Ngày 5-7, liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tây giả được phát hiện hồi đầu tháng 12-2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bốn bị can gồm Nguyễn Xuân Cường (47 tuổi), Ao Vạn Hạnh (26 tuổi), Trương Phong Hào (25 tuổi), Trương Thùy Trinh (49 tuổi, cùng ngụ quận 8) về tội sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Huỳnh Nhật Khoa (25 tuổi), Phạm Quốc Quyền (44 tuổi) cùng ngụ quận 10 cũng bị truy tố về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Riêng bị can Đặng Văn Hóa (40 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị đề nghị truy tố cả hai tội danh trên (sản xuất và buôn bán hàng giả...).
Số lượng lớn thuốc giả bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ. Ảnh: ĐC |
Như PLO đã đưa tin, khoảng 11 giờ 30 ngày 13-12-2022, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận 8 ập vào một bãi xe trên đường Cao Lỗ, phường 4, bắt quả tang nhóm của Cường đang sản xuất thuốc giả.
Qua kiểm tra, công an phát hiện 10.000 lọ thuốc nhãn hiệu các loại như: Terpin Codein, Decotyl, Asmacort, Glotal… Ngoài ra, công an thu nhiều dụng cụ được dùng để sản xuất thuốc giả các nhãn hiệu nổi tiếng.
Cường khai thuê Hạnh, Hào và Huy (chưa rõ lai lịch) để sản xuất thuốc chữa bệnh giả tại tại bãi xe và trả tiền công theo tháng. Hạnh khai không biết nguồn gốc bán nguyên liệu từ đâu và cũng không biết thuốc chữa bệnh giả sau khi sản xuất được Cường chuyển đi tiêu thụ ở đâu.
Cường khai mua nguyên liệu sản xuất chữa bệnh giả của nhiều người khác nhau ở TP.HCM, Hà Nội và tỉnh Hưng Yên qua mạng xã hội. Sau khi đem về bãi xe, Cường cho đồng bọn làm thuốc tân dược giả.
Quy trình sản xuất đối với thuốc giả dạng viên nén thì nhóm lấy viên nén có sẵn cho vào lọ đậy nắp và dán nhãn là hoàn thành. Với viên nang thì nhóm xếp vỏ viên nang vào khuôn cho bột vào ép thành viên.
Nhóm này chủ yếu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh như: Gold 500, Celecod 200, Cephalexin 500, Terpin Codein viên nang, Terpin Codein viên nén, Ciproxacin 500, Decotyl, Asmacort, Cepha Pharmacy 500, Cefadroxil 500, Amoxicilin 500…
Thuốc chữa bệnh giả sau khi xuất xưởng được Cường mang bán cho nhiều người, nhà thuốc ở quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận 10… Khách mua hàng của Cường đều thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Tiếp tục truy xét, công an bắt giữ Khoa, Quyền và khám xét 2 căn nhà gần chợ thuốc quận 10 và thu giữ hàng chục ngàn lọ, hộp thuốc nhãn hiệu nổi tiếng,...
Khoa và Quyền khai nhận trao đổi, thỏa thuận mua bán thuốc chữa bệnh với Cường thông qua mạng. Khoa biết Cường bán thuốc giả nên nhiều lần mua với tổng số tiền là gần 1,4 tỷ đồng. Còn Quyền mua của Cường tổng số thuốc giả gần 900 triệu đồng.
Ngoài ra, Quyền còn khai mua thuốc chữa bệnh giả của Hóa. Từ lời khai, Công an quận 8 đã ập vào một căn nhà ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bắt giữ Hóa. Tại đây, công an thu giữ hơn 2.500 lọ thuốc nhãn hiệu các loại cùng dụng cụ sản xuất thuốc giả.
Hóa khai từng kinh doanh thuốc với Quyền. Mới đây, Quyền đặt mua Hóa thuốc tây nên Hóa tự mua nguyên vật liệu, dụng cụ để tổ chức sản xuất thuốc giả. Quá trình điều tra, công an đã mời nhiều người mua thuốc của Quyền, Khoa tới làm việc.