Sáng 6-9, Ủy ban Pháp luật đã họp thẩm tra dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo là bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường. Theo đó, nếu người yêu cầu bồi thường đề nghị thì ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường xác định một khoản tiền cho các thiệt hại có thể tính được ngay thì có trách nhiệm đề xuất thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền đó cho người yêu cầu bồi thường.
Cần tạm ứng để “cứu hỏa”
Trên thực tế đã có việc ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) xin tạm ứng 1 tỉ đồng nhưng không được giải quyết do luật hiện hành chưa có quy định về vấn đề này.
Tại phiên họp thẩm tra, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể khá băn khoăn về quy định sửa đổi bởi “biết cỡ nào mà cho ứng cho vừa”. “Thương dân thì tốt thôi nhưng phải kín kẽ, không phải thích thế nào cũng được” - ông Thể nói.
Giải trình thêm sau đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết tạm ứng tiền bồi thường là vấn đề mà Chính phủ vô cùng đau đầu bởi có rất nhiều vụ việc bức xúc. “Người ta muốn tạm ứng vì quá khổ rồi nhưng hiện không có quy định nào để cho tạm ứng. Theo dự thảo, tạm ứng được thiết kế theo hướng cộng, trừ, nhân, chia và chỉ một phần rất cụ thể là bao nhiêu để xoa dịu bức xúc. Đây là lúc để “cứu hỏa” chứ cứ kéo dài thủ tục thì người ta không thể nào chấp nhận được” - ông Ngọc nói.
Cũng theo dự thảo, trình tự, thủ tục, các bước giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường cũng rút gọn hơn, giảm từ 125 ngày xuống còn hơn 50 ngày. Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về việc hoãn, tạm đình chỉ và đình chỉ việc giải quyết bồi thường.
Ông Huỳnh Văn Nén (giữa) từng xin tạm ứng 1 tỉ đồng tiền bồi thường oan nhưng không được giải quyết do chưa có quy định. Ảnh: P.NAM
Thu gọn cơ quan giải quyết bồi thường
Một trong những nội dung tạo nhiều tranh luận tại phiên thẩm định là quy định về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp, trong sáu năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, số lượng yêu cầu bồi thường chỉ có 258 vụ việc và chủ yếu tập trung ở cấp huyện, cấp tỉnh. Trong khi đó, ước tính có tới khoảng 28.000 cơ quan giải quyết bồi thường ở bốn cấp, từ trung ương đến cấp xã. “Nếu giữ mô hình hiện nay thì việc có quá nhiều cơ quan giải quyết bồi thường là không tương thích với số lượng vụ việc yêu cầu bồi thường” - tờ trình của Chính phủ nêu rõ. Cạnh đó, mô hình hiện hành cũng không bảo đảm tính thực tế, quá dàn trải dẫn đến khó bảo đảm tính chuyên nghiệp trong giải quyết bồi thường.
Chính vì vậy, dự thảo luật sửa đổi quy định theo hướng: Trong hoạt động hành chính, thi hành án và hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự thì cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan cấp trên của cơ quan gây thiệt hại (trừ cấp tỉnh và cấp trung ương). Đối với tòa án và VKS, cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Theo Bộ Tư pháp, việc quy định mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo sẽ bảo đảm tính tập trung hơn, chuyên nghiệp hơn mà vẫn gắn được trách nhiệm của cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại lẫn trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên đối với thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Quy định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo còn giúp bảo đảm tâm lý tin tưởng của người dân vào hoạt động giải quyết bồi thường vì cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan cấp trên của cơ quan gây thiệt hại nên sẽ độc lập, khách quan hơn, tránh tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm.
Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác nhau nên dự thảo vẫn đề xuất cả phương án thứ hai là giữ nguyên như mô hình hiện hành.
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể vẫn theo quan điểm là “ai sai thì người đó giải quyết bồi thường”. Ông Thể nói: “Không cần thu gọn đầu mối cơ quan giải quyết bồi thường. Lâu nay có việc đùn đẩy lẫn nhau là do thủ tục không rõ. Cho nên phải quy định rõ thủ tục trong luật, càng rõ càng nhanh chứ không phải càng ít đầu mối càng nhanh”.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đáp lại: “Hiện nay ai cũng biết và giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ trước cũng đã nêu là sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm bồi thường là rất rõ ràng. Dự thảo luật lần này chỉ rất rõ cơ quan nào giải quyết. Nói ai gây thiệt hại thì bồi thường nghe rất dễ nhưng thử hình dung một ông vừa gây hại cho ông kia, bao nhiêu ấm ức trong lòng, giờ lại đến gặp thì cả hai ông tâm lý đều không thoải mái. Hơn nữa, vấn đề quan trọng là tiền. Ông xã, ông huyện lấy đâu ra cả chục tỉ để bồi thường?”.
Một đầu mối giải quyết bồi thường: Khó khả thi Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, trong quá trình soạn thảo luật sửa đổi, cũng có ý kiến đề xuất thống nhất một đầu mối cơ quan giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, đề xuất này khó khả thi bởi theo nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ là không có bộ máy mới, không có biên chế. “Chính phủ đã thảo luận rất kỹ. Nếu chỉ ở trung ương, người dân về đây cũng chết, mà cả một bộ máy từ trung ương đến địa phương cũng là vấn đề rất lớn, không giải quyết được” - ông Ngọc nói. |