Ngày 6-5, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo về biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông. Tại hội thảo, GS-TS Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đã đề xuất năm nội dung đánh giá SGK mới.
Theo đó, SGK mới phải phù hợp và cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông. Thứ hai, cung cấp nội dung kiến thức bảo đảm đồng bộ và phù hợp với mục tiêu chương trình. Thứ ba, SGK phải hỗ trợ phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Thứ tư, về cấu trúc môn học, nội dung được thiết kế theo phần, chương, bài. Thứ năm, trình bày SGK phải đảm bảo tính mỹ thuật, kỹ thuật đối với SGK giấy và điện tử.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản nước Anh cũng đã chia sẻ kinh nghiệm biên soạn SGK. Bà Andrea Car, đại diện một nhà xuất bản ở Anh, cho biết Bộ Giáo dục nước này chỉ cung cấp một khung nội dung bắt buộc. Bộ Giáo dục gần như không có vai trò gì trong việc biên soạn SGK. Các nhà xuất bản sau khi nắm được nội dung hướng dẫn của Bộ sẽ tự tổ chức biên soạn SGK và có nhiều bộ SGK khác nhau được biên soạn. Các trường và giáo viên dựa vào tiêu chuẩn và tiêu chí của Bộ Giáo dục đưa ra để lựa chọn sách phù hợp. “Giáo viên các trường là những chuyên gia, sự đánh giá của họ rất quan trọng. Nếu như chất lượng sách không tốt, họ sẽ nêu ý kiến lên ban giám hiệu trường, thậm chí phạm vi rộng lớn hơn. Vì vậy chúng tôi phải chứng minh bằng chất lượng để giáo viên lựa chọn” - bà Andrea Car chia sẻ.
Theo bà Andrea Car, việc sử dụng SGK chỉ như là công cụ hỗ trợ tốt hơn cho công tác giảng dạy chứ không phải là tất cả nguồn cung cấp thông tin. Nếu phụ thuộc nhiều vào SGK sẽ không có sự sáng tạo, mà sáng tạo là chìa khóa của giảng dạy và học. “Không chỉ dừng lại kiến thức học được ở SGK mà thông qua những vấn đề SGK đưa ra có thể giới thiệu những nguồn thông tin, nguồn học liệu để có thể đáp ứng được một cách toàn diện hơn. Đó là mục tiêu hàng đầu mà chúng tôi đặt ra khi biên soạn SGK” - bà Andrea Car nói.
HUY HÀ