Điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần, được không?

(PLO)- Theo quy định hiện nay, giá điện được điều chỉnh 3 tháng một lần, tuy nhiên thực tế chưa khi nào giá điện được điều chỉnh dưới 6 tháng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Dự thảo Nghị định này được xây dựng nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực (sửa đổi), dự kiến áp dụng từ 1-2-2025.

Nới thẩm quyền tăng giá điện của EVN từ 2%

Bộ Công Thương đưa ra nhiều đề xuất đáng chú ý trong dự thảo lần này. Trước hết, về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân, dự thảo mới đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến công bố, công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Cụ thể, hàng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm lập báo cáo chi phí sản xuất, kinh doanh điện và thuê đơn vị kiểm toán độc lập để kiểm toán. Sau khi có báo cáo chi phí sản xuất, kinh doanh điện đã được kiểm toán, EVN có trách nhiệm công bố công khai thông tin về các chi phí này, thay vì Bộ Công Thương sẽ công bố như hiện nay.

Các chi phí công bố công khai gồm: Chi phí thực tế thực hiện các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, điều hành - quản lý ngành) và các khoản chi phí khác. Cùng đó là giá bán lẻ điện bình quân, kết quả kinh doanh lỗ, lãi và các chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN.

điều chỉnh giá điện...jpg
Bộ Công Thương đang đề xuất rút thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 2 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, thay vì 3 tháng như hiện nay. Ảnh: EVN

Trong dự thảo, Bộ Công Thương cũng đề xuất sửa đổi nguyên tắc về mức điều chỉnh giá bán điện bình quân. Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.

Khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Mức điều chỉnh này thấp hơn so với quy định hiện nay, khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên mới được phép điều chỉnh tăng.

Như vậy, EVN sẽ có quyền điều chỉnh tăng giá điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2-5%, thay vì từ 3-5% như hiện tại.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến.

Rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện

Một nội dung đáng chú ý của dự thảo lần này là Bộ Công Thương đề xuất thay đổi thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 2 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, thay vì 3 tháng như hiện nay.

Cùng đó, phương pháp lập giá bán điện bình quân cũng có sự thay đổi. Công thức xác định giá bán điện bình quân có sửa đổi một số thành phần xác định giá.

Đó là tổng chi phí và lợi nhuận định mức năm từ các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và nhà máy điện hạch toán phụ thuộc của EVN khi chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh, sẽ do Bộ Công Thương ban hành. Đồng thời sửa đổi chi phí mua điện từ các nhà máy thuỷ điện nhỏ thành chi phí mua điện của các nhà máy năng lượng tái tạo nhỏ.

Cùng đó bổ sung quy định xác định lợi nhuận định mức năm trong tính toán giá bán điện bình quân của các khâu phân phối - bán lẻ điện; điều hành - quản lý ngành; nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc khác trong giai đoạn chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của EVN.

Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của các khâu này được xác định bằng mức trung bình lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân của 4 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank) tại ngày 30-9 của 5 năm liền kề trước đó.

Liệu có khả thi?

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá với những quy định mới mà cơ quan soạn thảo đã đề xuất có thể khiến nhiều người băn khoăn.

Ông Phong cho hay, quy định 2-3 tháng điều chỉnh giá điện một lần hay mức điều chỉnh giá điện tăng từ 2-3% không phải là vấn đề quá lo ngại nếu chi phí đó là hợp lý. Điều quan trọng, điều chỉnh giá điện cần đi kèm với trách nhiệm giải trình, kiểm toán và cạnh tranh tự do.

"Điều chỉnh giá cần có lên có xuống, đảm bảo minh bạch chi phí và hiệu quả quản lý. Việc giá điện chỉ tăng sẽ gây bức xúc cho nhiều người, ảnh hưởng đến kinh tế và cạnh tranh” - ông Phong nêu ý kiến.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cũng cho rằng, theo quy định hiện nay thì tối thiểu 3 tháng được điều chỉnh giá điện, tuy nhiên thực tế thì chưa khi nào giá điện được điều chỉnh dưới 6 tháng.

Những năm qua, có thời điểm một năm hoặc vài năm, giá điện mới được điều chỉnh một lần, dù quy định cho phép có thể 3 tháng (Quyết định 05/2024), hoặc 6 tháng (Quyết định 24/2017) được điều chỉnh giá điện một lần. Vì thế sức ép lên giá điện rất lớn, chỉ thấy tăng giá chứ chưa giảm. Do vậy, ông Đình cho rằng nhà quản lý chỉ cần thực hiện được như quy định hiện hành, không cần thiết phải sửa đổi xuống hai tháng như dự thảo đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Đào Nhật Đình cũng cho rằng, trong điều hành giá điện thì cần phải minh bạch chi phí sản xuất điện ở từng loại nguồn điện, từng khâu vận hành. Ông dẫn chứng ở Thái Lan, điện khí tự nhiên chiếm tỉ trọng lớn nên họ chốt cố định giá thành sản xuất điện; sau đó, cứ 3 tháng họp một lần để xem xét các yếu tố tăng - giảm của nguyên liệu đầu vào, từ đó mới điều chỉnh giá. Trong khi ở Việt Nam, chi phí sản xuất - kinh doanh điện thường công bố mỗi năm một lần nên nhiều người vẫn băn khoăn về tính minh bạch, hiệu quả kinh doanh của ngành điện.

Cũng góp ý cho dự thảo, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho biết, dự thảo Nghị định mới này được xây dựng để thay thế cho Quyết định 05/2024, vừa nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực (sửa đổi), theo hướng giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

"Thực tế thời gian qua, sự chậm trễ trong điều chỉnh giá điện là một trong những nguyên nhân gây ra khoản lỗ của EVN. Bên cạnh đó, dự kiến vào thời gian tới đây, cơ chế về giá điện hai thành phần có thể sẽ được đưa vào áp dụng. Do vậy, việc đưa ra quy định như dự thảo sẽ giúp việc điều hành giá điện được linh hoạt hơn" - vị này cho biết.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2023, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 34.244,96 tỉ đồng. Nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm về 21.821,56 tỉ đồng. Trước đó, năm 2022, EVN lỗ gần 36.300 tỉ đồng.

Trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã được điều chỉnh tăng hai lần (3% vào tháng 5-2023 và mức 4,5% vào tháng 11-2023). Năm 2024, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh vào tháng 10 với mức tăng 4,8%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm