Hai bộ luật Hình sự (BLHS), Tố tụng hình sự qua nhiều lần sửa đổi vẫn giữ nguyên tắc: Người nào thực hiện các hành vi được quy định là tội phạm trong BLHS và bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án thì mới bị coi là có tội và họ chỉ bị trừng phạt bằng các chế tài được quy định trong BLHS. Thế nhưng trong thực tế, ngoài hình phạt án tù do tòa tuyên, người phạm tội còn chịu nhiều bất công khác, kể cả mất quyền hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Ông PVĐ ở Tây Hồ, Hà Nội là một trường hợp như vậy. Sau nhiều năm công tác ở một bộ trên trung ương, năm 2012, ông Đ. nghỉ hưu, hưởng chế độ lương hưu hằng tháng. Giữa năm 2013, ông Đ. bị bắt trong một vụ án hình sự, bị tòa tuyên phạt 15 tháng tù. Tới tháng 9-2014, ông đã chấp hành xong hình phạt tù này.
Đi tù, mất luôn lương hưu
Điều mà ông Đ. bức xúc là ngoài hình phạt do tòa tuyên, trong suốt thời gian thụ án, ông còn phải chịu thêm một “chế tài” khác là mất hoàn toàn lương hưu, tính theo thời điểm 2014 là ngót 6 triệu đồng/tháng.
“37 năm công tác, tôi đã đóng góp đầy đủ cho quỹ BHXH. Vậy tại sao lại tước lương hưu của tôi? Việc đó không chỉ gây thiệt hại cho tôi mà còn ảnh hưởng tới vợ con và cả mẹ già không có người cấp dưỡng của tôi. Điều này là bất công!” - ông Đ. nói.
Ông Đ. tìm hiểu và thấy “chế tài” này không chỉ nhằm tới mình mà còn với nhiều người khác có cùng hoàn cảnh.
Tất cả đều ấm ức, song hiếm có người như ông Đ. thực hiện quyền khiếu nại. Tuy nhiên, kết quả khiếu nại không ngoài dự đoán: BHXH Hà Nội trả lời là đã làm đúng luật.
Từ ngày 1-1-2016, những người đang chấp hành án phạt tù vẫn được lãnh lương hưu. Ảnh minh họa: Các bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng trong vụ án Agribank Chi nhánh 6 đang hầu tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN
Một điều luật phi lý
Cơ quan BHXH dẫn ra Luật BHXH 2006 (vẫn hiệu lực đến ngày 31-12). Theo đó, Điều 62 luật này quy định: “Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1 - Chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo; 2 - Xuất cảnh trái phép và 3 - Bị tòa án tuyên bố là mất tích”.
Ông Đ. không thỏa mãn với trả lời này. Ông cho rằng Điều 62 Luật BHXH 2006 là không hợp tình, hợp lý và lỗi thời, bởi Luật BHXH mới được Quốc hội ban hành năm 2014 đã bỏ quy định này. Ông bắt bẻ: “Cho dù Luật BHXH năm 2006 vẫn còn hiệu lực thì Điều 62 chỉ nói là “tạm dừng”. Vậy nghị định, thông tư hướng dẫn theo hướng tước bỏ quyền an sinh trong thời gian thi hành án tù là trái với luật...”.
Sửa luật theo hướng bảo vệ quyền công dân
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ BHXH thuộc Bộ LĐ-TB&XH, thừa nhận những trường hợp như ông Đ. bộc lộ sự bất cập, không hợp lý của pháp luật. Nhưng dù sao họ vẫn còn đỡ thiệt thòi hơn những người bị phạt tù trước năm 1995. Bởi thời ấy, người vi phạm còn mất hẳn quyền lợi bảo hiểm chứ không chỉ là trong thời gian thụ án.
“Trước 1995, quỹ BHXH chưa tách khỏi ngân sách. Nhà nước vẫn trích ngân sách để thực hiện các chế độ lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Vì coi là chế độ nhà nước nên những người vi phạm pháp luật hình sự cũng bị tước luôn chế độ BHXH” - ông Cường lý giải.
Còn từ đó đến nay BHXH tách ra hoạt động độc lập theo nguyên tắc người lao động có đóng, có hưởng. Quan điểm ứng xử với người bị phạt tù tuy vẫn theo quán tính cũ nhưng đã có điều chỉnh, theo hướng thụ án xong họ tiếp tục được hưởng lương hưu, trợ cấp như bình thường.
Tuy nhiên, chút hà khắc ở Luật BHXH năm 2006 đã bị Quốc hội bác bỏ hoàn toàn vào năm 2014 khi ban hành Luật BHXH mới. “Tinh thần là bị phạt tù vẫn được hưởng lương hưu. Nếu bị tòa tuyên là mất tích thì khi trở về được truy lĩnh thời gian tạm dừng chế độ. Chỉ còn trường hợp xuất cảnh trái phép là bị mất quyền trong thời gian xuất cảnh đó. Khi trở về định cư hợp pháp lại được tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng như bình thường” - ông Cường cho biết.
Có thể thấy việc sửa Luật BHXH theo hướng bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần chủ đạo của Hiến pháp 2013.
Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Khoản 1 Điều 32 Hiến pháp 2013 Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Điều 34 Hiến pháp 2013 |