Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố số liệu kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2019. Những điểm nhấn đáng chú ý là tác động của tăng giá điện, giá xăng và dịch vụ GTVT dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng. Tuy vậy, điểm sáng là thu ngân sách vẫn duy trì tiến độ khả quan.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho hay: “Việc tăng giá xăng dầu, giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng”. Nhưng cơ quan này cũng cho rằng: dịch tả lợn châu Phi tác động đến tâm lý người tiêu dùng, cùng với việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiềm chế lạm phát.
Kết quả là, CPI tháng 4-2019 tăng 0,31% so với tháng 3-2019. Còn CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018. “Đây là mức tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Trong tháng 4-2019, vẫn theo Tổng cục Thống kê, so với tháng 3, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Đứng đầu là nhóm giao thông chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2-4 và 17-4. Chỉ riêng với hai đợt tăng giá xăng, dầu này đã làm CPI chung tăng 0,41%. Có hai nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,57%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Tuy nhận định giá điện có làm tăng CPI, nhưng Tổng cục Thống kê không nói rõ là tăng bao nhiêu %. Tính bình quân 4 tháng đầu năm 2019, thì CPI tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Tổng cục Thống kê cũng cho hay: lạm phát cơ bản tháng 4-2019 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, trung tuần tháng 4-2019, Bộ Tài chính gửi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Điều hành giá trong cuộc họp cuối tháng 3-2019 cho hay: “Trong 9 tháng còn lại của năm 2019, nhất là đối với quý II năm 2019 là thời gian bản lề cho công tác điều hành giá cả năm”.
Phó Thủ tướng cũng kết luận: “Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu có xu hướng biến động khó lường, khó dự báo; một số mặt hàng do Nhà nước định giá đang trong quá trình rà soát, đánh giá, xem xét điều chỉnh theo lộ trình thị trường; công tác điều hành giá dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là khi có nhiều yếu tố biến động bất thường do thiên tai, bão lũ cũng như rủi ro về thị trường và tình hình chính trị, tài chính quốc tế có thể xảy ra”.
Vì những lý do trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực thi cơ chế phối hợp chặt chẽ, khoa học và linh hoạt hơn nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.