Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa thừa ủy quyền Thủ tướng tiếp tục ký tờ trình dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) gửi QH để Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến trước khi lấy ý kiến trực tiếp các đại biểu. Trong đó, đáng chú ý vẫn là việc ban soạn thảo đưa ra các lý do cho việc tách luật.
Luật hiện hành chưa quy định rõ ai chịu trách nhiệm
So với tờ trình hồi đầu tháng 4 và tháng 7-2023, tờ trình lần này Chính phủ vẫn tiếp tục đưa ra sáu lý do tách luật. Tuy nhiên, nội hàm đã được điều chỉnh khá nhiều và theo hướng luật này không chỉ giải quyết vấn đề an toàn giao thông.
Cụ thể ở đây là việc Chính phủ cho rằng luật này ra đời vì tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến GTĐB diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Luật GTĐB 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGTĐB. Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm TTATGTĐB thiếu rõ ràng, chưa rành mạch… Luật GTĐB 2008 cũng điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ và lĩnh vực TTATGTĐB nên không bao quát hết các nội dung điều chỉnh. Từ đó dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngoài ra, luật này ra đời phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyên sâu, điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể để bảo đảm sự phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.
“Như vậy, việc xây dựng, ban hành Luật TTATGTĐB xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGTĐB. Đặc biệt, luật ra đời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật GTĐB hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển luật của nước ta và thông lệ quốc tế…” - Chính phủ cho hay.
Chính phủ cũng cho biết đã nghiêm túc tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ QH tại phiên họp giữa tháng 7 vừa qua. Trong đó, bố cục và chỉnh lý nội dung bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính chặt chẽ, khả thi, phù hợp với thực tiễn.
Chính phủ cũng đã chuyển các quy định về phương tiện giao thông và một số điều quy định trong chương vận tải đường bộ có nội dung liên quan đến TTATGT từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo luật này.
Dự thảo luật cũng quy định giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Đổi giấy phép lái xe và 28 hành vi bị nghiêm cấm
Đi vào cụ thể nội dung của dự luật, Chính phủ đưa ra 28 hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến chính sách TTATGT, trong đó có 16 hành vi mới. Chẳng hạn, cấm điều khiển phương tiện giao thông lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục…
Chính phủ cũng đề xuất không quy định hạng bằng lái xe và niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới. Theo đó Chính phủ sẽ quy định chi tiết hai nội dung này.
Chính phủ lý giải, dự thảo luật không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe (GPLX) như Luật GTĐB hiện hành, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng GPLX để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Đối với xe đưa đón học sinh, Chính phủ đưa ra quy định “siết” hoạt động này với nhiều quy định mới. Chẳng hạn, xe có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị hoặc màu sơn để nhận diện, kính xe bảo đảm quan sát được từ bên ngoài vào bên trong.
Bên cạnh đó, khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu hai người quản lý trên mỗi ô tô. Nhà trường phải tập huấn cho tài xế và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh; chịu trách nhiệm về đón, trả học sinh…
Đối với xe kinh doanh vận tải cũng được quy định thời gian lái xe trong một ngày của tài xế không quá 480 phút. Cụ thể, từ 6 giờ đến 22 giờ, thời gian lái xe liên tục không quá 240 phút; từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 180 phút.•
Quốc hội sẽ có phán quyết đúng đắn
Một chuyên gia giao thông cho biết hai dự luật được tách ra từ Luật GTĐB (Luật Đường bộ và Luật TTATGTĐB) nhìn chung không còn chồng chéo như lần trình QH khóa trước.
Về lý giải của Bộ Công an đối với việc tách luật, vị chuyên gia dự báo việc tách luật sẽ gặp khó trong quá trình thực thi pháp luật và khó giám sát cài cắm chính sách trong luật. Tuy nhiên, ông tin tưởng 500 đại biểu QH được lựa chọn bấm nút “đủ sáng suốt” cho ý kiến để hoàn thiện dự luật và quyết định có thông qua hay không.