Điều đặc biệt tại phiên xử Trầm Bê và Phạm Công Danh

Đáng chú ý, phiên tòa này sẽ bố trí phòng xử án theo Thông tư 01 của TAND Tối cao (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018). Luật sư được bố trí chỗ ngồi ngang hàng với đại diện VKS. Đây cũng là phiên toà đầu tiên tại trụ sở 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa bố trí phòng xử án theo quy định mới này.

Theo kế hoạch phiên xử sẽ kéo dài trong một tháng đối với 46 bị cáo, trong đó có Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) và Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank).

Điều đặc biệt tại phiên xử Trầm Bê và Phạm Công Danh
Các đồng phạm của ông Danh trong giai đoạn 1 một số người cũng bị truy tố đưa ra xét xử ở giai đoạn 2

Lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết đây là phiên toà đầu tiên tại trụ sở 131 Nam Kỳ khởi Nghĩa mà phòng xử án bố trí theo quy định Thông tư 01 của TAND Tối cao (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018). Cụ thể phòng xử án được bố trí hai bục, vị trí của HĐXX ở trên bục cao nhất, bục thứ hai sau HĐXX là các vị trí khác đều ngồi ngang nhau. Vị trí kiểm sát viên ngang hàng với luật sư, thư ký ngồi giữa dưới bục của HĐXX...
Vành móng ngựa được thay bằng bục khai báo. Việc bố trí phòng xử như trên được văn phòng TAND TP. tích cực sắp xếp chuẩn bị trong nhiều ngày qua.
Điều đặc biệt tại phiên xử Trầm Bê và Phạm Công Danh

Phòng xử án hình sự cấp tỉnh theo hướng dẫn mới nhất

Đại án này do Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản làm chủ tọa. Thẩm phán chủ toạ cùng thẩm phán Huỳnh Thị Việt Tiên và ba hội thẩm hợp thành HĐXX. Vì là phiên toà lớn, HĐXX còn có hai thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Văn Hà, bà Quách Thanh Bình.

Điều đặc biệt tại phiên xử Trầm Bê và Phạm Công Danh
Ông Phạm Công Danh trong phiên xử 9.000 tỉ giai đoạn 1 bị tuyên án 30 năm tù

Phía đại diện Viện KSND TP.HCM tham gia phiên tòa là kiểm sát viên Trần Ngọc Quang, Nguyễn Quỳnh Lan. Và tòa đã cấp giấy chứng nhận tham gia phiên xử cho 70 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Được biết trước giờ xử có một số bị cáo nguyên là cấp dưới của ông Danh từ chối một số luật sư được giới thiệu để tự mời luật sư khác...

Bị cáo Trầm Bê có hai luật sư là Nguyễn Thị Mai Hồng và Phạm Ngọc Trung. Và bị cáo Phạm Công Danh có 3 luật sư là Phan Trung Hoài, Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) và Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội). Luật sư Phan Trung Hoài cũng là người bào chữa cho ông Đinh La Thăng dự kiến cũng bị đưa ra xét xử cùng ngày.

Ngoài ra, HĐXX còn triệu tập gần 200 người và đơn vị tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng - bao gồm hàng loạt ngân hàng, công ty tham gia giao dịch số tiền được ông Danh và đồng phạm rút từ VNCB để trả nợ và sử dụng cho mục đích cá nhân. Đáng chú ý là một số đại gia và lãnh đạo các ngân hàng được triệu tập gồm: ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín), ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV), bà Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CBBank)… 

Ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi sai phạm gây thất thoát hơn 6.000 tỉ đồng trong quá trình điều hành VNCB (2013-2014).

Ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới và nhân viên tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 công ty do mình thành lập, hoặc mượn pháp nhân lập hồ sơ khống, vay tổng cộng 6.126 tỷ đồng tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV. Để đảm bảo cho các khoản vay, ông Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này.

Do các công ty chỉ làm hồ sơ vay khống, không hoạt động kinh doanh như trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV sau đó đã thu hồi toàn bộ số tiền nợ từ VNCB.

Trong giai đoạn 1, Phạm Công Danh và 14 bị cáo khác đã bị cơ quan tố tụng xác định gây thiệt hại 9.000 ti đồng và bị tuyên phạt 30 năm toà. Toà buộc các bị cáo liên đới nộp lại toàn bộ số tiền này cho Ngân hàng Xây dựng.  Như vậy tổng cộng hai giai đoạn, ông Danh và đồng phạm được cho là gây thất thoát hơn 15.000 tỉ đồng của VNCB. Hiện, cục Thi hành án TP.HCM đã thu hồi được hơn 5.000 tỉ đồng. Còn cá nhân ông Trầm Bê sau khi bị bắt, cơ quan điều tra đã kê biên các quyền sử dụng đất tại số 591 An Dương Vương, phường An Lạc A quận Bình Tân và quyền sử dụng đất số 601 Hồng Bàng, phường 6 quận 6 do ông làm chủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm