Đề xuất hỗ trợ bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng trường công

Họ là đối tượng thuộc diện hợp đồng trường. Do dịch bệnh, trường đóng cửa, họ cũng phải nghỉ việc. Đồng nghĩa với việc họ cũng không được chi trả lương do học sinh tạm nghỉ học, trường không tổ chức bán trú nên không có nguồn thu.

Xoay xở đủ việc để thu nhập

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh cùng làm việc tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 3. Chị làm bảo mẫu, anh làm nhân viên cấp dưỡng. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh nghỉ học nên vợ chồng anh chị cũng nghỉ việc từ ra tết đến nay.

“Học sinh nghỉ học, tôi cũng không được nhận lương vì trường không có nguồn thu. Trong tháng 2, dù các em nghỉ nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn vào trường để vệ sinh phòng học. Thương cho hoàn cảnh của chúng tôi, nhà trường đã xin bên chi hội cha mẹ học sinh hỗ trợ, mỗi người được 2 triệu đồng. Ngoài khoản đó ra, chúng tôi không nhận được bất cứ khoản tiền nào khác” - chị Thanh nói.

Nghỉ việc ở trường, lo cho cuộc sống của gia đình, chồng chị chạy thêm xe công nghệ. Thời gian đầu có khách, đến khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, lượng khách giảm hẳn, anh chuyển sang giao hàng. Còn chị cũng xin phụ rửa chén tại một quán phở gần nhà để có đồng ra đồng vào. Mới làm được một thời gian, quán đóng cửa, chị cũng đành nghỉ. Về nhà chị lại kiếm thêm đồ về cắt chỉ để phụ thêm cho anh.

“Thời gian này, nhà tôi ăn trứng suốt. Trước mỗi tháng còn nhận được hơn 4 triệu đồng tiền lương, nay không nhận được khoản này lại phải chi tiêu nhiều thứ nên tôi cũng cố tiết kiệm” - chị Thanh cho biết.

Nghỉ việc ở nhà, chị Nguyễn Thị Thanh, bảo mẫu tại một trường tiểu học ôn bài cùng con. Ảnh: NVCC

Vận động mạnh thường quân hỗ trợ

Hiệu trưởng nơi cô Thanh làm việc xác nhận tình trạng trên và cho biết trường có đến 32 người thuộc diện hợp đồng trường tạm ngưng công việc không nhận lương từ ngày 3-2-2020.

Trong thời gian họ tạm ngưng công việc và không nhận lương, trường vẫn duy trì chế độ bảo hiểm cho người lao động. Ngoài ra, cuối tháng 2, mạnh thường quân đã hỗ trợ bảo mẫu, cấp dưỡng, phục vụ diện hợp đồng trường 2 triệu đồng/người trong thời gian không nhận lương.

Tuy nhiên, không ngờ dịch kéo dài quá nên ban đại diện phụ huynh của trường chủ động vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho mọi người thêm một đợt nữa. Lần này, tùy tấm lòng của mỗi người nhưng trên tinh thần lớp nào sẽ chăm lo cho bảo mẫu lớp đó. “Trước đó, tôi cũng đã liên hệ với UBND quận 3 để hỏi về việc hỗ trợ đối tượng này. Chiều hôm qua, tôi đã nhận được phản hồi của quận, yêu cầu thống kê danh sách những trường hợp bị ảnh hưởng do dịch, từ đó sẽ xem xét” - vị này nói thêm.

Về vấn đề này, ông Võ Minh Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Gò Vấp, cũng cho biết tại trường có 19 nhân viên thuộc đối tượng không được nhận lương trong thời gian này. Trước tình hình đó, nhà trường đã họp và các cô thống nhất sau khi dịch kiểm soát sẽ đi làm trở lại.

“Chúng tôi cũng sử dụng quỹ phúc lợi để đóng bảo hiểm cho các cô. Đối với những trường hợp khó khăn quá, chúng tôi kêu gọi mạnh thường quân, phụ huynh hỗ trợ. Hiện nay, những trường hợp này cũng đã được giúp đỡ phần nào” - ông Thông nói thêm.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp với những trường hợp trên, nhà trường cũng hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm cho các cô trong thời gian nghỉ tránh dịch.

Tiếp tục đề xuất hỗ trợ

Trưởng phòng GD&ĐT một quận trên địa bàn TP cho biết ngay từ đầu tháng 3, ông đã làm văn bản báo cáo nhu cầu kinh phí chi trả lương cho lao động ngoài trong thời gian nghỉ tránh dịch, có kèm danh sách 700 người bị ảnh hưởng.

Văn bản nêu rõ, do kéo dài thời gian tạm nghỉ học của học sinh nên các trường không có nguồn thu thỏa thuận để chi trả lương cho hợp đồng lao động ngoài. Trong khi đó, phòng tài chính kế hoạch quận cho rằng kinh phí trả lương cho nhân viên hợp đồng ngoài trong thời gian học sinh tạm nghỉ do dịch sử dụng từ nguồn thu của đơn vị nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Về vấn đề này, vị này nói: “Học sinh nghỉ, các trường lấy đâu ra nguồn thu để chi trả. Tôi đã gửi văn bản xin ý kiến về việc chi trả lương cho nhóm đối tượng này nhưng chưa nhận được câu trả lời từ phía UBND quận” - vị này chia sẻ thêm.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết sở cũng đã nắm bắt khó khăn của đối tượng này. Hiện sở đang tổng hợp ý kiến, danh sách từ các đơn vị và sẽ có kiến nghị lên TP.

“Không chỉ đối tượng hợp đồng trường mới gặp khó khăn, ngay cả những trường hợp hợp đồng làm việc theo Nghị định 68 (như bảo vệ, nhân viên vệ sinh) cũng phải chịu ảnh hưởng. Bởi theo quy định, ngân sách sẽ không chi cho đối tượng này mà chi bằng nguồn thu từ các đơn vị sự nghiệp. Học sinh không đến trường, các trường lấy đâu ra nguồn thu” - vị này nói thêm.

Về phía Sở LĐ-TB&XH, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc sở, cho biết những đối tượng lao động hợp đồng ngoài tại các trường công lập như bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng… do Sở GD&ĐT đề xuất hỗ trợ. Để giải quyết những trường hợp này, theo ông Tấn, Sở GD&ĐT có thể đề xuất thêm.

Không để trường hợp nào khó khăn bởi dịch không được quan tâm

Tôi đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, giám sát các chính sách hỗ trợ đến người dân TP. Đồng thời rà soát và đề xuất hỗ trợ đối với các trường hợp đoàn viên, hội viên khó khăn bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh nhưng không thuộc diện hỗ trợ của Chính phủ và UBND TP để không có trường hợp nào bị khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng không được quan tâm, hỗ trợ.

 TÔ THỊ BÍCH CHÂU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, 
chia sẻ tại cuộc họp của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP.HCM hôm 14-4 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm