Để Côn Đảo thành điểm đến quốc tế về du lịch nghỉ dưỡng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
 Video: Để Côn Đảo thành điểm đến quốc tế về du lịch nghỉ dưỡng

Đây là đề án quan trọng, được tỉnh nghiên cứu, chuẩn bị, xây dựng chặt chẽ trước khi ban hành, nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của Côn Đảo; song song đó là quản lý, bảo vệ rừng, môi trường tự nhiên, lịch sử của Côn Đảo một cách bền vững. 

Khu du lịch mang tầm Quốc gia

Côn Đảo là quần đảo có vai trò, vị trí quan trọng của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung. Trong đó, Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo thuộc hệ thống rừng đặc dụng có tổng diện tích tự nhiên hơn 19.883 ha.

Nơi đây có hệ động, thực vật, sinh thái biển tự nhiên phong phú, đa dạng; nơi bảo tồn và cứu hộ loài Rùa xanh (Green turle) nhiều nhất của Việt Nam và quan trọng của khu vực.

Năm 2013, VQG Côn Đảo được công nhận là Khu Ramsar của thế giới, Khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam; thành viên chính thức của mạng lưới các Khu bảo tồn rùa biển Ấn Độ Dương- Đông Nam Á…

Côn Đảo là thành viên của mạng lưới các Khu bảo tồn rùa biển. Ảnh: Mạnh Cường

Để định hướng phát triển cho du lịch Côn Đảo, khai thác hết tiềm năng, lợi thế của quần đảo này, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 870/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đến năm 2030”.

Theo đó, du lịch Côn Đảo được phát triển trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về giá trị tài nguyên biển, rừng của VQG Côn Đảo, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo.

Côn đảo Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, đồng thời phải gắn kết với thị trường quốc tế và nâng cao tính cạnh tranh với du lịch các đảo khác ở trong và ngoài nước.

Du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường là định hướng phát triển du lịch của Côn Đảo trong tương lai. Trong ảnh là đàn chim biển tại Hòn Trứng: Ảnh: Mạnh Cường

Trao đổi với PLO, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, du lịch là một trong bốn trụ cột của nền kinh tế.

Tỉnh đặt ra mục tiêu thu hút ít nhất 10 nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế để đầu tư các dự án du lịch tại tỉnh. Các chuỗi du lịch sẽ bắt đầu từ Vũng Tàu - Long Điền - Đất Đỏ - Xuyên Mộc. Với Côn Đảo, tỉnh đang rà soát để kết hợp các quy hoạch của tỉnh với quy hoạch du lịch theo quyết định số 870 nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của tỉnh…”.

Thực tế, năm 2014 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quyết định về việc cho thuê môi trường rừng tại 20 địa điểm trong VQG Côn Đảo để thu hút các nhà đầu tư. Có 23 doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đăng ký xin thuê và xúc tiến các thủ tục pháp lý cần thiết.

Rạn san hô nổi khi thủy triều rút tại khu vực Hòn Tre lớn, Côn Đảo. Ảnh: Mạnh Cường

Tuy nhiên, theo Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định 156 năm 2018 hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, nếu muốn khai thác tiềm năng của VQG Côn Đảo cần có phương án về khai thác, cho thuê môi trường rừng.

Do vậy tháng 10-2020, tỉnh có văn bản rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư du lịch sinh thái tại VQG Côn Đảo, tạm dừng việc thu hút các dự án đầu tư cho đến khi có chủ trương mới. Đồng thời tỉnh chỉ đạo các ngành, huyện Côn Đảo và chủ rừng là Ban quản lý VQG khẩn trương xây dựng đề án du lịch sinh thái VQG Côn Đảo, giai đoạn đến năm 2030.

“Đề án là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng vào triển khai các dự án du lịch sinh thái tại Côn Đảo. Việc cho thuê đảm bảo đúng quy định pháp luật, song song đó giữ được môi trường rừng của Côn Đảo…”- ông Lê Ngọc Khánh, nhấn mạnh.

Khai thác du lịch gắn chặt với bảo tồn, gìn giữ rừng

Khi đề án ban hành, mục tiêu là nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, di tích lịch sử của Côn Đảo để phát triển du lịch sinh thái. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân, du khách các giá trị về tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn của Côn Đảo, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

Với mục tiêu trên, đề án quy định rất chặt chẽ việc cho thuê, khai thác môi trường rừng như: Nếu vị trí thuê có từ hai nhà đầu tư trở lên thì tiến hành đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng, thực lực; Phải lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án để giám sát chặt chẽ ngay từ khâu đầu tiên, tránh chặt phá rừng; Nhà đầu tư phải tuân thủ tỷ lệ đất xây dựng công trình, hạ tầng tại vị trí đất thuê...

Khách du lịch tham quan Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo trước dịch COVID-19. Ảnh: Mạnh Cường

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban quản lý VQG Côn Đảo, cho hay: “Sau khi đề án được duyệt, VQG Côn Đảo đã tiến hành thông báo công khai đề án và việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí để các nhà đầu tư, cơ quan tổ chức và người dân biết.

Ngày 29.11, VQG cũng đã ban hành quy định tiêu chí kỹ thuật xét chọn nhà đầu tư thuê môi trường rừng, đảm bảo nguyên tắc "công khai, minh bạch, công bằng, đúng pháp luật”.

Theo ông Pho, trước mắt, VQG chỉ tiến hành xét chọn hồ sơ, ký hợp đồng với một số nhà đầu tư mà dự án đã có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh (4-5 dự án). Đối với những dự án còn lại chưa có chủ trương đầu tư thì tạm dừng cho đến khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Côn Đảo đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ xem xét sau.

Với những lợi thế về môi trường tự nhiên, lịch sử của Côn Đảo cùng định hướng phát triển đúng- đây sẽ là điểm đến hấp dẫn tầm quốc tế. Ảnh: Mạnh Cường

“Theo đề án, có 20 địa điểm với diện tích hơn 908 ha được cho thuê nhưng không có nghĩa là giao đất, giao rừng cho nhà đầu tư trong suốt quá trình thuê. VQG Côn Đảo vẫn tiếp tục đại diện chủ sở hữu của Nhà nước về rừng và đất rừng trong phạm vi diện tích cho thuê. 

Nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án phải có nghĩa vụ phối hợp với VQG bảo vệ rừng, PCCC rừng và các nghĩa vụ khác.

Với những tiểu khu, lâm phần còn lại, VQG tiếp tục quản lý, bảo vệ theo quy định; đồng thời đầu tư, tôn tạo, tạo thêm các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái khác, giúp đa dạng hơn các sản phẩm du lịch của huyện Côn Đảo”- ông Pho nhấn mạnh.

20 địa điểm cho thuê môi trường rừng

Bãi Dài, Bãi Mới (Tiểu khu 58); Bãi Đầm Trầu nhỏ (Tiểu khu 56B, 57); Bãi Dương (Tiểu khu Hòn Bảy Cạnh); Bãi Nhát, Bến Đầm (Tiểu khu 60); Bãi Ông Cường (Tiểu khu 55B); Đá Cuội, Suối Thị (Tiểu khu 60); Đá Trắng (Tiểu khu 60); Vịnh Đầm Tre (Tiểu khu 55B); Đất Thắm, Bãi Bàng (Tiểu khu 57); Hòn Cau (Tiểu khu Hòn Cau); Hòn Tài (Tiểu khu Hòn Tài); Hòn Tre lớn (Tiểu khu Hòn Tre Lớn); Hòn Tre nhỏ (Tiểu khu Hòn Tre Nhỏ); Mũi Chim Chim (Tiểu khu 56B); Bãi Ông Câu (Tiểu khu 58); Bãi Ông Đụng (Tiểu khu 57,58, Hợp phần biển); Sở Rẫy (Tiểu khu 58); Suối Ớt (Tiểu khu 56B); Ma Thiên Lãnh (Tiểu khu 57,58).

17 tuyến du lịch sinh thái

Đảo Côn Sơn - các đảo nhỏ; Đảo Côn Sơn - Hòn Tài – hòn Bảy Cạnh; Đảo Côn Sơn – Hòn Bảy Cạnh – Hòn Cau; Đảo Côn Sơn - Hòn Tre Lớn - hòn Tre Nhỏ;  Đảo Côn Sơn – Bãi Dương - vịnh Đầm Tre; Đảo Côn Sơn - Hòn Bà– hòn Tre Lớn; Đảo Côn Sơn - Hòn Trứng - Đầm Tre; Ma Thiên Lãnh- Hang Đức Mẹ - Ông Đụng; Ma Thiên Lãnh – Hang Đức Mẹ - Đất Thắm – Bãi Bàng; Ma Thiên Lãnh- bãi Đầm Trầu – bãi Ông Cường; Ma Thiên Lãnh- hồ An Hải – núi Thánh Giá; Ma Thiên Lãnh – Sở Rẫy - Bãi Ông Đụng; Ma Thiên Lãnh – Mũi Cá Mập – Bến Đầm – Hòn Bà; Ma Thiên Lãnh – Suối Ớt - vịnh Đầm Tre; Ma Thiên Lãnh - Núi Chúa – Nhà Bàn – Cỏ Ống; Đất Dốc – Núi Nhà Bàn; Sân bay Cỏ Ông - Hòn Cau.

Nguyên tắc xây dựng sau khi thuê môi trường rừng

Theo đúng quy định tại Điều 15 Nghị định số 156 năm 2018; Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai dự án trên thực địa; Chỉ được xây dựng công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi. Đồng thời do đặc thù quỹ đất huyện Côn Đảo hạn chế và nhằm giữ vững mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, giữ vững độ che phủ rừng VQG Côn Đảo nên UBND tỉnh quy định tỷ lệ xây dựng công trình lưu trú tại các địa điểm cho thuê môi trường rừng như sau:

Tỷ lệ diện tích đất xây dựng công trình lưu trú không quá 5% tổng diện tích thuê môi trường rừng.

Tỷ lệ diện tích xây dựng sân, bãi đậu xe, đường mòn, hạ tầng kỹ thuật đối với diện tích thuê môi trường rừng không quá 15% đối với diện tích thuê môi trường rừng dưới 50ha và không quá 10% đối với diện tích thuê môi trường rừng trên 50 ha.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.