Ngày 10-3, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã có báo cáo tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
Hiện Công an tỉnh Bình Thuận đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng Bình Thuận xác minh, điều tra làm rõ đường dây móc nối, bảo kê đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài hành nghề trái phép.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, từ năm 2016 đến nay, tình hình tàu cá và ngư dân Bình Thuận xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, thu mua hải sản trái phép bị các nước trong khu vực bắt giữ, xử phạt, tịch thu tài sản ngày càng tăng và diễn biến phức tạp. Tình trạng này tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Cụ thể, trong hai năm 2016-2017, đã có 68 tàu cá với hơn 600 ngư dân Bình Thuận bị chính phủ các nước Malaysia, Indonesia, Brunei bắt giữ. Chỉ riêng trong ngày 24-7-2016, một tốp tàu cá của Việt Nam khoảng hơn 12 chiếc khi đang hành nghề thì bị tàu tuần tra của Indonesia truy đuổi và bắt giữ cùng lúc với 9 tàu cá của ngư dân thị xã La Gi với 79 lao động, trong đó có một tàu cá được đầu tư đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với gần 4 tỉ đồng.
Gần đây nhất, ngày 8-1-2018, ba tàu cá BTh-85852-TS, BTh-98160-TS và BTh-97418-TS khi đang hành nghề đã bị lực lượng chức năng của Thái Lan bắt giữ. Theo xác minh, ba con tàu này tuy mang đăng ký tàu cá tỉnh Bình Thuận nhưng chủ yếu cư trú và hoạt động tại vùng biển tỉnh Bạc Liêu, mỗi năm chỉ về Bình Thuận khoảng vài tuần để làm đăng kiểm. Đầu tháng 1-2018, ba tàu xuất bến từ cảng cá Gành Hào, Bạc Liêu thì bị chính quyền Thái Lan bắt giữ, giam người và tàu cho đến nay.
Tàu cá Việt Nam vi phạm lãnh hải, đánh bắt trộm hải sản bị Indonesia dùng chất nổ đánh chìm năm 2017.
Được biết, với tình trạng đánh bắt trộm không được quản lý, không báo cáo này, tháng 10-2017, Liên minh châu Âu đã “rút thẻ vàng” đối với ngành xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Đến ngày 23-4-2018, khi có kết quả của đoàn kiểm tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DGMARE) về việc triển khai các quy định về IUU của EU, nếu không ngăn chặn quyết liệt nhiều khả năng ngành thủy sản Việt Nam sẽ bị “rút thẻ đỏ”.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo UBND tỉnh Bình Thuận là do việc xử lý, giải quyết của cơ quan chức năng đối với các trường hợp tàu cá, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ và thả về còn thiếu kiên quyết. Chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Ngoài ra, chưa có chế tài kiểm soát, giám sát quá trình hoạt động của ngư dân trên các vùng biển... Cạnh đó, nhiều dấu hiệu cho thấy một số tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài đánh bắt trái phép.
UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định sẽ phấn đấu triển khai hàng loạt biện pháp để chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý trước ngày 30-4-2018.