ĐBSCL: Cây lúa không thể đi một mình mà phải kết hợp với cây trồng khác

(PLO)-  Tại Hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa", các lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng nhau bàn giải pháp để nông nghiệp vùng phát triển hiệu quả hơn.

Ngày 18-11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với báo Thanh Niên tổ chức Hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa" và trao giải cuộc thi viết "Nghĩa tình miền Tây".

Ông Lê Quốc Phong – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh cây lúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh. Cùng với xoài, cá tra, sen, hoa kiểng, lúa gạo là một trong 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực và là ngành hàng có bề dày, giữ vai trò trọng yếu trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh và trong nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia.

Thời gian qua Đồng Tháp đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, các mô hình sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hoá góp phần nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất đã giúp tăng thêm thu nhập trung bình cho người nông dân trồng lúa từ 5,3 - 7,7 triệu đồng/ha.

Hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa"

Ông Lê Quốc Phong – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

Tuy nhiên, Bí thư Đồng Tháp cho rằng vẫn còn đó nhiều khó khăn, trăn trở; thu nhập của nông dân trồng lúa chưa ổn định, và vẫn còn thấp so với các loại nông sản khác. Những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá bán thấp tiếp tục đe dọa đến thu nhập của nông dân trồng lúa khiến cuộc sống người dân thiếu bền vững.

Cạnh đó nông dân trồng lúa còn phải bảo đảm không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất, bảo đảm mục tiêu giữ ổn định diện tích đất trồng lúa theo chỉ tiêu được Chính phủ giao.

Nói sứ mệnh cây lúa Việt Nam trong thời kỳ mới, giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết từ Nghị quyết 120/NQ-CP về sau cây lúa Việt Nam phải sống chung với biến đổi khí hậu (nước lũ, hạn, mặn xâm nhập) vừa giảm phát thải khí nhà kính để tích lũy tín dụng Cácbon.

Giáo sư Võ Tòng Xuân

Giáo sư cho rằng Đảng và Nhà nước cần tiếp tục tích cực chỉ đạo ở tầm cao mới: đầu tư khoa học và cấu trúc hạ tầng thủy lợi thiết lập những vườn cây ăn trái hiện đại từ các diện tích lúa vùng kém thích nghi giữa đồng bằng và vùng lúa tôm ven biển để nông dân tham gia sản xuất có lợi nhuận lớn hơn.

Ông Xuân tin rằng đầu tư theo định hướng này, chắc chắn sẽ tạo điều kiện khuyến khích nhất cho nông dân tham gia các HTX kiểu mới trên cánh đồng lớn của họ liên kết với các doanh nghiệp tài giỏi bao tiêu đầu ra của nông dân, chế biến thành những sản phẩm có thương hiệu mạnh.

Còn TS Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế ĐBSCL đồng ý phát triển ĐBSCL trên cây lúa. Nhưng cây lúa không thể đi một mình mà phải có sự kết hợp với các cây trồng khác và tùy vào từng vùng mà lựa chọn cây cũng như mô hình phù hợp.

Cuối hội thảo, Ban tổ chức đã trao giải cuộc thi viết "Nghĩa tình miền Tây" do báo Thanh Niên phát động.

Cuộc thi đã nhận được hơn 1.000 bài viết gửi tham dự. Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 20 bài viết xuất sắc để trao giải, trong đó có 1 bài biết hay nhất về Đồng Tháp với tác phẩm “Thả dớn đón cá linh non” của tác giả Lê Nữ Kim Cương (TP.HCM).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới