Trong hai ngày 3 và 4-10, Văn phòng Thường trực về nhân quyền của Chính phủ phối hợp với phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và châu Âu về đảm bảo quyền con người trong quá trình thực hiện công ước quốc tế chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc tại TP Cần Thơ.
Ông Phạm Văn Ba - Phó Chánh Văn phòng BCĐ nhân quyền của Chính phủ tại hội thảo. Ảnh: N.NAM
Hội thảo nhằm đem lại sự thấu hiểu hơn về các nguyên tắc nhân quyền quan trọng trong các công ước quốc tế về nhân quyền nói chung và Công ước chống tra tấn (UNCAT) nói riêng cho các cán bộ chủ chốt về cảnh sát, tòa án, VKS… của 15 tỉnh, thành phía Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Ba - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ cho biết hội thảo là cơ hội tốt, trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác nhân quyền, ngành công an, tòa án, VKS để đảm bảo quyền con người, thực hiện Công ước chống tra tấn. Qua đó, Việt Nam sẽ có nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm, am hiểu hơn nữa công ước này, góp phần vào việc thực hiện tốt hơn quyền con người cho người dân Việt Nam.
Ông Pieter Cronje (cố vấn đào tạo nhân quyền quốc tế, Nam Phi) chia sẻ một vài gợi ý cơ bản để có được cuộc điều tra đúng đắn, đó là cảnh sát cần tôn trọng luật.
Bởi theo ông Pieter Cronje, cảnh sát là người thực thi pháp luật. Nếu họ phá vỡ luật lệ để phục vụ mục đích thực thi pháp luật sẽ xâm phạm nghiêm trọng nhân quyền và dẫn tới ngộ phán, phá hoại chứng cứ.
Ngoài ra, theo ông Pieter Cronje, cảnh sát phải luôn tôn trọng nhân quyền của mọi nạn nhân và nghi phạm, luôn tìm kiếm sự thật và luôn ghi nhớ mọi nghi phạm đều được coi là vô tội cho tới khi được chứng minh là có tội trước tòa án; không sử dụng bạo lực trong quá trình điều tra; không nên chỉ dựa vào lời thú nhận; ghi chép, ghi âm, ghi hình và lưu trữ cẩn thận các tài liệu liên quan đến quá trình lấy lời khai của nghi phạm, nạn nhân, nhân chứng…