Trong danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV có chín người tự ứng cử. Pháp Luật TP.HCM trao đổi với một trong chín người này, đó là ứng cử viên, luật sư (LS) Trương Trọng Nghĩa.
Nhiều kinh nghiệm vì 10 năm làm ĐBQH
. Phóng viên: Lý do nào khiến ông tự ứng cử ĐBQH khóa XV, thưa ông?
+ Ông Trương Trọng Nghĩa: Lý do đầu tiên là kỳ này Đoàn LS TP.HCM không được phân bổ cơ cấu giới thiệu ứng cử viên như nhiều khóa trước. Giới LS cả nước chỉ được một suất giới thiệu ứng cử viên phân bổ cho Liên đoàn LS Việt Nam. Nếu tôi không tự ứng cử thì QH khóa XV chỉ có một ứng cử viên là LS. Vậy là quá ít. Tôi quyết định tự ứng cử, để nếu cả hai được bầu thì QH khóa này chí ít cũng có hai ĐB là LS (khóa XIV có ba LS là ĐBQH).
ông Trương Trọng Nghĩa trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận 6, TP.HCM.
Ảnh: NGÂN NGA
. Lý do thứ hai là gì?
+ Nhiều công việc, chức trách, lĩnh vực hoạt động của QH và ĐBQH rất cần kiến thức pháp luật sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn hoạt động pháp lý. Ví dụ: Khi thảo luận và thông qua các dự thảo luật, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn pháp lý sẽ giúp các ĐB nhìn thấy các hạn chế, các sơ hở, chồng chéo, bất hợp lý của các quy định để chỉ ra và đề xuất chỉnh sửa. Rồi các hoạt động khác như giám sát, chất vấn, xử lý các khiếu nại, tố cáo của cử tri… cũng cần có những ĐB như vậy.
Tất nhiên, trong QH đã có cơ cấu các ĐB là thẩm phán, là kiểm sát viên, là điều tra viên nhưng trong giới LS hiện có đến 15.000 người, không ít người có thế mạnh về kiến thức và kinh nghiệm đó. Thế mạnh của LS còn là ở chỗ nhận thức pháp luật trong quá trình áp dụng vào việc tư vấn hợp đồng, bào chữa, giải quyết tranh chấp, đặc biệt là thực tiễn áp dụng pháp luật trong quan hệ xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, hội nhập quốc tế. Tất nhiên, ĐBQH còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn khác về chính trị, về lòng yêu nước, thương dân và về đạo đức cá nhân. Tuy nhiên, nếu được cử tri tín nhiệm bầu chọn, các ĐBQH là LS chẳng những làm tốt chức trách của mình mà còn có thể đóng góp vào các hoạt động chung của QH và các cơ quan của QH. Tuy nhiên, việc tôi tự ứng cử còn lý do thứ ba nữa.
. Cụ thể đó là gì, thưa ông?
+ Là ĐB đã hai nhiệm kỳ, tôi không phải trải qua thời gian làm quen công việc và quá trình thích nghi cuộc sống của một ĐBQH, cho dù là không chuyên trách. Chẳng hạn khi tham dự kỳ họp 4,5 tuần liền ở Hà Nội, ở khách sạn công vụ và tuân thủ một biểu thời gian làm việc đúng giờ tăm tắp, nối tiếp nhau với cường độ cao.
Đó là việc đọc hàng ngàn trang tài liệu trong vòng một tuần; hoặc phát biểu trước hội trường, có truyền hình trực tiếp, những vấn đề tâm huyết, hệ trọng, phức tạp chỉ trong vòng 7 phút. Nếu không quen và chậm thích nghi, các ĐB không thể đủ thời gian, tâm trí làm tốt nhiệm vụ ĐB mà còn gặp khó khăn trong công việc và đời sống riêng.
10 năm làm ĐBQH đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, từ quy trình lập pháp đến công tác giám sát, chất vấn, tranh luận, tiếp xúc cử tri, phản ánh và đôn đốc giải quyết nguyện vọng, bức xúc của người dân...
Đau đáu ba mối quan tâm lớn
. Nếu trúng cử ĐBQH khóa XV, ông sẽ đặt trọng tâm những vấn đề gì?
+ Có ba trọng tâm lớn trong dự định của tôi.
Thứ nhất là công tác lập pháp. QH khóa XIII và XIV đã ban hành khoảng 300 bộ luật, luật và nghị quyết, trong đó có Hiến pháp 2013, đạo luật cơ bản của quốc gia. Tôi đã tham gia suốt quá trình thảo luận và ban hành 300 văn bản này, thậm chí tôi còn là thành viên ban soạn thảo một trong những bộ luật quan trọng là BLTTHS. Rất nhiều đạo luật đang áp dụng tốt nhưng đã có một số đạo luật đã bộc lộ những điểm bất hợp lý, chồng chéo, bất cập so với cuộc sống nên cần phải bổ sung (sửa đổi Luật Đất đai là ví dụ).
Ngoài ra, còn một số luật mà nghị quyết Đảng đã yêu cầu soạn thảo và ban hành nhưng hơn 15 năm rồi vẫn chưa ra được, vì tính phức tạp của nó chẳng hạn, như luật về hội. Tôi tin rằng có thể góp được kiến thức và kinh nghiệm của mình vào công tác lập pháp của QH khóa XV.
Thứ hai là kiến nghị cơ chế, chính sách làm sao nâng cao thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước (CBCCVC) và nâng cao mức sống của người lao động khu vực tư. Vì sao tôi quan tâm điều này? Sau 35 năm đổi mới, lãnh đạo đất nước khẳng định chưa bao giờ nước ta có vị thế, cơ đồ và lực lượng như ngày nay.
Tuy vậy, theo cảm nhận của tôi, đại đa số người dân, nhất là đội ngũ CBCCVC và người lao động ở thành thị và nông thôn đều có thu nhập dưới mức mà họ lẽ ra phải được hưởng. Nếu chưa phải là trung lưu thì họ phải có thu nhập đủ để có mức sống trung bình trong xã hội, lo được cho gia đình và có tích lũy để mua được nhà ở và các tiện nghi khác. Đất nước đã thoát nghèo thì đội ngũ công bộc, dù chưa thể giàu thì cũng phải thoát nghèo. Đó là một trong những điều kiện để đẩy mạnh chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ CBCCVC.
Câu hỏi là lấy nguồn từ đâu để nâng cao thu nhập? Tôi tạm làm bài tính cộng đơn giản về những con số thất thoát, lãng phí, tham nhũng gây thiệt hại cho ngân sách và tài nguyên đất nước nhiều năm qua. Tôi chỉ tính những vụ việc đã công bố trên báo chí thì thấy nếu hạn chế và triệt tiêu được những tổn thất đó thì sẽ có thêm nguồn lực lớn để cải thiện thu nhập cho CBCCVC. Tất nhiên, sẽ có những giải pháp từ những nguồn lực khác nữa…
Thứ ba, tôi sẽ tham gia các đoàn giám sát của QH, của ủy ban của mình và thực hiện giám sát với tư cách cá nhân, theo thẩm quyền hiến định và luật định của ĐBQH. Giám sát là chức năng và quyền hạn đặc thù của QH và ĐBQH. Hoạt động giám sát càng tích cực và có chất lượng thì bộ máy nhà nước của chúng ta càng có hiệu quả cao, nhân dân càng hài lòng, tin tưởng vào chế độ.
. Là một ứng cử viên ĐBQH ở TP.HCM, ông sẽ làm gì cho sự phát triển của TP.HCM nếu trúng cử?
+ Chương trình hành động của tôi đã ghi rõ. Tôi sẽ góp phần xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh; xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đầu tư phát triển và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là ở các vùng ven, vùng ngoại thành, nâng cao đồng bộ mức sống vật chất và văn hóa.
Tôi sẽ kiến nghị Chính phủ tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách lên 23% và 26% theo đề án của TP; thúc đẩy chính quyền TP nỗ lực, nhanh chóng khắc phục kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, tội phạm và tệ nạn xã hội. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; chống quy hoạch treo kéo dài gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của người dân…
. Xin cám ơn ông.
Về những vụ án mà dư luận quan tâm . Có vụ án, không chỉ dư luận mà một số ĐB hay đoàn ĐBQH, trong đó có ông không đồng tình với cơ quan tiến hành tố tụng như vụ án Hồ Duy Hải, vụ án Lê Quốc Khánh (còn gọi là vụ cưa gỗ chết khô ở Kon Tum). Ông nghĩ gì về những vụ án như thế này và tính độc lập trong xét xử của tòa án? + Theo Điều 103 Hiến pháp 2013 thì thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập nhưng đừng quên vế thứ hai không thể tách rời là: Chỉ tuân theo pháp luật. Có lúc, có vụ việc các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan của QH hay ĐBQH có nhận thức khác nhau về thế nào là chỉ tuân theo pháp luật. Khi ấy thì từng cơ quan, tổ chức có quyền và nghĩa vụ thể hiện chính kiến của mình theo quy trình luật định. TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất, có quyền đưa ra xét xử vụ án ở cấp cao nhất và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước QH và trước nhân dân. Trong khóa XIII đã từng xảy ra một số vụ án mà năm, bảy, thậm chí 10 năm sau sự thật mới sáng tỏ và việc bức cung, nhục hình, kết án oan, sai mới được ra ánh sáng. Nhiều vụ án liên quan đến tính mạng, tài sản, nhân phẩm của bị cáo và danh dự của gia đình họ. Vì vậy, tôi đề nghị các hồ sơ gốc của các vụ án phải được lưu giữ đầy đủ, cẩn thận, thậm chí số hóa và phải được bảo quản nguyên vẹn trong thời gian dài và khi cần thiết, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải được tiếp cận để nghiên cứu hay xem xét lại. |