Đề xuất CSGT đào tạo cho người bị trừ hết điểm bằng lái

(PLO)- Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định bằng lái xe có 12 điểm, nếu bị trừ hết điểm lái xe phải thực hiện kiểm tra kiến thức pháp luật do lực lượng CSGT tổ chức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự kiến từ ngày 26 đến 28-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tổ chức Hội nghị đại biểu QH chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình thông qua tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XV diễn ra vào tháng 5, trong đó có dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).

Tài xế không phải học lại chương trình của Bộ GTVT

Theo báo cáo gửi đến hội nghị, Chính phủ đề xuất quy định điểm, trừ điểm bằng lái xe vào TTATGTĐB.

Cụ thể, bằng lái sẽ có 12 điểm, nếu tài xế vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm, mức trừ và hành vi bị trừ điểm sẽ được Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm bằng lái xe biết. Tài xế sẽ được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.

Bằng lái.JPG
Bằng lái xe sẽ có 12 điểm, nếu tài xế vi phạm giao thông sẽ bị trừ dần. Ảnh: PHI HÙNG

Đáng chú ý, nếu bằng lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp bằng lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGTĐB do lực lượng CSGT tổ chức theo quy định của bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Điều này có nghĩa là tài xế bị trừ hết điểm bằng lái xe không phải học và tham gia kỳ thi sát hạch cấp bằng lái xe theo chương trình đào tạo của Bộ GTVT hiện nay. Thay vào đó, Bộ Công an xây dựng một chương trình và giao CSGT tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức cho nhóm đối tượng này.

Không nên để CSGT dạy lại

Góp ý cho đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng hiện nay chương trình đào tạo lái xe được Bộ GTVT ban hành và áp dụng ở các cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc. Nội dung đào tạo có đầy đủ các môn như kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; phòng, chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông; nghiệp vụ vận tải; kỹ thuật lái xe; đạo đức và văn hóa giao thông…

Với một hệ thống các cơ sở đào tạo lái xe phủ khắp cả nước và chương trình học đầy đủ, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng các trường hợp vi phạm pháp luật bị trừ hết điểm bằng lái xe nên buộc học lại các nội dung đã được Bộ GTVT ban hành. Việc học cũng nên diễn ra tại các trường đào tạo lái xe. Bởi lẽ nếu để lực lượng CSGT tổ chức học lại kiến thức pháp luật về TTATGTĐB sẽ thiếu tính thống nhất về nội dung và thiếu logic trong công tác quản lý, dẫn đến có thể mỗi nơi dạy một kiểu.

Bộ Công an xây dựng một chương trình và giao CSGT tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức cho nhóm đối tượng này.

Trường hợp Chính phủ thấy một số nội dung đào tạo của Bộ GTVT chưa phù hợp hoặc thiếu có thể xem xét sửa đổi, bổ sung vào chương trình đào tạo lái xe hiện nay. “Theo đó, tài xế bị trừ hết điểm bằng lái xe phải bồi dưỡng kiến thức một hay vài nội dung trong chương trình đào tạo lái xe, như vậy sẽ hợp lý hơn. Quy định như thế không phát sinh thêm nhiệm vụ cho lực lượng công an và thực hiện được mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ năng cho tài xế để họ tham gia giao thông an toàn hơn…” - ông Quyền góp ý.

Đồng quan điểm trên, đại diện một cơ sở đào tạo lái xe ở Bắc Giang cho rằng thời gian qua Bộ Công an khẳng định lực lượng CSGT hiện nay rất mỏng, nếu thêm nhiệm vụ này sẽ là gánh nặng rất lớn đối với lực lượng này, còn nếu tăng thêm biên chế cho công tác trên lại không phù hợp trong bối cảnh tinh giản biên chế. Trong khi đó, các trường đào tạo lái xe đang có đầy đủ cơ sở vật chất, con người và đang làm tốt công tác đào tạo, cấp bằng lái xe, nếu không giao cho họ mà “đẻ” thêm một cơ quan khác thì rất lãng phí.

“Theo tôi, Chính phủ cảm thấy nội dung đào tạo kiến thức do Bộ GTVT chưa phù hợp có thể soạn hẳn một nội dung đào tạo riêng cho những đối tượng trên và giao cho các trường phổ cập lại. Công an làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra sẽ phù hợp hơn…” - vị này cho hay.

Là người từng dạy lái xe nhiều năm, anh Nguyễn Văn Sơn (ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng nên để cho các cơ sở tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGTĐB. Bởi lẽ đội ngũ giáo viên ở các trường đang từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn về nghiệp vụ sư phạm, có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên, có trình độ về tin học, ngoại ngữ, có thâm niên bằng lái xe đảm bảo yêu cầu dạy lái, được tập huấn, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành và thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ.

“Vì vậy, tôi cho rằng nên để các trường đào tạo lái xe tiếp tục nhiệm vụ phổ biến pháp luật như hiện nay, bởi họ có đội ngũ giáo viên có nghiệp vụ sư phạm… CSGT nên tập trung làm tốt công tác xử phạt vi phạm giao thông...” - anh Sơn nói.•

Trừ điểm bằng lái xe là cần thiết

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (cơ quan thẩm tra dự luật) nhất trí với báo cáo của Chính phủ và thấy rằng việc tiếp thu ý kiến của đại biểu QH bổ sung quy định về điểm, trừ điểm bằng lái xe trong dự luật là cần thiết.

Bởi lẽ cơ quan thẩm tra nhận thấy hiện một số quốc gia tiên tiến đã thực hiện quy định này. Đây là quy định văn minh, hiện đại để quản lý quá trình chấp hành luật của tài xế thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ. Thêm vào đó, nếu so sánh việc xử phạt tài xế bằng biện pháp bổ sung là tước bằng lái xe như hiện nay với việc trừ điểm phải kiểm tra lại kiến thức trước khi phục hồi điểm là biện pháp mang tính nhân văn hơn.

Song song đó, việc trừ điểm bằng lái xe vừa quản lý chặt chẽ người được cấp bằng lái xe, vừa tạo điều kiện cho những người này có cơ hội điều khiển xe khi người đó cố gắng chấp hành tốt quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm