Bộ LĐ-TB&XH vừa quyết định tiến hành điều tra tiền lương năm 2024 trong khu vực doanh nghiệp. Cuộc điều tra tiền lương được tiến hành trên quy mô rộng, với số lượng doanh nghiệp nhiều nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, 3.400 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành đại diện cho 08 vùng kinh tế của cả nước sẽ nằm trong đợt điều tra lần này. Trong đó, hai địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là TP. Hà Nội: 700 doanh nghiệp với 1.400 lao động và TP.HCM 800 doanh nghiệp với 1.600 lao động.
Các nội dung sẽ điều tra gồm: Tình hình doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng gần nhất; tác động về chi phí của doanh nghiệp; mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; mức tiền lương bình quân, tiền lương làm thêm giờ, kết cấu tiền lương, mức lương thấp nhất của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2023, 2024.
Mục đích của cuộc điều tra này nhằm thu thập thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2025.
Theo quy định tại Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mỗi năm Hội đồng tiền lương quốc gia đều nhóm họp để tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Gần nhất, Hội đồng tiền lương Quốc gia tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024. Theo đó, từ 1-7, lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% so với mức năm 2023.
Cụ thể, tiền lương vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng); vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng); vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng).