Giáo viên tranh luận phần 'gây cảm xúc' trong đề thi văn

(PLO)- Giáo viên có quan điểm trái chiều trước phần nghị luận văn học trong đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, thí sinh đã tham gia bài thi môn văn - bài thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau khi rời phòng thi, nhiều thí sinh cho rằng khá bất ngờ khi ra tác phẩm Vợ nhặt. Về phía giáo viên, có người thích thú với đoạn ngữ liệu phần nghị luận văn học, tuy nhiên có giáo viên cho rằng đoạn trích này không phổ biến cho tư tưởng của tác giả.

Thích thú với phần "nhạy cảm" trong đề thi

Nhận xét đề thi Ngữ văn năm nay, cô giáo Lê Thị Ngọc Dung, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TP.HCM), cho rằng đề thi năm nay không có sự bất ngờ, từ cấu trúc và cách đặt vấn đề tương tự như năm trước, phù hợp với kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp.

Nội dung đề không có gì mới lạ và đều trong nội dung ôn tập trọng tâm cũng như dự đoán của giáo viên.

Cụ thể ở phần đọc hiểu, cách đặt câu hỏi chỉ là dấu hiệu nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Học sinh được làm quen rất nhiều rồi nên sẽ dễ dàng lấy điểm ở phần này. Còn ở phần nghị luận văn học đề cập đến đoạn cuối của tác phẩm Vợ Nhặt cũng trong dự đoán ôn tập trọng tâm của giáo viên, lại rơi vào học kỳ hai của lớp 12 nên học sinh dễ dàng làm bài hơn.

Tuy nhiên, cô Dung đánh giá cao câu hỏi số hai trong phần làm văn khi đề cập đến vấn đề cân bằng cảm xúc trong cuộc sống.

Theo cô Dung, nội dung này là khá hay và ý nghĩa với học sinh vì gần gũi, chạm vào đời sống của các em. “Câu hỏi này đề cập vấn đề khá “nhạy cảm”, như một cách giáo dục kỹ năng sống cho các em, các em hiểu được thế nào là cân bằng cảm xúc. Vì hiện nay học sinh rất dễ bị chi phối nhiều thứ nên dễ bị mất kiểm soát, nóng vội, gây ra hậu quả đáng tiếc. Có những em chỉ xảy ra một chuyện nhỏ đã thiếu kiềm chế, rơi vào stress hay nổi loạn, thậm chí có những em dễ dàng chọn cách tự tử hoặc làm xấu bản thân mình. Từ đây, các em như một lần nhìn lại bản thân, cuộc sống để nhắc nhở bản thân và bình tĩnh hơn khi đối diện với những gì xảy ra trong cuộc sống” – cô Dung chia sẻ.

Theo cô Dung, với đề thi này, học sinh làm bài rất thuận lợi, chỉ cần đọc kỹ và bám vào đề để làm. Vì vậy phổ điểm Ngữ văn năm nay sẽ ở mức khá là nhiều, tức từ 6,5 đến 7,5 điểm sẽ nhiều nhất.

Tranh luận về ngữ liệu trong phần nghị luận văn học

Thầy Nguyễn Hữu Nhưỡng, Trường THPT Giồng Ông Tố, TP Thủ Đức cho biết phần đọc hiểu câu 1, câu 2 là kiểu câu hỏi nhận biết, thí sinh dễ dàng lấy được điểm. Trong khi đó, câu thứ 3 yêu cầu thí sinh phát hiện nêu biện pháp tu từ so sánh qua một đoạn thơ. Đây cũng là dạng câu hỏi thông hiểu thông thường. Học sinh chỉ cần chỉ ra biện pháp so sánh nằm ở đâu trên 4 dòng thơ đó, sau đó nêu tác dụng nội dung và nghệ thuật. Như vậy, câu 3 cũng không làm khó thí sinh với những em có học lực từ mức trung bình trở lên có thể hưởng trọn điểm trong đáp án.

Thí sinh rời phòng thi sau khi kết thúc bài thi môn văn sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thí sinh rời phòng thi sau khi kết thúc bài thi môn văn sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Còn câu 4 từ một ý kiến của tác giả ( trong đoạn thơ) yêu cầu học sinh rút ra bài học về lẽ sống. Câu này là kiểu câu vận dụng thấp nên cũng không khó và không có tính phân hóa thí sinh.

Đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: QT

Đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: QT

Nhìn chung phần đọc hiểu, cả cấu trúc hình thức và nội dung ổn.

Đối với phần làm văn, câu nghị luận xã hội là dạng đề quen thuộc, nội dung yêu cầu cũng chỉ ở mức bình thường. Thí sinh chỉ cần tư duy ngược sẽ dễ nhận ra đề yêu cầu trình bày (có lý giải) 1 số giá trị cơ bản mà “sự cân bằng cảm xúc” mang lại.

Câu nghị luận văn học về ngữ liệu được sử dụng trong đề nằm ở phần cuối cùng của tác phẩm.

Theo thầy Nhưỡng, ngữ liệu quá ngắn. Xét về nội dung, rõ ràng đoạn trích không phải là đoạn tập trung lớn cho chủ đề tư tưởng của nhà văn Kim Lân khi viết tác phẩm Vợ nhặt này. Bởi đây chỉ là đoạn đối thoại có phần tủn mủn và khiên cưỡng của nhân vật.

Thầy Nhưỡng cho biết, chúng ta cũng cần phải biết rằng khi xây dựng tác phẩm này, nhà văn nông thôn Kim Lân đã xây dựng nhân vật và diễn biến nội dung cốt truyện theo tư tưởng: “Tôi muốn phân tích tâm trạng và thân phận của con người trong cái hoàn cảnh cùng đường ấy, nơi cuộc sống dường như không còn lối thoát. Tôi muốn hướng họ vào sự sống, sự thương yêu nhau, không phải là sự giành giật nhau (…). Bối cảnh của truyện là khi cái đói hoành hành khắp nơi. Nhưng các nhân vật của truyện thì đứng ở ngưỡng cửa của cái đói. Nơi ngưỡng cửa khốn khổ đó, họ sẽ chứng tỏ số phận và tính cách của mình, đồng thời ở nơi đó họ sẽ bắt đầu một niềm tin mới, một niềm hạnh phúc mới, dù là rất mong manh.; ...Ngay bên bờ vực của cái chết, họ (những người nông dân như Tràng, Thị, bà cụ Tứ...) hướng về sự sống, khao khát tổ ấm và thương yêu đùm bọc lẫn nhau” (Trích: Tác giả nói về tác phẩm). Vậy thì rõ ràng đề bài sẽ không đáp ứng được những chủ đề tư tưởng đó của tác phẩm.

Phần phụ của đề yêu cầu nhận xét về cách nhìn nhận cuộc sống được nhà văn Kim Lân thể hiện trong đoạn trích. Bởi muốn nhận xét về “cách nhìn nhận cuộc sống được nhà văn Kim Lân thể hiện” thì như trên đã nói đoạn đối thoại không phải là nơi tập trung thể hiện chủ đề tư tưởng của nhà văn. Chính vì những lý do đó mà ở câu nghị luận văn học này thí sinh sẽ không có gì nhiều để viết, để thể hiện.

Trái ngược với ý kiến trên, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 4, tỉnh Nghệ An cho rằng ngữ liệu đọc hiểu rất hay. Biết chắt chịu những xúc cảm mát lành để đi qua cơn giông cuộc đời theo cách êm dịu nhất chính là chìa khoá của hạnh phúc. Từ ý thơ Anh Ngọc, đề kết nối đến xã hội hiện đại để đặt ra vấn đề cân bằng cảm xúc, một kỹ năng thực sự cần thiết trong bộn bề cuộc sống hôm nay.

Câu nghị luận văn học cũng nằm trong mạch ý tưởng về thái độ sống tích cực lạc quan, luôn hướng về tương lai với tất cả tình yêu thường và niềm hy vọng. Tóm lại một đề thi có khả năng khơi gợi cảm hứng cho học sinh có tính giáo dục, tính thực tiễn cao. Tầm của người ra đề thể hiện chính ở khả năng sáng tạo trong khuôn khổ gò bó của một đề thi tốt nghiệp THPT toàn quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm