tiểu thương, cơ sở giết mổ - những người không đủ chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn nữa, nếu cơ quan thú y chỉ dừng lại ở việc kiểm tra các cơ sở giết mổ, tiểu thương như hiện nay thì mới làm ở phần ngọn. Phần gốc là các đường dây cung cấp, buôn bán chất cấm, chất cấm núp bóng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi hay các trang trại sử dụng chất cấm thì vẫn chưa kiểm soát được.
Tiểu thương chịu thiệt Nhiều chủ cơ sở giết mổ bức xúc cho biết nhiều trường hợp heo được họ lấy mẫu kiểm tra xong, sau đó chi cục thú y ở các tỉnh, thành tiếp tục lấy mẫu kiểm tra chất cấm và heo có giấy chứng nhận kiểm dịch của chi cục thú y các tỉnh. Thế nhưng khi đưa vào TP.HCM tiêu thụ, nếu bị phát hiện có chất cấm (trước đó đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch của chi cục thú y tỉnh), tiểu thương vẫn là người chịu thiệt, trong khi đáng lẽ cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm mới đúng. Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ (Củ Chi, TP.HCM), nói thực tế cho thấy nếu tiểu thương tự test trên số lượng đàn heo ít thì có thể độ chính xác cao nhưng đàn lớn thì chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, đối với các cơ sở giết mổ có nguồn heo nhập về từ nhiều trang trại thì test không hiệu quả. |