Mới đây nhất, chị Hoàng Thị Na Hương ở Hà Nội đã bị đối tượng lừa đảo rút 500 triệu đồng trong tài khoản Ngân hàng Vietcombank (Pháp Luật TP.HCMđã thông tin). Chị Hương cho biết đêm 3-8 điện thoại của chị nhận được hai tin nhắn thông báo rút tiền từ ATM với số tiền lên đến 100 triệu đồng. Gần 1 giờ sáng 4-8, 100 triệu đồng nữa lại “bay” khỏi tài khoản. Vài giờ sau có thêm ba lệnh chuyển tiền qua Internet banking với tổng số tiền bị mất là 300 triệu đồng.
Rất may Vietcombank đã kịp thời hỗ trợ nên chặn được lệnh chuyển tiền nhưng số tiền 200 triệu đồng đã rút qua ATM trước đó thì không thể lấy lại được.
Theo Vietcombank, chị Hương đã truy cập vào một trang web giả mạo (có địa chỉ http://creatingacreator.com/kob/1/index.htm) vào ngày 28-7-2016 qua máy điện thoại cá nhân. Điều này khiến mật khẩu bị đánh cắp. Cũng theo ngân hàng trên, chị Hương đã khai báo mã OTP (mật khẩu cấp dùng một lần). Việc làm này vô tình đã tạo kẽ hở để hacker chuyển đổi sang hình thức giao dịch smart OTP (tức là người dùng chủ động lấy mã xác thực giao dịch OTP mà không cần chờ tổng đài báo tin vào điện thoại).
Nhưng chị Hương không phải là khách hàng duy nhất “bỗng dưng” mất tiền trong thẻ tín dụng. Đơn cử hồi tháng 7 vừa qua, anh T. sử dụng thẻ của DongABank để nhận lương (số dư 74 triệu đồng). Vợ anh nhận lương qua thẻ của HDBank (số dư hơn 120 triệu đồng). Do không đăng ký dịch vụ báo số dư qua tin nhắn nên đến ngày nhận lương tháng 7, khi mang thẻ ATM ra máy rút tiền, vợ chồng anh hốt hoảng khi phát hiện gần 200 triệu đồng đã bị mất từ lúc nào không biết.
Để bảo vệ khách hàng sau sự việc trên, ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết: “Ngoài cam kết tăng cường bảo mật thông tin cho khách hàng, thời gian tới phương thức đăng ký dịch vụ sẽ phức tạp và chặt chẽ hơn. Chẳng hạn khi muốn sử dụng smart OTP, chủ tài khoản phải trực tiếp làm thủ tục tại quầy giao dịch…”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, nhận định: “Công nghệ thẻ ngày càng phát triển hơn để chống lại những lỗ hổng mà hacker có thể lợi dụng. Ví dụ trước đây ở Việt Nam đều sử dụng thẻ từ thì bây giờ đồng loạt các ngân hàng đều chuyển sang thẻ chip với độ an toàn đã được đẩy lên một mức cao hơn. Bản thân ACB cũng đầu tư mạnh cho lĩnh vực công nghệ của dịch vụ thẻ nhằm đảm bảo tính an toàn tốt nhất có thể cho khách hàng của mình”.
Về phía khách hàng, nhiều người cũng đã tự tìm cách bảo vệ ví tiền của mình theo cách tốt nhất có thể. Anh Trung Hiếu ở chung cư Botanic, quận Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi thường xuyên phải giao dịch thanh toán qua mạng. Trước tình trạng ngày càng nhiều vụ mất cắp theo kiểu “không hiểu vì sao” như thời gian qua, tôi đã đến ngân hàng mở gấp một thẻ chính và một thẻ phụ. Thẻ chính có chức năng giữ tiền và chỉ làm nhiệm vụ là chuyển số tiền vừa đủ để thanh toán sang thẻ phụ. Cách này có chút bất tiện nhưng giúp tôi thấy an tâm hơn. Thông tin trên thẻ phụ có thể khai báo và nếu chẳng may bị hack thì cũng không chịu thiệt hại quá lớn. Hơn nữa, xài thẻ cũng giống như xài tiền, nên không thể sử dụng một cách bất cẩn được”.
Cùng với Ngân hàng Nhà nước, gần đây hàng loạt ngân hàng như BIDV, VietinBank, ACB, VIB, HDBank, Techcombank, TienPhongbank… thường xuyên gửi tin nhắn, email khuyến cáo khách hàng không truy cập vào những trang web lạ; không tải những phần mềm không rõ nguồn gốc; không chia sẻ mật mã thẻ; không cung cấp thông tin thẻ/mã OTP để mua hàng tại những trang web không rõ nguồn gốc… nhằm tránh việc kẻ lừa đảo lợi dụng. |