Điều gì có thể ràng buộc khiến Nga và Ukraine nhượng bộ đàm phán sau hơn 10 tháng giao tranh?

(PLO)- Sau hơn 10 tháng xung đột, đến nay triển vọng đàm phán Nga-Ukraine vẫn còn lu mờ, nhưng một số ràng buộc chung có thể thúc đẩy hai bên nhượng bộ nhau đi tới đàm phán.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau hơn 10 tháng giao tranh ác liệt, cả Nga và Ukraine đã rất nhiều lần khẳng định chính quyền của mình luôn muốn thúc đẩy quá trình đàm phán diễn ra và kết thúc xung đột, song hai bên cũng liên tục đổ lỗi cho đối phương là chỉ muốn kéo dài chiến sự chứ không hề muốn ngồi vào bàn đàm phán, theo trang News Rebeat.

Trước tình hình đó, các nhà phân tích quân sự cho rằng chiến sự Nga-Ukraine có thể tiếp tục leo thang trong năm 2023, tuy nhiên một số ràng buộc chung về lợi ích có thể khiến hai nước nhượng bộ nhau và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Nhiều tòa nhà tại thủ đô Kiev, Ukraine bị phá hủy sau các cuộc không kích của quân Nga hồi tháng 10. Ảnh: GETTY IMAGES

Nhiều tòa nhà tại thủ đô Kiev, Ukraine bị phá hủy sau các cuộc không kích của quân Nga hồi tháng 10. Ảnh: GETTY IMAGES

Căng thẳng hai bên tố nhau “câu giờ”

Kể từ khi chiến sự nổ ra từ hồi tháng 2, Moscow và Kiev liên tục khẳng định mình luôn nỗ lực hướng tới đàm phán, song đối phương liên tục “câu giờ” dẫn đến chiến sự leo thang đến tận bây giờ.

Cụ thể, gần đây nhất, hồi 25-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên kênh truyền hình Nga Rossiya-1 rằng chính quyền Moscow luôn sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên có liên quan chiến sự Nga-Ukraine nhưng chính Kiev và các đồng minh từ phương Tây đã từ chối đàm phán.

Trong bài phát biểu của mình, ông Putin còn nói rằng phía Moscow trước giờ luôn có những giải pháp sẵn sàng cho việc diễn ra hòa giải và đàm phán, nhưng chính phương Tây đã từ chối nỗ lực này của họ.

Theo trang Ukrinform, đáp lại nhận định trên của ông Putin, ngày 26-12, ông Mykhailo Podolyak - cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng Tổng thống Nga cần chấp nhận thực tế rằng chính Moscow mới không muốn đi tới đàm phán, đồng thời ông Podolyak cũng nhắc lại những gì mà các lực lượng Moscow đã gây ra tại Ukraine.

Theo hãng tin AP, việc các bên đỗ lỗi qua lại liên tục như vậy là do các điều kiện mà hai nước đưa ra để tiến tới đàm phán không được đối phương chấp nhận, chính những điều kiện này đã khiến triển vọng đàm phán ngày càng xa vời.

Theo đó, Điện Kremlin tuyên bố rằng Nga sẽ chấp nhận đàm phán và kết thúc xung đột trừ phi Moscow đạt được các mục tiêu của mình ở Ukraine, trong đó có việc để phương Tây chấp nhận việc Nga sáp nhập 4 tỉnh miền đông Ukraine vào lãnh thổ Nga.

Trong khi đó, phía Ukraine lại nói rằng họ sẽ không bao giờ chấp nhận đàm phán trừ khi Nga tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của họ, rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine, bồi thường thiệt hại do xung đột gây ra và cam kết sẽ không thực hiện hành vi tương tự thêm bất kỳ lần nào nữa.

Chia sẻ với tờ South China Morning Post (SCMP), ông Dương Tấn - một nhà nghiên cứu liên kết tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết khi nói về các mục tiêu của Nga và Ukraine, không bên nào sẵn sàng từ bỏ thứ mà mình đã có để có thể đạt được thỏa thuận với đối phương, đây là lý do tại sao triển vọng cho các cuộc đàm phán vẫn còn một là chặng đường dài.

Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, thuộc tỉnh Zaporizhia, Ukraine. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, thuộc tỉnh Zaporizhia, Ukraine. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Những ràng buộc nào khiến Nga-Ukraine nhượng bộ nhau?

Ngày 26-12, Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba đã nêu lên ý tưởng về một cuộc thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine vào tháng 2 năm sau với mong muốn chấm dứt xung đột sau 1 năm xảy ra chiến sự, theo hãng tin AP.

Cụ thể, ông Kuleba nói rằng ông mong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra vào tháng 2 năm 2023 thông qua trung gian hòa giải là Liên Hợp Quốc (LHQ). Trước lời đề nghị đó của ông Kuleba, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trả lời rằng LHQ luôn sẵn sàng làm trung gian hòa giải nếu các bên thật sự muốn việc đàm phán diễn ra, theo hãng tin Reuters.

Ngoài ra, theo AP, Nga và Ukraine còn có “mối ràng buộc” chung là thỏa thuận ngũ cốc qua Biển Đen có thể được xem là tia hy vọng cứu vãn tình hình căng thẳng hiện tại và thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa 2 nước tới nhanh hơn.

Thỏa thuận ngũ cốc được hai bên ký kết hồi tháng 7 dưới sự đảm bảo của LHQ. Theo đó, thỏa thuận này đã giúp thế giới giải quyết được vấn đề về an ninh lương thực và an ninh phân bón, đồng thời giúp 2 bên kiềm chế lẫn nhau hướng tới mục đích bảo vệ ngành xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của cả hai ra thị trường thế giới không bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, vấn đề giữ an ninh cho nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu-Zaporizhzhia (thuộc tỉnh Zaporizhia, Ukraine) có thể được xem là một mối ràng buộc khác giữa Moscow và Kiev, theo AP.

Dù liên tục cáo buộc đối phương bắn phá các mục tiêu xung quanh và có khả năng nhắm mục tiêu vào nhà máy điện hạt nhân trên, song cả Nga và Ukraine đều tuân thủ "khu vực bảo vệ" xung quanh nhà máy Zaporizhia do Tổng giám đốc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - ông Rafael Grossi đề ra.

Theo News Rebeat, dù có tồn tại khả năng đi tới đàm phán hay không thì tình hình chiến sự Nga-Ukraine vẫn rất khó đoán, đặc biệt là trong bối cảnh mùa đông này, khi nhịp độ giao tranh được cho là có xu hướng chậm lại và các bên có thể phản công vào mùa xuân năm sau, sau một khoảng thời gian tích trữ binh lực và vũ khí.

Cần đẩy mạnh vai trò của các nước làm trung gian hòa giải

Theo Reuters, để hy vọng việc đàm phán Nga-Ukraine có thể diễn ra, các nước giữ vai trò là trung gian hòa giải cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy các bên ngồi vào bàn đàm phán.

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ cần tích cực hơn trong việc chủ động giữ vai trò trung gian hòa giải Nga-Ukraine, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít các nước giữ mối quan hệ với cả Nga và Ukraine. Ngoài ra, các nước khác như Vatican, Belarus và Ấn Độ cũng cần nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy các bên chấp nhận ngừng bắn, tiến tới các biện pháp đối ngoại và kết thúc xung đột.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm