Điểm mặt khả năng rớt hạng ở V-League

Khác với các mùa giải V-League trước thường sớm nhận diện đội phải rớt hạng do điều kiện kinh tế khó khăn và thiếu niềm tin, động lực khiến cho cuộc chơi gần ngã ngũ, mùa này một suất rớt hạng dự báo khắc nghiệt hơn. Nguyên do các đội bóng đều muốn trụ lại V-League mùa sau để giữ lại niềm tự hào cho địa phương và bằng mọi giá phải tồn tại.

Sau giai đoạn 1 V-League 2020, có sáu đội xếp từ hạng chín đến hạng 14 vẫn giữ nguyên điểm số cũ và phải đá vòng tròn một lượt để chọn đội xếp cuối cùng rơi xuống hạng Nhất mùa bóng 2021. Thứ tự hiện tại của các đội lần lượt là SHB Đà Nẵng (16 điểm), Thanh Hóa (15 điểm), SL Nghệ An (15 điểm), Nam Định (13 điểm), Hải Phòng (13 điểm), Quảng Nam (9 điểm).

Lý thuyết Quảng Nam chính là CLB yếu bóng vía và kém nội lực nhất trong nhóm chạy trốn rớt hạng. Nội bộ bất ổn khiến họ phải thay HLV giữa mùa nhưng phó tướng Đào Quang Hùng vẫn chưa có những điều kiện tốt nhất để thay đổi phần số của nhà vô địch V-League mùa 2017.

Thanh Hóa, đội bóng nhiều bất ổn nhất trong cách làm bóng đá và liên tục thay tướng nếu không kịp củng cố sẽ có nguy cơ xuống hạng. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Tuy nhiên, Quảng Nam thực tế không phải gặp nhiều nguy cơ rớt hạng nhất, bởi sự trợ giúp vô hình và hữu hình từ một số thế lực để giữ vững truyền thống, duy trì món ăn tinh thần lẫn một tình yêu bóng đá mãnh liệt.

Nếu dửng dưng với một kết cục xấu, CLB Quảng Nam đã không sốt sắng tái ký hợp đồng với hơn 10 cầu thủ nội như một bảo chứng cho tương lai của họ và sớm tăng cường ngoại binh để vào cuộc đua trụ hạng. Họ gặp bất lợi nhất ở điểm số nhưng lại có ưu thế nhất từ những mối quan hệ gần gũi, cả về khoảng cách địa lý cùng sự bảo bọc của một ông chủ.

Quảng Nam sẽ càng dễ thở hơn khi CLB láng giềng SHB Đà Nẵng vừa có uy vừa có lực sớm hoàn thành mục tiêu trụ hạng trước thời gian quy định. Bởi thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức có chơi tất tay để thắng cả năm trận còn lại, điểm số cộng dồn của giữa hai giai đoạn, ví dụ có hơn Hà Tĩnh ở nhóm trên, vẫn là vô nghĩa khi giải đấu đã tách tốp.

Tương tự, Thanh Hóa hay SL Nghệ An có nội lực mạnh mẽ hơn nhóm còn lại, khiến đường đua gần như chỉ là cuộc tranh chấp của Nam Định, Hải Phòng và đội yếu nhất lại có nhiều lợi thế nhất Quảng Nam. Mỗi cuộc gặp gỡ giữa ba đội cuối bảng này đều là một trận cầu 6 điểm nhưng nếu có một sự lơi lỏng có chủ ý của ba đội nhóm trên, ngân hàng điểm cho họ càng dày thêm.

Thanh Hóa gặp nhiều nguy cơ

Trong các cuộc đối đầu trực tiếp giữa nhóm đua trụ hạng, Hải Phòng có nhiều ưu thế tâm lý nhất khi giành 10 điểm sau năm trận đấu. Tiếp theo là SHB Đà Nẵng, Nam Định (cùng có 9 điểm), Quảng Nam (7 điểm). Hai đội SL Nghệ An và Thanh Hóa chỉ thu hoạch 4 điểm với năm lần gặp gỡ trong nhóm này. Những con số tham khảo cho thấy sự phân biệt hơn thua giữa họ và quan trọng hơn là tính ổn định của sáu đội bóng. Trong đó, Thanh Hóa đang đối diện với nhiều nguy cơ nhất về cách thức tổ chức và quản lý CLB thiên về sự cứng nhắc hành chính hơn là củng cố về chuyên môn. Ở đấy, ông chủ tịch CLB có thể can thiệp vào cách sắp xếp đội hình hoặc gây sức ép khiến HLV phải mất ghế như trường hợp HLV Nguyễn Thành Công vừa qua. Nếu không kịp chấn chỉnh nội bộ, Thanh Hóa dễ bị phân hóa nội bộ và rơi vào vòng xoáy nguy cơ xuống hạng nhất. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới