Sáng 24-11, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng Sở Y tế tổ chức hội nghị tổng kết công tác phát triển sản phẩm du lịch y tế TP.HCM giai đoạn 2017-2023, phương hướng thực hiện 2024-2030.
Sau hơn 5 năm triển khai kế hoạch liên tịch phối hợp liên ngành giữa du lịch và y tế, sản phẩm du lịch y tế đã đạt được những thành quả đáng kể.
Phát biểu tại hội nghị, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, năm 2023 cũng là điểm son ghi nhận sự khởi sắc của sản phẩm du lịch y tế với nhiều hoạt động cụ thể như công bố 30 chương trình tour kết hợp du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế.
TP.HCM ra mắt video clip giới thiệu, quảng bá về sản phẩm du lịch y tế; cập nhật, bổ sung và điều chỉnh Cẩm nang Du lịch y tế bằng 6 thứ tiếng. Đặc biệt, TP.HCM tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và học tập mô hình du lịch y tế tại Thái Lan.
Tuy nhiên, bà Hiếu đánh giá: sản phẩm du lịch vẫn còn tồn tại nhiều trăn trở và có một số bất cập cần cải thiện như: thiếu nguồn nhân lực thông thạo ngôn ngữ chuyên ngành y tế; công tác quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch y tế chưa chuyên nghiệp, thường xuyên.
Hầu hết các bệnh viện chưa có các chứng chỉ quốc tế để bệnh nhân nước ngoài sử dụng bảo hiểm toàn cầu; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn để hình thành một chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh.
Th.S-BS CK2 Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc thông tin: trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện Y dược học Dân tộc đã đón khoảng 200 khách quốc tế từ các công ty du lịch lữ hành; đào tạo chuyên sâu, xây dựng các lớp học cho học viên quốc tịch Pháp, Italy...
Về định hướng đến năm 2030, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất mô hình cấp cứu du lịch, thiết kế hoàn thiện chương trình sản phẩm du lịch y tế, xây dựng chương trình kích cầu du lịch y tế định kỳ hàng quý.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, chương trình du lịch y tế cần sự đồng hành của các địa phương trên cả nước, vì vậy Thành phố định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, liên kết các tỉnh, thành.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề xuất bảy nhóm giải pháp để TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.
Trước hết, Thành phố đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo ngành y tế; hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai "khu y tế kĩ thuật cao"; phát triển kĩ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật.
Ngoài ra, Thành phố phát triển du lịch y tế, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền; cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng; xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa.
Đối với ngành Du lịch, ông Châu đề xuất: Sở Du lịch kết nối, tư vấn khách du lịch với các cơ sở triển khai dịch vụ du lịch y tế; kết nối với các khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, tạo hệ sinh thái. Sở Du lịch hình thành Tổng đài du lịch y tế.
5 bài học từ Singapore
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê Singapore, Singapore đã đón khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch y tế, đóng góp tổng doanh thu khoảng 1,7 tỉ SGD (tương đương khoảng 1,3 tỉ USD). Singapore nỗ lực trở thành một trung tâm chăm sóc sức khoẻ hàng đầu của khu vực.
Singapore xây dựng cơ sở hạ tầng y tế tiên tiến bao gồm các bệnh viện, phòng khám và trung tâm chăm sóc sức khoẻ khác. Chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực y tế được nâng cao, thành lập nhiều trường đại học và trung tâm đào tạo chuyên nghiệp; thành lập nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển y tế.
Đặc biệt, Singapore có chính sách thu hút các nhà cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu trên thế giới. Singapore không ngừng cải tiến hệ thống y tế và đầu tư công nghệ y tế.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM