Bộ GTVT vừa có báo cáo về tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm.
Theo đó, Bộ GTVT cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 các dự án cao tốc trong khu vực ĐBSCL sẽ triển khai đồng loạt, do đó, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn. Cụ thể, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của các dự án cao tốc trong khu vực ĐBSCL khởi công trong giai đoạn 2021-2025 là rất lớn, khoảng 53,7 triệu m3.
Hai dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn từ TP Cần Thơ đến Cà Mau với tổng nhu cầu cát đắp hơn 18 triệu m3 đang gặp khó khăn về nguồn cung. Ảnh: CHÂU ANH |
Cũng theo Bộ GTVT, các dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Mỹ An - Cao Lãnh và Cao Lãnh - An Hữu đã được các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng dự kiến kế hoạch bố trí cơ bản đủ nguồn cát sông để thi công. Riêng hai dự án thành phần đoạn từ TP Cần Thơ đến Cà Mau, với tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18 triệu m3 đang gặp khó khăn về nguồn cung vật liệu.
Một vấn đề nữa là hiện nay chỉ có 24/64 mỏ đang khai thác ở ĐBSCL có chất lượng đáp ứng yêu cầu, với công suất hàng năm khoảng 8,25 triệu m3. Tuy nhiên, với trữ lượng còn lại và nếu chỉ tăng công suất khai thác các mỏ này thêm 50% trong hai năm và dành 100% phần tăng thêm cho dự án thì vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, đối với hai tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng thuộc khu vực hạ lưu sông Tiền và sông Hậu, chất lượng cát kém do lẫn nhiều tạp chất, hàm lượng bùn sét lớn.
“Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp mỗi địa phương bố trí 7 triệu m3; Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3 cát cho dự án. Đến nay, các địa phương đã có chủ trương bố trí khoảng 3/18,5 triệu m3, trong đó An Giang cấp 1,1 triệu m3, Đồng Tháp cấp 1,9 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long đang xác định mỏ để giới thiệu cho dự án” - báo cáo của Bộ GTVT nêu.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác một mỏ với trữ lượng còn lại khoảng 1,144 triệu m3, công suất khai thác là 0,4 triệu m3/năm
Trước tình hình khó khăn về nguồn cát, Bộ GTVT cùng các Bộ ngành liên quan đã triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại ĐBSCL. Kết quả thí nghiệm mẫu cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng cho thấy cát biển tại khu vực lấy mẫu có các chỉ tiêu cơ lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường.
Bộ GTVT cũng đã phê duyệt cương chi tiết việc nghiên cứu thí điểm và lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn để triển khai ngoài hiện trường. Theo đó, thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 với chiều dài hơn 980m thuộc dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau sử dụng nguồn vật liệu cát biển lấy tại mỏ cát biển của tỉnh Trà Vinh.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài gần 111km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng, đi qua địa bàn TP Cần Thơ và bốn tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, khởi công hồi tháng 1-2023. Ảnh: CHÂU ANH |
Mỗi đoạn thử nghiệm nền đường được đắp với độ dốc mái ta-luy khác nhau, cũng như có phương án đắp nền hoàn toàn bằng cát biển hoặc chỉ đắp thay phần đào hạ âm cao độ để có sự so sánh, đánh giá. Dự kiến sẽ hoàn thành công tác thi công trong tháng 5-2023, đồng thời, vừa thi công vừa tiến hành quan trắc đến tháng 11-2023 và dự kiến có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023.
“Như vậy, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án. Vì vậy, trước mắt trong năm 2023 và năm 2024 nguồn vật liệu san lấp cho các dự án chủ yếu vẫn là cát sông” Bộ GTVT xác định.
Từ các khó khăn về nguồn cát, để đủ nguồn vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang triển khai thi công, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Vĩnh Long bố trí 5,0 triệu m3, trước mắt bố trí ngay 2,51 triệu trong năm 2023; hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp mỗi địa phương bố trí 6,55 triệu m3, trong năm 2023 bố trí ngay 3,3 triệu m3/tỉnh.
Cuối năm 2026 ĐBSCL sẽ có 554km đường cao tốc
ĐBSCL được quy hoạch sáu tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng hơn 1.160km. Đến thời điểm này, đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171km.
Trong đó, tuyến cao tốc trục dọc phía Tây đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 29km mới hoàn thành đầu tư tuyến chính, chưa có đường gom, hiện tổ chức giao thông hỗn hợp. Đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún.
Các tuyến này Bộ GTVT đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại trong giai đoạn 2021-2025 để khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc.
Ngoài ra, còn có tám dự án đang được đầu tư bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng.
Như vậy, đến năm 2026, ĐBSCL sẽ có khoảng 554km đường cao tốc, các tuyến còn lại sẽ đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.