Đề xuất giao CSGT đào tạo cho lái xe bị trừ hết điểm bằng lái: Cần xem lại

(PLO)- Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất giao lực lượng CSGT tổ chức đào tạo lái xe cho người bị trừ hết điểm bằng lái xe.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), Bộ Công an đề xuất giấy phép lái xe (GPLX) có 12 điểm. Nếu bị trừ hết điểm, người được cấp GPLX phải tham gia lớp kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGTĐB.

Lớp học này do lực lượng CSGT tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đề xuất trên không phù hợp.

Dễ phát sinh tiêu cực

Trao đổi với PLO, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông khẳng định quy định trừ điểm bằng lái xe là phù hợp, nhưng cách khôi phục lại điểm bằng lái xe như đề xuất của Bộ Công an là nhiêu khê, tốn thời gian, kinh phí cho người dân và dễ phát sinh tiêu cực.

Theo đó, vị chuyên gia đề xuất khi chủ phương tiện vi phạm luật giao thông bị trừ hết điểm bằng lái xe có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính với một mức tiền nào đó theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp nếu phải “phúc tra”, TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng nên để các trung tâm đào tạo lái xe làm, bởi họ có đủ đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Không nên nghĩ Bộ Công an làm tốt hơn Bộ GTVT.

“Tuy nhiên, việc đào tạo này nếu có cũng chỉ cần một buổi để kiểm tra lại xem lái xe này có đủ năng lực, kỹ năng lái xe không. Trường hợp không đạt ở khâu nào chúng ta cho ôn lại khâu đó. Thời gian kiểm tra nên ngắn nhất có thể, không nên kéo dài gây tốn kém và phát sinh tiêu cực…”- TS Nguyễn Xuân Thủy góp ý.

Bằng lái xe.JPG
Nếu dự luật được thông qua trong kỳ họp này, lực lượng CSGT sẽ đào tạo lái xe cho người bị trừ hết điểm bằng lái. Ảnh: P.HÙNG

Đồng quan điểm, một giáo viên dạy lái xe ở TP.HCM, cho rằng hiện các trung tâm đào tạo lái xe là nơi đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để dạy và sát hạch lái xe. Nếu giao cho lực lượng CSGT thử hỏi bên công an có bao nhiêu trung tâm, hay lại mượn của ngành giao thông để sát hạch. Đây là điều chúng ta cần làm rõ.

Thêm vào đó, việc đào tạo cho lái xe phải được thực hiện tốt ngay từ đầu. Nếu muốn sát hạch lại thì đơn vị phải có chức năng tương đương với Bộ GTVT. “Không lẽ người Việt Nam giáo dục không tốt thì phải qua nước ngoài đào tạo lại? Tôi thấy quy định này rất vô lý”- vị này nói.

Gồng gánh thêm bộ máy, tốn kém ngân sách

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng hiện nay chương trình đào tạo lái xe được Bộ GTVT ban hành và áp dụng ở các cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc. Nội dung đào tạo có đầy đủ các môn như kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; phòng, chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông; nghiệp vụ vận tải; kỹ thuật lái xe; đạo đức và văn hóa giao thông…

Với một hệ thống các cơ sở đào tạo lái xe phủ khắp cả nước và chương trình học đầy đủ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng các trường hợp vi phạm pháp luật bị trừ hết điểm bằng lái xe nên học lại các nội dung đã được Bộ GTVT ban hành. Việc học cũng nên diễn ra tại các trường đào tạo lái xe. Bởi lẽ nếu để lực lượng CSGT tổ chức học lại kiến thức pháp luật về TTATGTĐB sẽ thiếu tính thống nhất về nội dung và thiếu logic trong công tác quản lý, dẫn đến có thể mỗi nơi dạy một kiểu.

Trường hợp Chính phủ thấy một số nội dung đào tạo của Bộ GTVT chưa phù hợp hoặc thiếu có thể xem xét sửa đổi, bổ sung vào chương trình đào tạo lái xe hiện nay. “Theo đó, tài xế bị trừ hết điểm bằng lái xe phải bồi dưỡng kiến thức một hay vài nội dung trong chương trình đào tạo lái xe, như vậy sẽ hợp lý hơn. Quy định như thế không phát sinh thêm nhiệm vụ cho lực lượng công an và thực hiện được mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ năng cho tài xế để họ tham gia giao thông an toàn hơn…” - ông Quyền góp ý.

Tương tự, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hành khách TP.HCM cũng không đồng ý giao cho lực lượng CSGT đào tạo lại lái xe bị trừ hết điểm. “Bởi đơn vị nào chịu trách nhiệm đào tạo thì đơn vị đó sẽ sát hạch và sát hạch lại. Không được giao lẻ tẻ, gồng gánh thêm bộ máy, vừa tốn kém ngân sách vừa không hợp lý…”- ông Tính nêu quan điểm.

Cần xem lại quy định này

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng), cho rằng “cần phải xem xét lại quy định này”, vì tại Thông tư số 12/2017 (ngày 15-4-2017 của Bộ GTVT) đã quy định rất rõ về đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ.

Trong đó giao Tổng cục Đường bộ (thuộc Bộ GTVT) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý việc sát hạch, cấp GPLX và nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ tổ chức, quản lý công tác xác lập GPLX. “Chính vì vậy cần cân nhắc đánh giá tác động và tính đồng bộ của việc phân cấp, phân quyền trong quản lý lĩnh vực giao thông đường bộ” – đại biểu Tú Anh nêu.

Tương tự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), cũng cho rằng việc giao lực lượng CSGT kiểm tra, đào tạo người bị trừ hết điểm bằng lái xe “chưa phù hợp” với các quy định tại chính dự thảo luật.

Cụ thể, tại khoản 7 Điều 61 dự thảo luật quy định Bộ trưởng GTVT quy định hình thức, nội dung, quy trình sát hạch để cấp GPLX. Hay khoản 5 Điều 62 của luật cũng quy định Bộ trưởng GTVT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục về cấp đổi, cấp lại và thu hồi GPLX.

“Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cũng xem xét để đảm bảo tính thống nhất trong việc quy định cơ quan có thẩm quyền cấp đổi, cấp lại GPLX nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quá trình áp dụng” – đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cũng đề nghị nên giao cho Bộ GTVT, trực tiếp là các trung tâm sát hạch cấp bằng lái xe ngay từ đầu để kiểm tra, sát hạch, đào tạo lại đối với người bị trừ hết điểm bằng lái xe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm