Đi bộ sai luật, sẽ bị phạt nghiêm!

Thành phố Hà Nội vừa triển khai kế hoạch xử phạt vi phạm hành chính đối với người đi bộ vi phạm luật lệ giao thông. Tuy những quy định và hình thức xử phạt đã được quy định và có hiệu lực từ lâu nhưng trên thực tế, việc xử lý ở các địa phương đa phần chỉ dừng lại mức nhắc nhở. Vì vậy, ít người biết đi bộ cũng phải đúng luật.

Không hề biết có quy định

Khi nghe đến việc xử phạt đối với người đi bộ, nhiều người dân đang sống tại TP.HCM lộ vẻ ngạc nhiên.

Ông Nguyễn Thanh Lân (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Trước đây, tôi có nghe nói việc xử phạt người đi bộ qua đường bất ngờ mà gây tai nạn cho các phương tiện khác. Tôi lại nghĩ băng qua đường đang lúc đèn xanh mà không ảnh hưởng đến ai thì mắc gì phải phạt? Hiện nay xe cộ đông, lòng lề đường thì bị lấn chiếm, người đi bộ chỉ còn cách phải luồn lách chỗ nào trống thì đi thôi”.

Tại ngã tư Bốn Xã (TP.HCM) vào buổi sáng, lưu lượng người và xe qua lại nút giao thông này rất đông. Dù có đèn tín hiệu nhưng tình trạng người đi bộ vô tư băng qua đường không theo quy định vẫn xảy ra. Đoạn cua này có một chợ tự phát nên đa phần những người đi bộ cứ thích thì qua. Bà Trần Thị Bích (quận Tân Phú) nói: “Sáng nào tôi cũng đi chợ ở đây. Để mua đủ thức ăn nấu cho một ngày thì phải đi nhiều chỗ. Đầu đường Phan Anh thì bán thịt, đường Lê Văn Quới bán rau, để đi nhanh thì phải tắt ngang, mà đi bộ cần gì tín hiệu đèn (?). Ngày nào tôi cũng đi như vậy, có ai phạt đâu?”.

Quốc lộ 1A đoạn ngã tư Ga (quận 12), các xe lớn lưu thông rất đông chạy với tốc độ nhanh. Vì khu vực có bến xe nên nhiều người phía bên đường hướng Gò Vấp khi có nhu cầu đi xe buýt thì leo qua dải phân cách.

Sáng 2-4, một người đàn ông trung niên đi bộ qua quốc lộ 1A (đoạn phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM), trèo qua dải phân cách cao khoảng 2 m thì bị xe tải hướng từ Suối Tiên đi An Sương tông phải, văng xa nhiều mét, mắc kẹt trước đầu xe tải, nguy kịch phải đi cấp cứu.

Người đi bộ băng qua dải phân cách như thế này sẽ bị phạt. Ảnh: HTD

Không chỉ bị phạt, có thể bị tù

Ngoài việc người dân phải tự ý thức việc đi bộ thế nào bảo đảm an toàn cho bản thân và cho người khác, pháp luật cũng có những quy định cụ thể để xử lý những trường hợp vi phạm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Văn Hồng (Văn phòng luật sư Hồng Tâm Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Điều 32 Luật Giao thông đường bộ quy định năm trường hợp buộc người đi bộ phải tuân theo: Thứ nhất, người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Thứ hai, người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường. Thứ ba, không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy. “Như vậy, đối với đoạn đường như ở quốc lộ 1A hay xa lộ Hà Nội, dù đường xa nhưng người đi bộ vẫn phải tuân theo chứ tuyệt đối không vượt qua dải phân cách để đi” - luật sư Hồng nói. Thứ tư, khi mang vác vật, phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Thứ năm, trẻ em dưới bảy tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới bảy tuổi khi đi qua đường.

“Nếu người đi bộ vi phạm các lỗi trên thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 9 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 120.000 đồng tùy theo từng loại vi phạm. Đối với người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác thì bị truy cứu theo điểm h khoản 1 Điều 203 BLHS về tội cản trở giao thông đường bộ” - luật sư Hồng lưu ý.

Bị khởi tố vì đi bộ gây tai nạn

Năm 2003, Công an quận 1, TP.HCM đã từng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với NTMY, ngụ phường 14, quận 4, TP.HCM về hành vi cản trở giao thông đường bộ. Theo hồ sơ vụ án, bị can Y. đi bộ trên cầu Ông Lãnh, quận 1, băng qua đường bất ngờ khiến anh PV V, quê Tiền Giang phải thắng gấp để tránh. Nạn nhân bị ngã xe, bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu. Tòa phạt bị cáo Y. chín tháng cải tạo không giam giữ.

Đi bộ không mang theo giấy tờ cũng bị phạt

Điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định độ tuổi bị xử lý vi phạm hành chính, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Trường hợp người đi bộ vi phạm mà không có giấy tờ tùy thân hoặc tiền nộp phạt thì có thể bị đưa về công an phường để làm rõ lai lịch và lập biên bản theo quy định. Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP nêu: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với trường hợp không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới