Khắc phục sự cố bình điện yếu bằng thiết bị sạc
Để hạn chế phiền toái do bình điện xe mình bỗng nhiên không đề được gây ra thì bạn nên sắm theo xe một cặp dây cáp câu bình điện; dài chừng sải tay người lớn, to ít nhất là bằng sợi cáp ở bình điện trong xe của bạn, có hai màu đỏ, đen tương phản để dễ phân biệt sợi âm (-) và sợi dương (+). Mỗi đầu dây này có một kẹp ngàm cá sấu đủ mạnh để kẹp chắc vào các cọc bình điện. Cẩn thận hơn nữa thì sắm thêm một thiết bị sạc bình có trị số dòng sạc từ 20 đến 30 Ampe. (Điều này sẽ rất tốt cho xe số tự động). Khi gặp sự cố bình xe mình hết điện, nếu ở đồng không mông quạnh, không có xe cộ qua lại thì không còn cách nào tốt hơn là tháo bình ra, đem luôn bộ sạc đến nơi có điện lưới gần nhất để sạc. Lúc này thì bạn ngồi đọc sách báo, hoặc thưởng ngoạn cảnh quan đồng quê chừng hai giờ sau, bình mới có thể đề được.
Câu nhờ điện xe khác
Hậu quả của việc câu điện không đúng cách
Nếu ở nơi có xe cộ đi lại thì bạn xin câu nhờ điện từ xe khác để đề xe mình nổ máy. Cách đầu nối tuy đơn giản, nhưng cần cẩn thận thực hiện các bước sau:
· Đậu xe sao cho bình điện hai xe gần nhau nhất.
· Dỡ nắp ca bô hai xe lên và bật thanh chống đỡ cẩn thận. Bật nắp nhựa đậy các cọc bình của hai xe ra.
· Tắt tất cả thiết bị dùng điện của cả hai xe.
· Cho xe có bình điện khỏe nổ máy.
· Hai tay bạn cầm gọn hai chiếc kẹp của hai đầu sợi dây cáp điện màu đỏ, rồi kẹp chặt một đầu vào cọc dương (+)của bình điện xe đang nổ máy. Xong, kẹp chặt đầu dây còn lại ở cọc dương (+) bình điện xe đang tắt máy.
· Sợi dây màu đen còn lại bạn kẹp một đầu vào cọc âm còn lại của bình điện xe đang nổ máy, đầu dây còn lại bạn kẹp chặt vào bất kỳ nơi nào dẫn điện được như đầu ốc giảm xốc, ốc chân máy… trên thân chiếc xe cần hổ trợ (không kẹp vào cọc âm bình điện xe chết máy. Sở dĩ làm vậy là vì tránh sự xung điện đột ngột có thể gây hỏng hệ thống điện của hai xe.
· Sau các thao tác trên, bạn tăng ga vừa phải cho chiếc xe đang nổ máy. Đồng thời ở bên chiếc xe cần hỗ trợ, bạn bật chìa khóa và khởi động cho máy nổ.
· Sau khi xe này đã nổ máy, bạn cần tăng ga lớn cả hai xe chừng năm phút. Rồi lần lượt gỡ dây câu bình ra. Cách tháo là làm ngược lại với quy trình ban đầu. Tháo dây âm trước, dây dương sau, hai tay cầm gọn hai dầu dây để tránh chúng chạm vào nhau, hoặc chạm vào thân xe.
Chú ý quan trọng: Bình điện của xe hỗ trợ phải có Ampe(Ah) bằng hoặc lớn hơn xe được hỗ trợ mới được áp dụng phương pháp cứu hộ nàỳ, nếu không xe hỗ trợ sẽ bị hỏng nặng về điện.
Nhờ người đẩy xe
Đây là phương pháp đơn giản nhưng chỉ áp dụng được cho loại xe số sàn. Trước tiên bạn tắt tất cả thiết bị dùng điện trên xe mình, tra chìa khóa hờ vào ổ khóa điện. Và tùy thuộc vào số người giúp bạn đẩy xe mà vô số nào cho phù hợp. Người ít, sức đẩy yếu thì vào số 3. Đông người thì vào số hai. Bạn ngồi vào ghế lái, nhả phanh tay, vào số và đạp giữ chân côn. Dô hầy mọi người hợp lực đẩy mạnh xe mình chạy cho thật có trớn rồi mở chìa khóa đề phụ, đồng thời nhã nhanh côn ga, đạp nhẹ ga cho xe nổ máy. Có thể bạn phải đẩy nhiều lần như vậy xe mới nổ máy được.
Chúc các bạn thành công trong việc hạn chế phiền toái khi gặp phải sự cố trên.
Coi chừng bị điện ô tô giựt đấy!
Đây là câu chuyện vui có thật. Nơi tôi làm việc có khoảng năm chiếc ô tô du lịch đủ loại của những công ty có văn phòng trong cao ốc. Sáng ấy, vừa xuống tầng hầm là tôi đã thấy anh em tài xế mướt mát mồ hôi xúm nhau đẩy một chiếc du lịch … lên dốc tầng hầm, vì xe này yếu bình không đề được cần phải đưa lên mặt đường để đẩy cho nổ máy. Tôi hỏi: “Xe nhiều như thế này mà không ai cho câu điện đề nhờ à?”. Mọi người nhìn nhau, té ra không xe nào có dây cáp câu bình! Và khi tôi đưa xe mình đến, lấy dây câu bình ra, thao tác hỗ trợ cho xe ấy nổ máy thì có vài tài xế cảnh báo: “Coi chừng bị điện giật đấy!”. “Ủa, sao vậy?”. Tôi hỏi và được một tài xế trả lời rành rọt: “Tôi thấy đồng hồ điện kế nhà tôi ghi chỉ số sử dụng lớn nhất là 20 Ampe, dây diện trong nhà tôi nhỏ hơn nhiều vậy mà có lần tôi sơ ý đụng vào là bị giựt tóe khói! Huống chi bình điện này có dung lượng điện đến 70 Ampe, dây câu thì to gấp mười lần, chắc chắn đụng vào là bị giật chết người liền!”. Thì ra vì sợ bị điện giựt mà họ không sắm dây câu bình!
Tôi vừa làm vừa giải thích cho họ biết rằng: “Người mình sở dĩ bị điện giựt là do bị chênh lệch lớn giữa hiệu điện thế (Volte) nguồn điện mình tiếp xúc và nguồn điện bản thân mình, chứ không phải do cường độ dòng điện (Ampe) lớn mà bị điện giựt. Điện nhà có hiệu điện thế 220V, bình điện ô tô chỉ có 12V, mà con người chỉ bị điện giựt chỉ khi nào dòng điện có hiệu điện thế trên 48V”. Một người khác phản biện ngay: “Ông nói như vậy là trật rồi, chính tôi bị điện bu gi xe máy giựt tê rần người đây này”. Tôi lại phải giải thích: “Đúng, anh bị giật là vì dòng điện 12V trong xe máy trước khi đến bugi đã đi qua một mobin (tụ điện) để biến thành 12.000V và phát ngắt quãng liên tục cho bugi nẹt lửa. Đối với ô tô thời nay, mobin được thiết kế gọn và được dấu kín, nếu không phải là thợ thì anh có đốt đuốc ba ngày cũng không thể nào tìm ra. Cho nên, cứ mạnh dạn mà làm việc với bình điện 12 volt trên xe mình.
Thành phố, HCM ngày 15/8/2014 (Trần Kiêm Hạ)