Dạy trẻ học bơi để tự cứu mình

Đừng để quá muộn

Ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi bước ra ngõ là gặp sông nước, một năm có đến sáu tháng nước ngập mênh mông như biển do mùa nước nổi tràn về, tình trạng trẻ em chết đuối hầu như năm nào cũng xảy ra. Trẻ em chết đuối trong mùa nước đã đành, ngay trong mùa khô thỉnh thoảng có việc trẻ té ao, té sông chết đuối. Chuyện nghe có vẻ khó tin vì từ xưa người ta thường nói trẻ con miền sông nước Tây Nam Bộ bơi lội giỏi như… rái cá, vậy sao có nhiều trẻ chết đuối?

Có lần tôi mang vấn đề này ra hỏi ông Hai Mách, một chủ đò ngang ở Lai Vung (Đồng Tháp). Lão Hai Mách chỉ tay xuống dòng sông nước đục ngầu lều bều rác rến, giải thích: “Hồi xưa sông nước trong lành, cuộc sống con người gắn liền với dòng sông nên trẻ con từ nhỏ đã được cha mẹ, anh chị tập bơi lội, vùng vẫy dưới sông rạch. Bây giờ sông nước ô nhiễm nặng nề, dơ bẩn đến mức không ai dám xuống sông tắm giặt. Người lớn cũng cấm luôn con cái của mình xuống sông, từ đó ngày càng ít trẻ em biết bơi”.

Dạy trẻ học bơi để tự cứu mình ảnh 1

Học bơi để có thêm một kỹ năng sống. Ảnh: KIM PHỤNG

Nhiều người vẫn còn nhớ trong mùa nước nổi lịch sử năm 2000 ở miền Tây Nam Bộ, trong số gần 1.000 người thiệt mạng do chết đuối thì có hơn 2/3 là trẻ em. Hơn 10 năm sau, năm 2012 mùa nước nổi cực lớn lại xuất hiện nhưng lần này số trẻ em chết đuối ít hơn nhiều, chỉ có 34 trường hợp. Người ta lý giải, sở dĩ mùa nước nổi năm 2012 trẻ em chết đuối giảm nhiều so với năm 2000 là do các tỉnh xây dựng được nhiều điểm giữ trẻ tập trung, các đoàn thể chủ động tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em, nhiều trường học chủ động cho học sinh mẫu giáo, tiểu học tạm nghỉ học hoặc trang bị áo phao, xuồng ghe đưa đón học sinh đến trường.

Ngoài nỗi đau mất mát quá lớn thì cái chết thương tâm của trẻ còn là ám ảnh, ân hận, day dứt cả đời của người còn sống. Cách nay không lâu, tôi đến thăm một gia đình ở huyện Cái Bè có hai chị em cùng bị chết đuối ngay dưới con mương nước sau nhà. Hôm đó cha mẹ của hai đứa trẻ bận đưa ghe đi mua bán nông sản, nhờ bà nội ở nhà trông chừng chúng. Buổi trưa, lúc bà nội ngủ thiếp trên võng, hai chị em lẻn ra mương nước sau nhà câu cá. Mương sâu, vách gần như thẳng đứng, đứa nhỏ trượt chân té xuống, đứa lớn nhảy theo cứu em và hai chị em cùng chết đuối. Khi vớt được hai đứa nhỏ lên, nhìn những vết ngón tay của hai chị em cào cấu chi chít vào bờ đất của vách con mương bấu víu sự sống một cách vô vọng, không ai cầm được nước mắt. Sau sự việc thê thảm đó, người cha quyết định lấp kín con mương oan nghiệt, còn người bà đêm đêm không ngủ, ngồi khóc rấm rứt nhìn lên bàn thờ gọi tên hai đứa cháu. Nhưng tất cả đã muộn.

ANH VŨ

“Lỡ mai có rớt xuống nước…”

Quê tôi ở Bến Tre có nhiều sông rạch và trước kia lũ trẻ đứa nào cũng biết lội ào ào. Chiều chiều cả lũ kéo nhau ra con rạch phía sau nhà nhảy ùm xuống thi nhau ngụp lặn. Thế nhưng giờ con rạch chỉ còn chút xíu do người dân đã be bờ để nuôi tôm, cá.

Năm tôi sáu tuổi, mẹ tôi đã dạy tôi bơi. Cũng phải thôi vì thời đó ai cũng phải biết bơi để bơi qua rạch, qua sông làm ruộng, trồng giồng, mò cua, bắt ốc… Mẹ tôi cũng hơi lo xa “lỡ mai mốt có rớt xuống nước thì không bị chết chìm”. Bà đã lấy hai cái thùng nhựa loại 5 lít để tôi ôm tập bơi. Mỗi chiều, khi các anh chị khác tắm rạch thì mẹ tôi cũng lội xuống nước để dạy tôi bơi. Đầu tiên là mẹ tôi ôm ngang người để tôi tập đạp chân, quơ tay nhưng tôi sợ bị chìm nên cứ bám riết lấy mẹ. Dần dần tôi đã tự ôm thùng nhựa bơi qua, bơi lại hai bờ rạch và mẹ tôi đã cột dây vào cái thùng để kéo đi từ từ cho tôi bơi. Kể từ khi biết bơi, tôi đã tự tin đi qua cầu khỉ quê mình chứ không lần mò vì sợ rớt xuống nước và phải canh chừng khi có người lớn mới được đi qua.

Hiện tại quê tôi đã xóa cầu khỉ để thay thế bằng cầu bê tông và xe máy đi lại dễ dàng hơn xưa. Hệ thống sông rạch được nối liền bằng cầu nên người ta không phải đưa rước nhau bằng đò như trước. Lũ trẻ giờ “cắm đầu” vào những trò chơi điện tử, lên mạng Internet, coi tivi... và ít đứa biết bơi vì người lớn cũng không còn chú trọng đến chuyện này.

Chẳng rõ các trường tiểu học đã triển khai việc dạy bơi cho học sinh như thế nào nhưng thiết nghĩ chính mỗi gia đình hãy chủ động dạy trẻ biết bơi để hạn chế những tai nạn đuối nước.             

NGUYỄN QUỲNH VY

Muốn cứu người phải có kỹ năng

Ngoài việc biết bơi thì mọi người cũng cần phải có kỹ năng mới cứu người được. Khi bị đuối nước, người ta thường hốt hoảng và cố bám vào bất cứ vật gì để trồi lên, nếu người đến cứu bơi không giỏi sẽ dễ bị họ bám vào và nhấn chìm. Thường thì người đuối nước sẽ chợp trên mặt nước khoảng 30 giây đến 1 phút rồi bị uống nước và chìm.

Người bơi không giỏi mà thấy người chết đuối thì không nên nhảy xuống cứu mà nên la to lên cho người khác đến cứu. Nếu không có ai đến thì hãy quan sát xung quanh xem có cây, dây, bình, gậy (những vật nổi trên nước) để thả xuống cho người đuối nước bám vào. Khi họ đã bám được vào những vật đó rồi thì ta mới bơi ra nhanh chóng kéo những vật đó vào bờ.

Với người bơi giỏi, khi thấy người đuối nước phải bình tĩnh chọn vị trí nào cần nhảy xuống cứu. Lưu ý là phải tính đến điểm đón đầu vì ở sông, suối thường có nước chảy, lúc trên bờ thì thấy người bị đuối ở gần nhưng khi ta xuống nước thì họ đã bị trôi ra xa. Khi gặp được người đuối nước rồi, tốt nhất là tiếp cận từ phía sau để họ khỏi ôm ghìm mình khiến cả hai cùng đuối theo. Nếu người đuối nước vùng vẫy quá thì phải biết cách khóa tay họ rồi bơi đưa vào bờ.

Ông TRẦN THANH LIÊM, giáo viên môn bơi của CLB Thể dục Thể thao Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình (TP.HCM)

T.MẬN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm