Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội (QH) sáng 25-5, đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa - đoàn TP.HCM đã đề nghị một số nguyên tắc đã được Hiến định, pháp luật quy định cần phải được thực hiện thống nhất.
Ông cho rằng Uỷ ban Pháp Luật, Uỷ ban Tư pháp, các ngành kiểm toán, thanh tra, điều tra, kiểm sát, toà án, luật gia, luật sư… có lẽ phải ngồi để rà soát lại toàn bộ hoạt động xử lý, xét xử sai phạm vừa qua.
Theo ông, luật thì chỉ có một và hiện nay tương đối ổn. Tuy nhiên trong quá trình thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử thì bắt đầu có những quan điểm, nhận thức hành xử khác nhau, thậm chí rất là khác nhau.
“Hôm qua vụ xử Trương Quốc Cường thì anh Lưu Bình Nhưỡng cũng có ý kiến ngay. Tôi không bình luận về ý kiến này. Ý của tôi là muốn phản ánh về một tình hình thực tế có những vụ mà VKS đề xuất cái thiệt hại rất là cao nhưng toà lại xử thiệt hại bằng 1/10 đề xuất của VKS.
VKS kháng nghị, toà phúc thẩm cũng lại giữ nguyên quan điểm. Những điều này chúng ta phải ngồi với nhau để bàn, rút kinh nghiệm, cái gì cần phải đi đến thống nhất.
Bởi nhà nước pháp quyền thì chỉ có một, công lý thì chỉ có một, nếu chúng ta không thống nhất được sẽ tạo ra sự lo lắng, hoang mang. Từ đó ảnh hưởng đến hành vi của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân” - ông nói.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa |
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng nguyên tắc suy đoán vô tội cần phải được áp dụng nhất quán. Điều tra là để xem người ta có tội hay không, do đó lúc này người ta phải được đối xử vô tội. Nguyên tắc này được ghi trong Hiến pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng hầu như cái “nguyên tắc suy đoán có tội” lại được thực hiện nhiều hơn.
Trong thanh tra, điều tra, truy tố mình làm sao khi chưa có bản án có hiệu lực của toà, thanh tra, điều tra mời lên thì người ta - nếu là người trong sáng vô tư, thì họ cảm thấy không có lý do gì phải sợ sệt, phải đi chạy chọt. Chỗ này, chúng tôi đề nghị phải xem lại nguyên tắc đã được hiến định nhưng áp dụng chưa được nhất quán” - ông đề nghị.
Ông cũng đề nghị một nguyên tắc phòng ngừa tội phạm cần phải được coi trọng chứ không phải khi xảy ra rồi mới trừng trị, xét xử. “Mục đích của phòng chống tội phạm và hiệu quả phòng chống tội phạm phải là ngăn chặn, giảm thiểu, hạn chế vi phạm xảy ra chứ không phải khi xảy ra rồi mình xét xử, trừng trị” - ĐB Nghĩa nói.
Ông dẫn chứng khoa học pháp lý coi tỷ lệ người phạm tội trên dân số rất quan trọng. Trong một làng, một phường, một khu phố mà tỷ lệ người phạm tội nhiều lên thì xã hội bất ổn. “Vì sao? Vì có tiền án rồi thì tái hoà nhập với xã hội rất khó, rất là tốn kém. Cái khó này không chỉ cho người phạm tội, mà cho cả gia đình và thân nhân của họ” - ông phân tích.
Theo đó, ĐB Nghĩa cho rằng “càng phát triển về kinh tế thì chúng ta càng phải tạo ra những môi trường để tội phạm giảm đi, làm sao phát hiện sớm, để ngăn chặn sớm”, như thế sẽ cứu được rất nhiều người. “Nếu mình không có cơ chế để phát hiện kịp thời, để người ta trở thành tội phạm rồi thì tỷ lệ người phạm tội trên dân số gia tăng, thì xã hội rất là bất ổn” - ĐB Nghĩa nói.