Sau khi nhận được thông tin về tình trạng một số người dùng thuốc trừ sâu đánh bắt thủy sản, tôm càng xanh dưới sông Đồng Nai, các đơn vị liên quan cho hay sẽ tăng cường kiểm tra, tuyên truyền và xử lý nghiêm.
Ông TRẦN TRỌNG TOÀN, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai:
Quản lý môi trường nước chặt chẽ hơn
Thuốc trừ sâu là hóa chất độc hại, khi được đổ xuống sông sẽ làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm nguồn nước; ảnh hưởng đến các sinh vật sống trong nước bao gồm tôm, cá, động vật thủy sinh, thực vật thủy sinh... Thuốc trừ sâu cũng có thể dẫn truyền, ngấm vào đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Ngoài ra, việc đổ thuốc trừ sâu xuống nước để đánh bắt thủy sản còn gây suy giảm đến hệ sinh thái sông, hồ, nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Để ngăn chặn hành vi đầu độc nguồn nước, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Sở TN&MT đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo phòng TN&MT, phòng Nông nghiệp và UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, đặc biệt là những người dân sống bằng ghề đánh bắt thủy sản về tác hại của việc tận diệt thủy sản. Khuyến khích người dân mạnh dạn phản ánh đến chính quyền địa phương và cơ quan quản lý về môi trường khi phát hiện các hành vi sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất để đánh bắt thủy sản nhằm kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở TN&MT đang xây dựng và sẽ sớm trình UBND tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường 2020, trên cơ sở đó sẽ tổ chức quản lý chất lượng nguồn nước chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Bà ĐỖ THỊ THU THỦY, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Đồng Nai):
Ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn cung cấp nước cho hàng chục triệu dân
Việc khai thác thủy sản bằng hóa chất (thuốc trừ sâu) không chỉ làm cạn kiệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên; hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sinh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp nước sạch cho hàng chục triệu dân ở Đồng Nai, TP.HCM và các vùng lân cận.
Từ năm 1998, Thủ tướng đã có Chỉ thị 01/1998/CT-TTg nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đến Luật Thủy sản 2017 cũng nghiêm cấm việc khai thác thủy sản bằng chất độc. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Về xử phạt hành vi sử dụng hóa chất để khai thác thủy sản được quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong năm 2023, Chi cục Thủy sản Đồng Nai đã tổ chức và phối hợp thực hiện 36 đợt kiểm tra, kiểm tra liên ngành trên địa bàn toàn tỉnh và hai đợt phối hợp kiểm tra vùng giáp ranh giữa các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM. Qua các đợt kiểm tra đã xử lý nhiều vụ vi phạm trong khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản Đồng Nai cũng tổ chức sáu lớp tuyên truyền Luật Thủy sản, các nghị định, thông tư trong lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn người dân không sử dụng các hình thức khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Thời gian tới, Chi cục Thủy sản Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh, phối hợp kiểm tra liên ngành cấp huyện, cấp xã kiểm tra, xử lý các quy định về cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc; nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tiếp tục tuyên truyền cho người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; đấu tranh, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản... tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ông TRẦN PHÚ CƯỜNG, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương:
Thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký
Tháng 7-2023, Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM đã ký kết quy chế phối hợp về công tác quản lý các hoạt động thủy sản vùng giáp ranh.
Quy chế này có tám nội dung nhưng đáng chú ý là thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trong các hoạt động thủy sản tại khu vực giáp ranh (định kỳ hoặc đột xuất) và phối hợp trong công tác xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản.
Từ khi các địa phương phối hợp, đã có những chuyển biến tích cực. Riêng tình trạng đổ thuốc trừ sâu xuống sông để đánh bắt thủy sản thì có xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên có tình trạng này. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp xử lý tình trạng này.
Sở cũng sẽ chỉ đạo rà soát và phối hợp với CSGT đường thủy và tỉnh Đồng Nai xử lý.
Ông MAI SONG HÀO, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase):
Có thể lượng thuốc quá nhỏ nên chưa phát hiện
Đơn vị có bảy nhà máy cấp nước, trong đó có ba nhà máy lấy nước từ sông Đồng Nai và chiếm khoảng 80% lượng nước cấp của các nhà máy.
