‘Đi địa phương nào cũng thấy màu xanh của rừng là không bền vững, chủ yếu keo, bạch đàn’

(PLO)- "Nếu các vị ĐBQH đi bất cứ địa phương nào đều nhận thấy màu xanh của rừng là không bền vững, chủ yếu là keo, bạch đàn... đều là những cây có khả năng giữ đất không cao" - ĐB Nguyễn Lân Hiếu.

Ngày 4-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025.

Đại biểu lo ngại về tình trạng mất rừng

Tại phiên thảo luận, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đã đề cập đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Theo ĐB Tám, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong trồng rừng và bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 42%. Tuy nhiên, tình trạng rừng bị thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra và có nguy cơ gia tăng.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum). Ảnh: QH

Số liệu cho thấy, từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800 ha, trong đó rừng bị cháy khoảng 13.700 ha, còn lại là chặt phá trái phép.

Rừng thiệt hại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như mất đa dạng sinh học, giảm giá trị tự nhiên và văn hoá của rừng, thay đổi khí hậu, xói mòn đất và là một trong những tác nhân của hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường như hạn hán, lụt lội, lũ quét, sạt lở…

“Nạn chặt phá rừng trái phép vẫn là vấn đề nóng cần được giải quyết triệt để. Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý triệt để nạn chặt phá rừng trái phép” - ĐB Tô Văn Tám nhấn mạnh.

Ngoài thiệt hại do chặt phá rừng, ĐB đoàn Kon Tum cũng đề cập đến một nguyên nhân khác là hoạt động chuyển mục đích sử dụng.

Theo ĐB, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội cần phải chuyển một phần diện tích sử dụng rừng và giải pháp là khôi phục lại rừng, trồng rừng thay thế.

Chủ đầu tư có trách nhiệm trồng lại rừng thay thế đúng bằng diện tích rừng đã chuyển đổi hoặc có thể đóng tiền trồng rừng thay thế vào quỹ địa phương để thực hiện trồng rừng.

"Nguyên tắc trồng rừng như vậy là hoàn toàn đúng và bảo đảm diện tích rừng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những bất cập" - ông nói.

Đó là rừng tự nhiên có những giá trị đặc trưng của nó như sinh thái đa tầng, đa dạng sinh học, môi trường rừng, sinh kế, giá trị giữ nước, phòng chống lũ lụt, lũ quét, sạt lở… Và để khôi phục lại khu rừng đã mất hoặc chuyển đổi phải mất hàng thập kỷ, khi chúng ta trồng rừng thay thế thì trồng một năm phải mất bốn năm chăm sóc.

“Như thế giá trị của rừng chưa khôi phục lại được, và trong khoảng thời gian cho cây phát triển thành rừng đúng nghĩa của nó thì thời gian đó là thời gian chưa có rừng và các hệ luỵ của nó vẫn có thể xảy ra” - ông nói.

Bên cạnh đó, có những địa phương không đủ đất, không có đất để trồng rừng thay thế. Quỹ bảo vệ phát triển rừng Việt Nam sẽ chuyển rừng cho các địa phương khác để trồng, nhưng không phải địa phương nào cũng có thể trồng, bởi địa phương đó đã trồng rừng thay thế theo dự án của địa phương đó.

Tỉ lệ che phủ rừng cao nhưng chất lượng rừng thế nào?

Đáng chú ý, ĐB Tám cho hay độ che phủ rừng của ta khá cao, 42%, nhưng vấn đề là chất lượng rừng. Có nhiều địa phương miền núi có độ che phủ rừng tự nhiên đạt tỉ lệ thấp. Việc trồng rừng thay thế mới đạt một nửa so với yêu cầu.

Từ những vấn đề trên, ĐB đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên giám sát việc trồng rừng và trồng rừng thay thế. Với Chính phủ, trong độ che phủ rừng hiện nay có rừng tự nhiên, rừng trồng, diện tích cây lâu năm… nên cần thực hiện đánh giá hiệu quả tác dụng của độ che phủ rừng với đa dạng sinh học, phòng chống lũ quét, sạt lở, tác dụng giữ nước…

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: AH

Kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế xã hội có chuyển đổi rừng theo hướng chỉ những dự án cần thiết, dự án quan trọng phục vụ cộng đồng, các dự án quốc phòng an ninh… và phải trồng rừng thay thế có chất lượng hiệu quả trước khi cấp phép về rừng….

Phát biểu tranh luận sau đó, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, nếu các vị ĐBQH đi bất cứ địa phương nào đều nhận thấy màu xanh của rừng là không bền vững, chủ yếu là keo, bạch đàn. Khá hơn một chút là cao su đều là những cây có khả năng giữ đất không cao. Với chu kỳ khai thác ngắn có khi chỉ 3-5 năm khiến đồi, núi lại trọc.

Từ đó, ĐB cho rằng chúng ta cần thay đổi cách làm, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để triển khai một kế hoạch trồng rừng theo từng địa phương, từng địa hình, địa lý khác nhau. Nên tăng cường trồng các cây bản địa, những cây lâu năm, nếu vẫn cần phát triển kinh tế xã hội có thể quy hoạch những vùng trồng cây sản xuất còn phía trên đỉnh núi là những cây lâu năm, bản địa....

Việc thứ ba là khai thác tài nguyên, đặc biệt là những đại dự án ở vùng lõi, vùng sinh quyển rất cần rà soát cẩn thận, đánh giá tác động môi trường một cách khách quan, công tâm, đặc biệt khi các nhà khoa học môi trường đã lên tiếng, cảnh báo thì phải thận trọng.

Việc khai thác gỗ tự nhiên cần chấm dứt. Tăng cường tuyên truyền thay đổi sở thích sập gụ, tủ chè, bình hứng lộc làm bằng gỗ nguyên khối của người Việt Nam.

Cần nghiêm trị các hành vi phá hoại môi trường cho dù là nhỏ nhất như trồng cây mà vẫn để nguyên bọc, hay cây còn khả năng cứu được lại chặt đi để lấy ngân sách trồng mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới