Sau sáu năm Luật TNBTCNN 2009 đi vào cuộc sống, đã đến lúc cần sửa đổi luật này để phù hợp thực tiễn bởi các chính sách pháp luật có liên quan mật thiết với luật này đã có nhiều thay đổi.
Theo đại diện Cục Bồi thường Nhà nước, việc sửa Luật TNBTCNN 2009 sẽ giúp hạn chế những bất cập trong quá trình thực thi luật, kịp thời cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và danh dự của công dân, cũng như đảm bảo tính thống nhất với các bộ luật và luật hiện hành. Dự thảo luật sửa đổi dự kiến sẽ được thảo luận trong kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14 và trình Quốc hội thông qua năm 2017.
Đáng chú ý, dự thảo luật sửa đổi đưa ra ba phương án về mô hình cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường với mức độ tập trung hóa, chuyên nghiệp hóa giảm dần: Phương án 1 là một cơ quan (thuộc Bộ Tư pháp). Phương án 2 là hai cấp với 64 cơ quan (thuộc Bộ Tư pháp và 63 Sở Tư pháp). Phương án 3 thực hiện theo nguyên tắc “cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây phát sinh thiệt hại”. Dự thảo báo cáo đánh giá tác động đề xuất của Bộ Tư pháp lựa chọn phương án 3 vì có ưu điểm là số lượng cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường sẽ giảm từ khoảng 20.000 xuống chỉ còn khoảng 1.000.
Sau 22 năm bị oan sai, ông Phan Văn Lá (48 tuổi, ngụ xã Vĩnh Công) mới được xin lỗi và bồi thường 300 triệu đồng. Ảnh minh họa: nld
Bên cạnh đó, Luật TNBTCNN 2009 còn một loạt bất cập khác cần sửa đổi: Trình tự, thủ tục bồi thường còn rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại cũng như cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong việc thực hiện xin lỗi, cải chính công khai. Quy định về thời hạn không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong việc giải quyết bồi thường. Cơ chế xác minh thiệt hại chưa được quy định rõ ràng và chưa hiệu quả. Quy định về việc thụ lý đơn yêu cầu bồi thường chưa sát với thực tiễn, còn gây khó khăn, bất lợi cho người bị thiệt hại...
Do đó, dự thảo luật sửa đổi có những điểm mới về trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường: Rút ngắn quy trình giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường từ 125 ngày theo luật hiện hành xuống còn khoảng 80 ngày. Bổ sung quy định về bồi thường ngay đối với các thiệt hại về tinh thần theo quy định của luật. Bỏ quy định yêu cầu bắt buộc phải nộp tài liệu, giấy tờ có liên quan về thiệt hại khi nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường. Bỏ các quy định về giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Bổ sung quy định về thủ tục giải quyết bồi thường tại tòa án được áp dụng theo thủ tục rút gọn quy định tại BLTTDS...
Phạm vi khôi phục danh dự theo dự thảo luật sửa đổi được mở rộng là không chỉ đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự mà còn cả đối với người bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng sai. Dự thảo luật sửa đổi cũng phân định rõ trách nhiệm của cơ quan bồi thường nhà nước và cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Theo đó, cơ quan bồi thường nhà nước là cơ quan chủ trì tổ chức việc xin lỗi, cải chính công khai, còn cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại vẫn là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc nói lời xin lỗi tại buổi xin lỗi trực tiếp và phải thực hiện việc đăng báo, cải chính công khai.