Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước phát đi vào ngày 29-5, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Công ty SJC sẽ tham gia bán vàng cho người dân. Qua gần 1 tháng, thị trường vàng trong nước đã có những dấu hiệu ổn định đáng ghi nhận.
Chênh lệch giá vàng đã giảm
Cụ thể, kể từ 3-6, các ngân hàng thương mại chỉ bán vàng chứ không mua vào còn SJC thực hiện cả hai chiều mua vào – bán ra. Cả 5 tổ chức này chỉ bán vàng miếng với giá điều hành cho cá nhân, không phục vụ doanh nghiệp, tổ chức.
Ngân hàng Nhà nước đều đặn công bố giá bán vàng miếng hàng ngày đến các đơn vị. Giá công bố phiên 3-6 ở mức 78,98 triệu đồng/lượng; giá giảm dần đều 1.000.000 đồng các phiên sau đó và neo ở mức 75,98 triệu đồng/lượng qua 3 phiên trong các ngày 6 - 7 và 10-6. Năm đơn vị tham gia thị trường bán vàng ra cho người dân với giá cao hơn 1.000.000 đồng/lượng so với giá công bố của Ngân hàng Nhà nước.
Biện pháp chính sách mới này của Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức tác động đến giá vàng trong nước. Thị trường vàng đã chịu ảnh hưởng tâm lý từ trước nên có sự điều chỉnh giá bán giảm xuống mức ngang với các ngân hàng thương mại. Sau 5 ngày mở bán vàng miếng tại 4 ngân hàng thương mại và công ty SJC, giá vàng miếng SJC đã giảm 4 triệu đồng/lượng.
Ngày 10-6, Vietcombank mở thêm 4 điểm bán vàng miếng SJC, nâng tổng số điểm bán vàng miếng SJC của ngân hàng lên 10 điểm trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Thời gian giao dịch từ 9h - 11h30 và từ 13h30 - 16h00 hàng ngày.
Từ ngày 11-6, Agribank cũng bổ sung 2 điểm bán vàng miếng tại TP. HCM và 3 điểm tại Hà Nội, nâng tổng số điểm bán vàng miếng lên 9 điểm, gồm 2 điểm tại TP. HCM và Hà Nội có thêm 3 điểm.
Tính từ vùng giá đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng, mỗi lượng vàng miếng SJC đã mất gần 15,5 triệu đồng. Tính đến hết ngày 24-6, giá vàng SJC trong nước chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Còn nếu tính theo tỷ lệ phần trăm, ở thời điểm cao nhất, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới khoảng 26%, hiện tại chỉ còn khoảng 5%.
Giải pháp ổn định thị trường vàng trong dài hạn
Các chuyên gia đều thống nhất đánh giá, giải pháp này của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý trong việc bình ổn tâm lý thị trường, đồng thời đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới.
Hiện tại, ngoài giải pháp tăng cung vàng ra thị trường qua 4 ngân hàng quốc doanh và công ty SJC, rất nhiều biện pháp khác đang được triển khai như: thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, áp dụng hóa đơn điện tử, yêu cầu các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng rà soát các giao dịch đáng ngờ để gửi về Ngân hàng Nhà nước…
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc cho phép nhập khẩu vàng là khó tránh nếu muốn hướng đến mục tiêu giải quyết dứt điểm bài toán bình ổn thị trường vàng,
Bởi từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu 9999. Tuy vậy, có thông tin cho thấy một lượng lớn vàng vẫn tuồn vào nước ta theo đường không chính thức. Theo Hội đồng Vàng thế giới, mỗi năm, lượng vàng tiêu thụ trong nước lên tới 50-55 tấn
Trao đổi với phóng viên PLO, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét các biện pháp chính sách mới nhất của Ngân hàng Nhà nước đã giúp bình ổn thị trường vàng, giúp thu hẹp mạnh mẽ chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước, đồng thời mang đến kênh mua vàng thuận tiện cho người dân, người dân không cần phải xếp hàng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải cải thiện, rất nhiều người vào đăng ký mua vàng nhưng đều được thông báo các ngân hàng không nhận thêm đơn hàng nữa, nhiều người không thể truy cập được vào hệ thống online của các ngân hàng.
Ngoài ra, tất cả những người mua vàng online phải có danh tính cụ thể, lưu trên hệ thống của các ngân hàng, chịu sự quản lý của các cơ quan thuế hoặc Ngân hàng Nhà nước để kiểm tra được ai mua, số lượng bao nhiêu nhờ vậy tránh được tình trạng mua hộ, mua đầu cơ tích trữ.
Thế nhưng nhìn từ góc độ khác, việc bán vàng online như vậy, quy mô còn rất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Việc ổn định thị trường cần phải có hai yếu tố quan trọng, thứ nhất là về giá, thứ hai về số lượng bán ra.
Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kéo giá xuống mức rất thấp 79 triệu đồng/lượng, hiện tại còn chênh với giá quốc tế chỉ gần 5 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, ổn định về giá là chưa đủ, cần đến sự ổn định về lượng nữa, tức là nguồn cung phải dồi dào để đáp ứng nhu cầu của người dân chứ nếu không, giá này là kết quả của ấn định hành chính chứ không phải theo cung – cầu thị trường. Chính vì vậy, về dài hạn phải hướng đến cung – cầu gặp nhau.
Về dài hạn, có hai vấn đề cần phải giải quyết ngay. Thứ nhất, bãi bỏ độc quyền vàng thương hiệu quốc gia SJC để tất cả các sản phẩm trên thị trường được đối xử công bằng với nhau. Thứ hai, trao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng, dĩ nhiên dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các nhà kinh doanh vàng được giao hạn mức. Ngân hàng Nhà nước nên rút lại vai trò nhà nhập khẩu vàng, trao lại việc đó cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp như thuế, hải quan, thuế VAT hay thuế của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc để giám sát được thị trường này.
Nhưng cũng cần lưu ý là nếu thuế cao quá thì sẽ kích thích buôn lậu vàng trở lại. Muốn vậy thì phải có giải pháp quản lý tổng thể để thị trường vàng hoạt động một cách minh bạch, với hệ thống hóa đơn, chứng từ chặt chẽ.
Minh bạch, thông suốt một mặt để chống trốn thuế, chống thẩm lậu vàng, quản lý được nhu cầu thật của thị trường, mặt khác còn để đảm bảo chất lượng vàng vật chất. Vàng là mặt hàng đặc biệt, giá trị cao, mà với người dân bình thường kiểm soát chất lượng là rất khó. Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần phải giám sát một cách chặt chẽ, đặc biệt chất lượng vàng, tuổi vàng đảm bảo thị trường.
Sẽ bán vàng trên app
Tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với các đơn vị liên quan ngày 21-6 vừa qua, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, cho biết ngân hàng này sẽ đưa việc bán vàng lên app, thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng đảm bảo minh bạch và tiện lợi.
Hiện nay bốn ngân hàng và Công ty SJC đều đã chuyển sang bán vàng online trên website ngân hàng, nhằm tránh tình trạng xếp hàng mua vàng diễn ra suốt mấy tuần qua.
Cũng tại cuộc họp, các đơn vị tham gia bán vàng miếng SJC đều khẳng định sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, công nghệ để tạo sự thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vàng thực, loại bỏ việc đầu cơ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, cơ quan này có đủ quyết tâm, nguồn lực, công cụ để thực hiện các giải pháp phù hợp trước mắt và lâu dài để thị trường vàng phát triển ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 24, Thống đốc yêu cầu các đơn vị chức năng của NHNN khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan, tổng kết, nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 phù hợp với bối cảnh tình hình mới.