Việc đổ thuốc trừ sâu xuống sông như thế này là rất nguy hiểm đối với nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Quản lý chất lượng nước của Công ty Biwase, trung tâm không phát hiện có thuốc trừ sâu trong nguồn nước. Có thể do lượng thuốc trừ sâu nhỏ nên không thể phát hiện.
Quy trình lấy nước để xử lý của đơn vị qua nhiều khâu kiểm soát rất nghiêm ngặt. Hằng ngày sẽ có đội tuần tra trên khu vực mà nhà máy lấy nước để kịp thời phát hiện những bất thường như nước thải, tràn dầu… để kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, nguồn nước vào phải qua bể nuôi cá chỉ thị (loại cá rất dễ chết nếu nước bị ô nhiễm), nếu cá vẫn khỏe mạnh thì bước đầu nhận định nước vẫn an toàn.
Ngoài ra, khi đưa nước vào xử lý thì các bộ phận đều kiểm nghiệm rất kỹ, không để nước ô nhiễm cấp đến người dân. Biwase luôn kiểm soát chặt chất lượng nước đầu vào, nếu phát hiện có thuốc trừ sâu hoặc ô nhiễm thì sẽ xử lý kịp thời để nước sạch cung cấp đến người dân luôn đạt chất lượng.
Ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân
Theo TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, Fastac 5EC, Sapen Alpha 5EC và Sapen Alpha đều có chung thành phần hoạt chất chính là Alpha-Cypermethrin
Alpha-Cypermethrin là thuốc trừ sâu có hiệu quả cao được sử dụng trên toàn thế giới trong các lĩnh vực nông nghiệp và dùng để diệt côn trùng trong hộ gia đình.
Alpha-Cypermethrin có độc tính cao đối với cá, ong và côn trùng thủy sinh, được tìm thấy trong nhiều loại thuốc diệt kiến và gián trong gia đình ở Đông Nam Á. Độc tính của nó ở người xảy ra do phơi nhiễm vô tình hoặc cố ý qua đường hô hấp, tiếp xúc với da hoặc qua đường tiêu hóa, có thể gây kích ứng cho da và mắt. Các triệu chứng tiếp xúc qua da bao gồm tê, ngứa ran, ngứa, cảm giác nóng rát. Nhiễm độc cấp tính qua đường miệng của Cypermethrin thường biểu hiện bằng tác dụng gây độc thần kinh và đường tiêu hóa. Bị nhiễm ở liều cao (trong thức ăn chứa 10% Alpha-Cypermethrin) có biểu hiện buồn nôn, ói kéo dài, đau bụng, tiêu chảy dẫn đến co giật, bất tỉnh và hôn mê, mất kiểm soát bàng quang, mất phối hợp, có thể tử vong.
Nhiễm độc qua hô hấp quá lâu có thể gây buồn nôn, nhức đầu, yếu cơ, tiết nước bọt, khó thở và co giật.
Ở người, khi bị nhiễm nhẹ, Alpha-Cypermethrin chuyển hóa và được loại bỏ qua nước tiểu.
Alpha-Cypermethrin có thể được phân giải trong nước, nhất là trong điều kiện có ánh sáng và ôxy nhưng khi sử dụng một lượng lớn để đánh bắt thủy sản thì thời gian để phân hủy trong nước sẽ kéo dài. Alpha-Cypermethrin là một loại thuốc trừ sâu phổ rộng, khi sử dụng không theo chỉ dẫn, sử dụng xung quanh khu dân cư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái của môi trường nước. Đồng thời ít nhiều để lại dư lượng trong nguồn nước sinh hoạt gây nên những mối nguy tiềm ẩn về nhiễm độc do tiếp xúc qua da.
Việc dùng Alpha-Cypermethrin đánh bắt thủy sản không chỉ để lại dư lượng thuốc trong các thủy sản đánh bắt mà còn có thể để lại dư lượng thuốc trong các loại rau thủy sinh... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cư dân.
TRẦN MINH