Đề nghị 'mở khóa' cho dịch vụ công chứng

(PLO)- “Tại sao nhiều ĐBQH và cán bộ QH được công an đến tận nơi làm CCCD mà công chứng lại không được làm ngoài trụ sở?” - ĐBQH Nguyễn Trường Giang nêu ý kiến và đề nghị “mở khóa” dịch vụ công chứng, kể cả cho phép công chứng ngoài trụ sở.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách thảo luận về Luật Công chứng (sửa đổi). Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là mô hình của văn phòng công chứng (VPCC).

Hợp danh không phải mô hình tối ưu

Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo về mô hình của VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, ý kiến khác cho rằng nên quy định loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với VPCC được thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

ý kiến đề nghị bổ sung quy định VPCC được tổ chức theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân.

Hinh-P2,3_Chan-trang.jpg
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) góp ý về Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng để tổ chức phiên giải trình vào năm 2023, Ủy ban Pháp luật có đi khảo sát một số địa phương thì thấy nhiều địa phương giải thể phòng công chứng nhà nước nhưng sau đó không thể thành lập được phòng công chứng. Như ở Bắc Giang, tại hai huyện Sơn Động và Yên Thế hiện trắng tổ chức hành nghề công chứng.

ĐB Giang đề nghị “mở khóa” dịch vụ công chứng, kể cả cho phép công chứng ngoài trụ sở. “Tại sao nhiều ĐBQH và cán bộ QH được công an đến tận nơi làm CCCD mà công chứng lại không được làm ngoài trụ sở?” - ông Giang đặt vấn đề.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Trần Nhật Minh (Nghệ An) dẫn tài liệu tham khảo được cung cấp cho ĐB tại kỳ họp thứ bảy, sau năm năm thi hành Luật Công chứng 2006 (đã quy định hai mô hình), cả nước thành lập 487 VPCC thì 352 phòng công chứng theo mô hình công ty tư nhân, chiếm hơn 70%. Chỉ có 135 VPCC là loại hình hợp danh.

“So sánh tương quan hai loại hình trên thì loại hình hợp danh không được nhiều công chứng viên lựa chọn. Văn phòng công chứng tư nhân chỉ mất đi khi Luật Công chứng 2014 quy định bỏ loại hình này. Theo tôi, loại bỏ loại hình tư nhân của VPCC không chỉ hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức kinh doanh của VPCC mà còn gây khó khăn trong tổ chức hoạt động” - ông Minh nêu quan điểm.

Ví dụ tại Nghệ An, ĐB Minh cho hay Nghệ An hiện có 39 tổ chức hành nghề công chứng nhưng có 6/21 huyện miền núi chưa có tổ chức hành nghề công chứng. Người dân tại khu vực này khi có nhu cầu công chứng phải di chuyển trên 50 km, xa nhất như huyện Kỳ Sơn thì phải di chuyển 200 km mới có VPCC.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nói rằng nhiều VPCC gần như hợp danh ảo. Ví dụ có 8-9 phòng thì chỉ cần 12-13 công chứng viên, rồi cứ xoay vòng, cứ sáu tháng xoay, năm tháng thì rút nơi này, nhập chỗ kia. Công chứng viên ký kết hợp đồng trong một thời gian nhất định, thiếu chỗ này thì bù chỗ nọ.

“Mô hình hợp danh thì có ít nhất hai công chứng viên, trong thực tiễn thì không có hai người. Cho nên lần này cố gắng khắc phục tình trạng hợp danh “ảo” ở trong luật. Theo tôi, vùng sâu, vùng xa nên có loại hình là doanh nghiệp tư nhân, trực tiếp người đại diện pháp luật, đồng thời là người chủ doanh nghiệp, đồng thời là công chứng viên chịu trách nhiệm thì tốt hơn và rõ ràng hơn” - ĐB Nguyễn Tạo nói.

Công chứng ở đâu và công chứng gì?

Góp ý về Luật Công chứng, ĐB Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng việc quy định trường hợp về công chứng ngoài trụ sở khi có yêu cầu công chứng từ người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù là cần thiết và phù hợp.

Tuy nhiên, đối với trường hợp “hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở” lại thiếu chặt chẽ và có thể dẫn đến việc chính sách pháp luật bị lợi dụng, tùy nghi áp dụng hoặc áp dụng thiếu thống nhất ở mỗi địa phương, đơn vị.

Bà Hà đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ việc công chứng ngoài trụ sở khác với việc lấy chữ ký ngoài trụ sở. Công chứng là cả một quy trình bao gồm: Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, soạn thảo văn bản công chứng, lấy chữ ký của người yêu cầu công chứng, công chứng viên soạn thảo lời chứng, ký văn bản công chứng, đóng dấu, nộp tiền, xuất hóa đơn.

Do vậy địa điểm công chứng phải là tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng theo khoản 1 Điều 43. Còn việc lấy chữ ký của người yêu cầu công chứng có thể thực hiện ngoài trụ sở theo như quy định tại khoản 2 Điều 43 dự thảo luật.

Về các loại giao dịch phải công chứng, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu nhận xét về ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng. Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành về việc không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng.

ĐB Tâm cho rằng: Luật Công chứng là luật hình thức chỉ để tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, còn loại giao dịch nào thuộc đối tượng phải công chứng thì do luật nội dung điều chỉnh lĩnh vực đó quy định.

Hiện một số luật nội dung cũng đã thể hiện rõ nguyên tắc này như Luật Đất đai 2024 (tại khoản 3 Điều 27), Luật Nhà ở (tại Điều 164), Luật Kinh doanh bất động sản (tại các khoản 4, 5, 6 Điều 44).

Trường hợp nếu bổ sung vào dự thảo luật này một điều quy định về các giao dịch phải công chứng thì vẫn chưa khắc phục được bất cập là phạm vi thực hiện công chứng vẫn đang được quy định cả trong Luật Công chứng và các văn bản khác.

Như vậy, việc quy định về phạm vi các giao dịch phải công chứng chỉ quy định trong các luật nội dung là phù hợp hơn cả. Nhiều ĐB khác cũng đồng tình như vậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm