Sáng 10-1, báo Pháp Luật TP.HCM khởi đăng tải loạt bài điều tra: “Đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm” có nội dung những người đánh bắt sử dụng thuốc trừ sâu đổ xuống sông khiến tôm càng xanh trúng độc, mắt đỏ, lừ đừ, nằm thoi thóp bên bờ sông. Sau đó, họ sẽ bơi thuyền sát bờ để vớt tôm lên.
Bình luận về bài viết, nhiều bạn đọc lên án gay gắt các đối tượng có hành vi sử dụng thuốc trừ sâu để đánh bắt thủy sản tự nhiên. Đồng thời, bạn đọc mong rằng cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn và khắc phục kịp thời.
Đầu độc cộng đồng vì lợi ích cá nhân
Bạn đọc Bảo Ngọc bình luận: “Kinh khủng quá! Hít phải thuốc trừ sâu có thể bị ngộ độc rồi đừng nói đến việc ăn phải thực phẩm bị ngấm thuốc. Chỉ vì một nguồn lợi cỏn con mà nhẫn tâm đầu độc cả cộng đồng, tổn hại nguồn sinh thái của con sông Đồng Nai”.
Bạn đọc Tú Nhi chia sẻ: “Người dân sống xung quanh khu vực đó chắc chắn là những người bị ảnh hưởng trực tiếp nếu sử dụng nguồn nước từ con sông hoặc mua phải tôm bị dính thuốc. Dùng thời gian đầu chưa thấy gì, đến khi chất độc tích tụ đủ thì mới phát bệnh, sợ nhất là ung thư. Hy vọng người dân sẽ cảnh giác và chung tay cùng chính quyền dẹp bỏ vấn nạn này”.
Bạn đọc Nguyễn Linh bức xúc: “Lấy lý do cuộc sống khó khăn để ra tay với sức khỏe cộng đồng và nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân như vậy là không thể chấp nhận được. Cảm ơn PV báo Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu và đưa tin về thực trạng đáng báo động này đến độc giả”.
“Thời gian này, tôi hay thấy một số người sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt côn trùng vô tội vạ và công khai. Họ xịt quanh nhà, ngoài đường mà không cần biết sử dụng sao cho an toàn, định lượng như thế nào,… Mùi thuốc diệt cỏ nồng nặc khiến trẻ em, người lớn đều khó chịu và phải mất mấy tiếng sau mới bớt. Cất mấy cái lọ đó trong nhà còn nguy hiểm cho trẻ con, nhiều bé hiếu động tưởng chai thuốc là sữa hay nước ngọt rồi uống thì hậu quả khôn lường” – bạn đọc Thành Tín viết.
Cần kiểm soát chặt việc buôn bán, sử dụng thuốc trừ sâu
Bạn đọc Trần Mạnh Khôi nêu ý kiến: “Tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc, cần mật phục và bắt quả tang đối tượng liều lĩnh, dám dùng thuốc trừ sâu để bắt tôm. Những đối tượng như vậy phải xử kịch khung để làm gương. Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động người dân đánh bắt thủy sản hợp lý và an toàn cũng rất quan trọng và cần làm một cách bài bản, lâu dài”.
“Mặc dù năm nào các ban ngành liên quan cũng tổ chức thả cá giống xuống sông nhưng cần phải có thời gian để tôm, cá phát triển. Đánh bắt kiểu này là tận diệt và có sức tàn phá lớn hơn kích điện nhiều. Cho nên phải xử lý triệt để và có hướng giải quyết để không ảnh hưởng đến sức mua tôm càng xanh của bà con nông dân” – bạn đọc Anh Ngô viết.
Bạn đọc Minh Xuân cho rằng: “Một phần lỗi còn thuộc về những nhà quản lý, bảo vệ dòng sông Đồng Nai. Nếu làm cứng rắn, kiểm tra sát sao thì đã không để tình trạng này xảy ra. Theo tôi, cần truy cứu trách nhiệm và có hình thức kỷ luật với những cá nhân có liên quan và đừng để đến lúc dòng sông 'kêu cứu' mới tìm hướng khắc phục”.
Bạn đọc My My đề nghị: “Không khó để mua thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thậm chí là truy cập vào các sàn thương mại điện tử tìm là có. Do vậy, cần phải thắt chặt quy định về việc buôn bán, sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Những loại hóa chất này đều rất độc và cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe con người và môi trường tự nhiên. Không thể để ai muốn mua thì mua, muốn dùng sao thì dùng”.