“Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương vừa có tờ trình kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy (gọi tắt là phí xe máy) từ 1-1-2016” - ngày 23-7, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, cho biết.
Theo ông Minh, qua đánh giá của Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, kết quả hai năm thực hiện thu phí xe máy cho thấy công tác thu phí gặp nhiều khó khăn, hiệu quả rất thấp. “Cụ thể, năm 2013 và 2014 số thu chỉ đạt khoảng 21% kế hoạch thu. Sáu tháng đầu năm 2015, số tiền thu được giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước và chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm…” - ông Minh nói.
Kê khai phí sử dụng đường bộ. Ảnh: HTD
Về nguyên nhân, ông Minh xác định do việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe máy trên địa bàn đến tổ chức thu và nộp vào ngân sách. Cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân về chấp hành nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ chưa cao; công tác triển khai thu phí tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn… Đặc biệt chế tài xử phạt quy định tại Thông tư 133/2014 của Bộ Tài chính chưa khả thi, khó kiểm soát (vì thẩm quyền xử phạt không phải của cơ quan công an mà do cơ quan thuế, thanh tra sở chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện).
“Hiện các địa phương thực hiện không đồng bộ, nhiều địa phương thu trong khi cũng có các tỉnh, thành chưa thu tạo nên sự không công bằng, gây dư luận không tốt trong xã hội. Đó cũng là lý do khiến nhiều chủ phương tiện đã đóng phí năm đầu tiên nhưng sau đó không tiếp tục đóng nữa” - ông Minh cho hay.
Từ những lý do trên, dù một số địa phương vẫn đề nghị tiếp tục thu phí nhưng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương quyết định xin phép Thủ tướng Chính phủ dừng thu phí xe máy từ 1-1-2016. Ngay trong năm 2015, Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan sẽ tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 18/2012 về Quỹ Bảo trì đường bộ theo hướng bỏ thu phí xe máy.
Khi bỏ thu phí, các địa phương sẽ mất đi nguồn kinh phí bảo trì đường bộ. Vậy trung ương có hỗ trợ cho các địa phương? Ông Minh trả lời nếu thu phí xe máy thì địa phương sẽ có thêm nguồn ngân sách để bảo trì đường bộ. “Vì vậy khi dừng thu thì các địa phương cũng phải tự bỏ ngân sách của mình ra để bảo trì đường bộ” - ông Minh nói.