Tại văn bản, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị quy định kích thước các loại thùng xe tải căn cứ theo nhóm hàng hóa mà phương tiện đó chuyên chở; cấm cải tạo thay đổi thông số kỹ thuật thùng chở hàng xe tải (so với nguyên thủy); cấm nhập khẩu ôtô tải cũ không kèm theo thùng hàng nguyên bản; cấm cải tạo các hệ thống, tổng thành (hệ thống phanh, hệ thống treo; bánh xe, cầu bị động) của xe nhằm ngăn chặn việc chủ xe lợi dụng để phục vụ mục đích chở hàng quá tải.
Trước đó, chỉ trong vòng nửa tháng mở đợt cao điểm thanh tra việc chấp hành quy chuẩn xe khách giường nằm trên toàn quốc vào giữa tháng Ba vừa qua, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã phát hiện hàng loạt các sai phạm về thiếu thiết bị an toàn, tự ý cải tạo, lắp đặt thêm giường không đúng quy định…
Cụ thể, kết quả của 49/63 tỉnh thành của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, trong số 2.412 phương tiện được kiểm tra, thì có tới 630 phương tiện bị xử phạt với 7 lỗi vi phạm chủ yếu như không có dây an toàn; tháo bỏ và lắp thêm ghế ngồi, gường nằm; thiếu hoặc không có bình cứu hỏa, búa thoát hiểm...
Đi sâu vào thanh tra xe khách gường nằm của các địa phương, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Huyện cho biết, trong số các tỉnh có xe vi phạm thì số xe khách gường nằm của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa là nhiều hơn cả.
Dẫn chứng, kiểm tra xác suất 414 xe khách giường nằm tại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn thanh tra phát hiện tới 94 trường hợp thiếu dây an toàn, 20 trường hợp tháo bỏ ghế ngồi làm nơi chở hàng, 18 trường hợp lắp thêm giường nằm, 47 trường hợp không có bình cứu hỏa, 66 trường hợp thiếu búa thoát hiểm.
Qua kết quả thanh kiểm tra, Thanh tra Bộ có văn bản gửi lên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng kiến nghị Chính phủ cần sớm bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động của xe khách như không có dây an toàn cho hành khách hoặc có nhưng không hoạt động theo quy định; tháo ghế ngồi để cải tạo giường nằm; có trang bị bình cứu hỏa nhưng không hoạt động hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; không có hoặc thiếu búa phả cưa sự cố.
“Các xe khách cần bổ sung các túi cứu thương phòng trường hợp khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, tại bến xe bắt buộc kiểm tra việc chấp hành quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện chở khách trước khi xuất bến,” Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Huyện nói.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm yêu cầu các đơn vị đăng kiểm chỉ tiến hành đăng kiểm phương tiện khi các xe đã khắc phục những thay đổi về kết cấu không đúng quy định. Trong trường hợp có hiện tượng tự ý thay đổi cấu tạo của khung giường như cắt, khoan, hàn hay bắt vít để lắp đặt thêm giường nằm không đúng quy đinh thì đơn vị đăng kiểm phải yêu cầu chủ xe, lái xe thay thế khung giường đã thay đổi cấu tạo, không cho phép khắc phục tạm thời như cắt, mài, hàn lại để tránh tình trạng tái phạm khi ra khỏi trạm Đăng kiểm.
Với các phương tiện hoạt động trên các tuyến đường có sương mù, Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho phép xe được lắp thêm đèn vàng phá sương mù đồng thời nghiên cứu, hướng dẫn việc lắp đặt nhằm đảm bảo thống nhất, không ảnh hưởng đến các phương tiện khác tham gia giao thông./.
Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ tháng 10/2012 đến tháng 2/2014, tổng số có hơn 21.600 xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận cải tạo, trong đó 77% là xe tải cải tạo lắp thêm khung mui thùng xe. Nhiều chủ xe đã lợi dụng việc này để kiên cố hóa phần khung mui với sức chịu lực tương đương thành xe để phục vụ vượt tải trọng cho phép.
Theo Vietnam+