KỂ CHUYỆN BÁO CHÍ ĐIỀU TRA Ở TRUNG QUỐC - BÀI 1

Dịch AIDS “mang màu sắc Trung Quốc”

Báo chí điều tra ở Trung Quốc là cuốn sách của David Bandurski và Martin Hala (do Hong Kong University Press xuất bản) kể về cuộc chiến dai dẳng, bền bỉ của các nhà báo Trung Quốc chống tiêu cực.Pháp Luật TP.HCM trích dịch và giới thiệu đến bạn đọc một số câu chuyện điển hình nhất trong cuốn sách này.

Trong chuyến tàu định mệnh từ Tín Dương đến Trịnh Châu, phóng viên trẻ Zhang Jicheng gặp hai người lạ mặt đang cùng vợ đi Bắc Kinh chữa bệnh, một căn bệnh bí hiểm mà hàng chục dân làng họ và các làng lân cận đang mắc phải, có mấy người đã chết. Đó là thời điểm mở đầu cho cuộc chiến dai dẳng giữa báo chí và những thế lực đen tối trong việc lôi ra ánh sáng vụ tai tiếng HIV/AIDS động trời ở Trung Quốc.

Xắn tay áo truy tìm “bệnh lạ”

Zhang Jicheng là phóng viên nhật báo Khoa Học Công Nghệ Hà Nam (Trung Quốc).

Hôm ấy là một ngày tháng 10-1999. Anh đặc biệt chú ý khi nghe hai hành khách trên tàu kể về căn bệnh lạ của họ và của nhiều dân làng khác. “Mà không chỉ có làng chúng tôi đâu. Bao nhiêu làng và thị trấn khác ở địa phương cũng có bệnh tương tự. Bác sĩ bảo điều trị bằng thuốc ngoại cũng không có tác dụng nhưng bác sĩ không nói đấy là bệnh gì”.

Những người dân nghèo bị bệnh đã gom góp tiền của để hỗ trợ hai cặp vợ chồng lên Bắc Kinh tìm thầy tìm thuốc. Cả bốn đều là dân làng Wenlou, tỉnh Hà Nam.

Dịch AIDS “mang màu sắc Trung Quốc” ảnh 1

Truyền máu tại Hà Nam, sau khi sự thật về vụ tai tiếng HIV/AIDS bị phanh phui. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Zhang Jicheng nhờ người bạn là bác sĩ tiêm cho mình một liều kháng sinh ngừa virus rồi đến làng Wenlou. Tại đây, anh tìm gặp một số dân làng, trò chuyện cùng họ và phát hiện một sự thực kinh hoàng: Tất cả đều nhiễm HIV qua việc truyền máu tại các trung tâm hiến máu nhân đạo ở địa phương. Có những gia đình tứ đại đồng đường với khoảng 50-60 thành viên, gần như tất cả đều nhiễm HIV dương tính.

Zhang Jicheng trở về Trịnh Châu và bắt tay vào viết bài. Anh ý thức được rằng chuyện này sẽ động chạm tới giới chức địa phương và là cực kỳ nguy hiểm đối với anh. Bởi vì đây không đơn thuần là một rủi ro trong việc truyền và tiếp nhận máu. Mà là vấn đề nghiêm trọng, liên quan tới một chính sách lớn của Trung Quốc cùng hàng loạt quan chức.

Truyền máu - con đường phổ cập HIV/AIDS

Cho tới năm 1999, thống kê của nhà nước về số ca nhiễm HIV ở Trung Quốc chỉ là 15.088 trường hợp, trong đó đa số do sử dụng ma túy. Thế nhưng tại tỉnh Hà Nam, quan chức địa phương đã mở đường cho sự xuất hiện của cái mà báo chí phương Tây gọi là “dịch AIDS mang màu sắc Trung Quốc”. Ấy là vào năm 1992, một vị quan chức y tế hàng đầu của Hà Nam là Liu Quanxi đã đưa ra một “sáng kiến” mang tính chính sách: Xây dựng mạng lưới các trung tâm hiến máu, tạo cơ hội làm kinh tế cho nông dân nghèo. Nông dân có thể đến các trung tâm này để bán máu, huyết phẩm sẽ được xuất sang các tỉnh khác và sang cả thị trường Hàn Quốc.

Chính sách này có vẻ rất khả thi, khi mà hơn 80% trong số 70 triệu cư dân tỉnh Hà Nam là người nghèo. Chỉ cần 1/3 số này bán máu mỗi năm 1-2 lần thì lượng cung máu đã có thể mang lại doanh thu khoảng 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,7 triệu USD).

Thị trường mua bán máu bùng nổ ở Hà Nam. Hơn 200 trung tâm hiến máu được nhà nước mở ra, có nơi mỗi ngày có tới hơn 5.500 người đăng ký bán máu lấy tiền, mỗi lần bán được cấp 50 tệ. Tuy nhiên, một thời gian sau, nảy sinh câu hỏi là sau quá trình chiết tách để lấy ra các protein cần thiết, sẽ phải xử lý ra sao số protein còn lại? Từ đó lại ra đời thêm một sáng kiến chết người: Tập hợp các huyết bào của những người hiến có cùng nhóm máu và truyền trở lại vào người hiến, như thế thì không trả 50 tệ nữa mà chỉ phải trả có 45 tệ. Sáng kiến này chẳng mấy chốc được áp dụng đại trà tại tất cả trung tâm mua bán máu ở Hà Nam.

Ngay lập tức, nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường truyền máu xuất hiện.

Một bác sĩ địa phương sau này kể lại với báo chí rằng một lần vào năm 1995, ông phát hiện ra trong 10 mẫu máu mà ông xét nghiệm có ba mẫu nhiễm HIV dương tính. Cùng năm đó, một nữ bác sĩ ở Hà Nam tên là Wang Shuping mang mẫu máu đi xét nghiệm, kết quả có tới 13/15 mẫu nhiễm HIV dương tính! Wang Shuping báo cáo sự việc lên Bộ Y tế, người của Bộ lại gọi về Hà Nam hỏi thông tin. Ngay khi Wang Shuping trở về Hà Nam, cô bị quan chức địa phương đe dọa cấm làm ồn ào chuyện này. Tiếp sau đó, họ tung tin chính Wang bị nhiễm HIV, viêm gan, rồi rút giấy phép hoạt động, đóng cửa cơ sở khám, chữa bệnh của cô. Thế là câu chuyện lây nhiễm HIV qua đường truyền máu gần như khép lại, cho đến khi nhà báo Zhang Jicheng gặp những người đi chữa bệnh trên tàu...

Báo chí vào cuộc

Ban biên tập của Zhang Jicheng đề nghị anh chọn cách làm an toàn là chỉ sử dụng bài báo làm tài liệu tham khảo nội bộ trong tòa soạn. Zhang không đồng ý. Anh gửi bài sang tờ Hoa Tây Đô Thị, một tờ báo ở Tứ Xuyên có lượng độc giả cao hơn tờ Khoa Học Công Nghệ Hà Nam (cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Công nghệ tỉnh Hà Nam) mà anh đang làm phóng viên.

Ngày 18-1-2000, sát tết âm lịch, Hoa Tây Đô Thị đăng bài của Zhang Jicheng: ““Bệnh lạ” ở làng mạc Hà Nam gây sốc cho lãnh đạo”. Đó là bài báo đầu tiên của giới truyền thông cả Trung Quốc lẫn nước ngoài về AIDS ở Hà Nam.

Cơ quan chức năng Hà Nam lập tức ra lệnh sa thải Zhang Jicheng. Tòa soạn bảo vệ phóng viên bằng cách một mặt báo lên trên là đã cho Zhang thôi việc, mặt khác lặng lẽ chuyển anh sang vị trí mới, với công tác này anh vẫn có thể bí mật ra vào các ngôi làng AIDS ở Hà Nam và viết bài tiếp. Trong khi đó, hầu hết báo chí Trung Quốc không theo đuổi vụ này. Những cơ quan truyền thông lớn như Nhân Dân nhật báo và Tân Hoa xã hoàn toàn im lặng.

Bài tiếp theo về máu nhiễm HIV được đăng tải trên ??i H? nh?t b?oĐại Hà nhật báo số ra ngày 11-5-2000. Điều đáng chú ý là trước đó hai năm, ngay từ cuối năm 1998, Đại Hà Nhật báo đã có trong tay thông tin và tư liệu nhưng chưa kịp khởi đăng thì quan chức Hà Nam đã cử người đến đàm phán để gỡ bài. Sau đó, một số phóng viên mảng y tế bị buộc thôi việc do “không chấp hành chủ trương khi đưa tin về bệnh AIDS”.

Hai năm sau sự kiện đó, Đại Hà Nhật báo trở lại với một chuyên đề 25.000 từ, dài 10 trang, “Dịch AIDS ở Hà Nam”, đăng đồng loạt trong ngày 11-5-2000, vì ban biên tập sợ nếu đăng dài kỳ sẽ bị chặn giữa chừng. Ngay hôm sau, Hà Nam chính thức ra lệnh cấm báo chí viết về AIDS. Không đầy một năm sau, tổng biên tập báo Đại Hà Nhật báo bị cách chức.

Bất chấp lệnh cấm và các biện pháp xử lý cứng rắn của chính quyền Hà Nam, một số nhà báo và tòa báo Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc chiến. Trong khi toàn bộ báo Hà Nam im tiếng thì tới ngày 18-8-2000, tạp chí Tuần Báo Trung Hoa lại tiếp tục với câu chuyện “AIDS ở Hà Nam”.

Nhưng quả bom tấn thực sự chỉ bùng nổ sau khi báo Mỹ New York Times vào cuộc ngày 28-10 với bài báo 1.600 từ của Elizabeth Rosenthal: “Nông thôn Trung Quốc với cái giá quá đắt của nghèo đói: Chết vì AIDS”. Bài báo trích dẫn lại của báo chí trong nước nhưng đã thực sự gióng lên hồi chuông kinh hoàng. Truyền thông quốc tế và Trung Quốc gần như đổ xô về Hà Nam. Tất cả đều bị ngăn chặn. Làng Wenlou bị công an địa phương phong tỏa. Tỉnh Hà Nam coi Zhang Jicheng như “kẻ thù số một”. Anh bị buộc thôi việc lần thứ hai. Kết quả là lại một bài báo nữa của anh về dịch AIDS Hà Nam đăng trên một tờ báo ở Sơn Đông ngày 19-9-2001.

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm