Thi tốt nghiệp THPT 2023:

Đề văn thú vị, đề toán phân hóa cao

(PLO)- Nhiều giáo viên nhận định đề thi tốt nghiệp môn văn, toán năm nay quá an toàn, cấu trúc quen thuộc, nội dung chưa thỏa sự mong đợi.

Hôm nay, hơn 1 triệu thí sinh (TS) tiếp tục bước vào ngày thi thứ hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, buổi sáng TS sẽ thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên/khoa học xã hội, buổi chiều thi môn ngoại ngữ.

Đê văn gây bất ngờ ở phần nghi luận

Cô Mai Thu Thủy, giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, cho biết cấu trúc đề vẫn quen thuộc, ổn định.

Phần đọc hiểu, các câu hỏi được xếp theo thứ tự nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Với cấu trúc này, TS sẽ đón nhận với sự bình tĩnh vì không có sự bất ngờ.

Về nội dung, cô Thủy cho rằng cách ra đề thi quá an toàn, chưa thỏa sự mong đợi về tính mới ở các phần, có thể vì kỳ thi với mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT.

Ví dụ ở phần đọc hiểu, những câu hỏi về thể thơ, nhận biết từ ngữ thể hiện hình ảnh mùa hè, hỏi về tác dụng biện pháp so sánh… là những câu hỏi rất quen thuộc. Thậm chí ở câu liên quan đến biện pháp tu từ còn không đòi hỏi TS tự phát hiện mà chỉ rõ dùng biện pháp so sánh nên TS chỉ học ở mức trung bình cũng dễ dàng lấy điểm trọn vẹn.

Thí sinh rời phòng thi sau khi thi môn toán chiều 28-6. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Câu thứ tư phần nào khơi gợi suy nghĩ của TS về những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, ý chí nghị lực cần có để vượt qua giông bão trong cuộc đời.

13 là số TS vi phạm quy chế thi, trong đó môn văn có 11 TS; môn toán có hai TS.

Tại TP.HCM có một TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi.

Báo cáo nhanh về ngày thi đầu tiên, Bộ GD&ĐT đánh giá:

- Các buổi thi môn văn, toán diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế.

- Các hội đồng thi đã thực hiện tốt các phương án dự phòng nên đã xử lý kịp thời các tình huống bất thường, bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc.

Cô Thủy thích nhất phần nghị luận xã hội, bởi đề đặt các em trong mối quan hệ với chính cá nhân mình, đó là sự cân bằng cảm xúc của các em. Trong khi những năm trước thường đặt các em trong mối quan hệ với cộng đồng, tức hướng đến ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước, vai trò ý nghĩa của ước mơ, khát vọng và cống hiến…

“Nội dung này rất thiết thực vì hiện nay, các em sống trong bối cảnh bị áp lực quá nhiều, về học tập, tác động từ bên ngoài… Do đó, một khi các em biết cân bằng cảm xúc của mình, chăm sóc tốt cho bản thân thì mới nghĩ đến việc chăm sóc cho những người xung quanh và cống hiến cho xã hội. Cách đặt vấn đề này tạo một góc nhìn khác cho các bạn trẻ, nhìn nhận lại bản thân mình và cũng có “đất” để các em được bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của cá nhân” – Cô Thủy đánh giá.

Còn phần nghị luận văn học, theo cô Thủy, tác phẩm Vợ nhặt là tác phẩm trọng tâm của năm học này nên hầu hết thầy cô đều chú ý ôn tập kỹ lưỡng cho các em. Tuy nhiên, đoạn văn đưa vào trong đề thi lại vượt ra khỏi dự đoán của học sinh vì khi tìm hiểu tác phẩm này, các em thường chú trọng những phần về diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng hoặc bà cụ Tứ, còn đoạn cuối này nếu các em học tủ hoặc ít chú ý khi nghe giảng thì dễ khiến các em gặp khó khăn khi làm bài, bí về ý tứ. Chưa kể vế câu hỏi nhận xét về cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân là phần phân loại TS, nếu các em không chú ý học bài, không nghe giảng kỹ và thiếu kỹ năng làm bài sẽ dễ bối rối và bỏ qua.

Một điểm cộng trong đề, thể hiện sự cố gắng của người ra đề là đề thi năm nay có sự kết nối chủ đề giữa phần đọc hiểu đến nghị luận văn học. Từ bài học vượt qua giông bão đến cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân đều thể hiện niềm tin vào cuộc sống giữa khó khăn. Điều này giúp TS giữ được mạch cả

“Đề an toàn, cấu trúc quen thuộc nhưng nếu em nào học bị phụ thuộc vào sự ôn luyện của thầy cô, thiếu sự chủ động và khả năng cảm thụ sẽ khó đạt điểm cao. Vì vậy, phổ điểm năm nay cũng không có nhiều biến động, chủ yếu 5-7 điểm. Những em nào nắm chắc kỹ năng làm bài và đi thi với tâm thế dùng môn văn xét tuyển ĐH thì không khó đạt điểm 8” - cô Thủy nhận định.

ThS Phan Quang Thông, Tổ trưởng chuyên môn ngữ văn Trường THPT Hùng Vương, quận 5, đánh giá câu nghị luận văn học đáng chú ý nhất trong đề thi.

Câu này 5 điểm yêu cầu học sinh viết một bài văn nghị luận văn học trình bày cảm nhận về đoạn kết truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, từ đó nhận xét về cách nhìn cuộc sông của tác giả. Dạng đề khá quen thuộc, đã được các thầy cô ôn tập kỹ càng trong quá trình ôn thi. TS nắm chắc tác phẩm, nắm vững phương phám làm bài có thể làm tốt câu hỏi này. Ngữ liệu được chọn trong đề thi là đoạn kết của truyện.

Độ khó của câu nghị luận văn học nằm ở hai điểm. Thứ nhất, ngữ liệu được chọn không phải là đoạn trọng tâm trong quá trình giảng dạy. Do đó, khi làm bài, TS không thể chép thuộc lòng những gì đã học mà phải có sự huy động kiến thức tổng thể về tác phẩm như tình huống truyện, diễn biến tâm trạng của các nhân vật, giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật của tác phẩm để giải quyết vấn đề.

“Đây sẽ là đề khó với học sinh quen học vẹt, là một đề thú vị với học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản và phương pháp làm bài” - thầy Thông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, yêu cầu nâng cao của câu hỏi này cũng khác so với các vấn đề nâng cao thường gặp của tác phẩm Vợ nhặt như giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, nghệ thuật xây dựng nhân vật... Tuy nhiên, nếu TS nắm chắc các vấn đề này hoàn toàn có thể trả lời tốt phần nâng cao.

Nhìn chung, việc chọn ngữ liệu này hạn chế được việc học vẹt, yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức và phương pháp làm bài mới có thể hoàn thành tốt yêu cầu của đề bài. Bên cạnh đó, việc chọn ngữ liệu này cũng tạo được sự kết nối cảm xúc với học sinh, khơi gợi trong các em tình yêu thương, niềm tin vào sự vươn dậy của con người trong nạn đói năm 1945 và trong những hoàn cảnh đặc biệt của cuộc sống nói chung.

Đánh giá chung về đề thi, ThS Đặng Thị Huy Lam, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, cho biết đề thi bình thường, không có điểm nhấn ấn tượng. Phần đọc hiểu, ba câu đầu dễ lấy điểm, riêng câu 4 phần đọc hiểu nếu đưa xuống phần nghị luận xã hội thì học sinh sẽ có đất để viết vì có nhiều dẫn chứng phong phú gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Bởi yêu cầu của phần nghị luận xã hội đặt ra viết về “sự cần thiết của việc cân bằng cảm xúc” học sinh khó viết hay vì chưa trải qua những áp lực cuộc sống.

Riêng phần nghị luận văn học, ngữ liệu lựa chọn là đoạn văn cuối của tác phẩm Vợ nhặt. TS khó viết vì nếu không biết chọn lọc các chi tiết tiêu biểu thì không đánh giá được cái nhìn vừa rất chân thực về hiện thực khốc liệt của năm đói, vừa rất lạc quan luôn tin tưởng vào sự đổi thay về số phận người nông dân khi họ đến với cách mạng.

Đề toán không lạ” nhưng vẫn phân hóa được TS

Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho hay đề thi chính thức theo đúng cấu trúc của đề thi minh họa năm nay, do đó không gây bất ngờ cho giáo viên lẫn TS.

Cũng theo thầy Thịnh, đề thi chủ yếu là kiến thức lớp 12, lớp 11 chỉ chiếm 1 điểm, tập trung ở phần kiến thức xác suất, cấp số và các bài về khoảng cách của phần hình học.

“Mức độ đề thi năm nay nhỉnh hơn năm ngoái. Những câu hỏi mang tính phân loại tập trung rải đều trong các chương trình lớp 12. Đề thi không xuất hiện các bài toán thực tế.

Do đó, phổ điểm thi năm nay sẽ từ 6 đến 8 điểm, còn điểm 9, 10 cũng sẽ xuất hiện. Do những câu khó, nhiều TS khá, giỏi đã được luyện từ những kỳ thi thử” - thầy Thịnh nói.

Đề thi đáp ứng được 2 mục đích vừa tốt nghiệp, vừa xét tuyển Đại học - Cao đẳng. Những học sinh trung bình - khá sẽ tập trung từ 7 điểm, còn khá giỏi tập trung điểm 9, điểm 10.

Thí sinh rời phòng thi trong cơn mưa lớn chiều qua tại TP.HCM. Ảnh: Di Linh

Tương tự, ThS Lê Thanh Phúc, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, cho hay đề toán khó tương đương đề toán năm 2022 nên sẽ khó có mưa điểm 10.

Đề thi bám sát cấu trúc của đề tham khảo. Đề năm nay khó hơn một chút so với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, mức độ khó tương đồng với năm 2022, tính phân loại rất tốt.

Các dạng câu hỏi trong đề thi không lạ nhưng vẫn phân loại TS. Học sinh dễ dàng giải quyết 35-38 câu đầu, từ câu 39 trở đi bắt đầu phân hóa TS. Đặc biệt những câu vận dụng cao từ câu 38 đến 50.

“Theo tôi dự đoán, với đề thi năm nay, phổ điểm chủ yếu sẽ là tầm 7,8 điểm, tương đương năm 2022. Học sinh trung bình được khoảng 7-7,6 điểm; số điểm 8,2-8,6 cũng sẽ có nhiều học sinh đạt được. Học sinh giỏi, xuất sắc thì hoàn toàn có thể đạt 9-10 điểm nhưng dự kiến số điểm 10 sẽ không nhiều và không dễ dàng” - thầy Phúc nhấn mạnh.

Đồng quan diểm, thầy Phạm Duy L, giáo viên Trường THCS - THPT Nhân Văn, quận Tân Phú, cho hay đề thi không có nhiều thay đổi về cấu trúc so với năm 2022 nhưng tính phân loại cao, nhiều câu hỏi cài cắm, nếu TS không nắm vững kiến thức nền sẽ làm sai.

Kiến thức của đề nằm trong chương trình lớp 12, chương trình lớp 11 có các câu liên quan đến dãy số, chỉnh hợp, xác suất, khoảng cách trong không gian. Đặc biệt hệ thống kiến thức, nội dung được tinh giản cũng không xuất hiện trong đề thi năm nay.

Các câu hỏi vận dụng cao trải đều ở các chuyên đề hàm số, nguyên hàm, hàm số mũ-logarit, số phức và hình học tọa độ Oxyz.

Công điện khẩn của Bộ GD&ĐT về kỳ thi

Tối 28-6, Bộ GD&ĐT đã có công điện về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo công điện, công tác coi thi đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả hội đồng thi trên phạm vi toàn quốc. Dù nguy cơ sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử đã được dự báo, nêu tại các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn nhưng vẫn có trường hợp TS cố tình sử dụng thiết bị công nghệ cao chuyển đề thi ra bên ngoài.

Bộ GD&ĐT đề nghị chủ tịch UBND các địa phương quán triệt Ban chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo các hội đồng thi khẩn trương thực hiện một số công việc sau:

1. Chỉ đạo các trưởng điểm thi:

- Tăng cường phổ biến, nhắc nhở TS thực hiện nghiêm quy chế thi.

- Yêu cầu cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi và các lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi tập trung cao độ, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được tập huấn để ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế thi, đặc biệt là việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.

- Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

2. Tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng an ninh để có các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi trên địa bàn, đặc biệt là phòng ngừa và ngăn chặn việc sử dụng công nghệ cao để vi phạm quy chế thi.

3. Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về tình hình diễn biến của kỳ thi, việc xử lý những trường hợp vi phạm quy chế và các tình huống bất thường để kịp thời tuyên truyền, cảnh báo, răn đe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới