Điều tra vụ súng nổ làm chết người ở Thủ Đức

Ngày 30-12, Công an TP.HCM đã thụ lý điều tra vụ súng của một công an phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức nổ làm anh Bùi Văn Mạnh (31 tuổi, trú tại Lâm Đồng) tử vong và Phan Đức Đạt (31 tuổi, ngụ Lâm Đồng) bị thương.

Giật súng, đạn trúng hai người

Theo Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Thủ Đức, đêm 29-12, tổ công tác Công an phường Bình Chiểu gồm Trung úy Phạm Tiến Hùng và hai bảo vệ dân phố đi tuần tại khu vực chợ đầu mối Thủ Đức, một địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Khoảng 23 giờ 50, tổ công tác đến giao lộ đường số 6 - đường 23 thì thấy một nhóm sáu người đang ngồi nhậu nên đến yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân để kiểm tra.

Đây là nhóm tài xế, phụ xe chở nông sản từ Đà Lạt xuống chợ đầu mối Thủ Đức sau khi xuống hàng rủ nhau uống bia.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc súng nổ khiến một người chết, một người bị thương. Ảnh: HT

“Tuy nhiên, nhóm người đang nhậu không xuất trình giấy tờ và có lời lẽ phản ứng. Sau đó một người trong nhóm xông vào xô xát, đánh Trung úy Hùng nên Trung úy Hùng rút súng bắn chỉ thiên. Tuy nhiên, nhóm tài xế vẫn tiếp tục xông vào giằng co, giật súng của Trung úy Hùng làm súng nổ nhiều phát, trúng người anh Mạnh và Đạt, hai người của nhóm nhậu.

Khi thấy Mạnh và Đạt bị trúng đạn, Trần Anh Hùng (một người trong nhóm nhậu) đến giật súng của Trung úy Hùng, đuổi theo và gí súng vào đầu một bảo vệ dân phố nhưng lúc này súng đã hết đạn” - Công an quận Thủ Đức thông tin.

Khi Công an phường Bình Chiểu đến hiện trường, Trần Anh Hùng còn đang cầm khẩu súng trên tay. Riêng Trung úy Hùng được xác định bị thương nhẹ ở lưng, ngực và quân phục bị rách.

Công an quận Thủ Đức và Công an TP.HCM đã có mặt, xác định anh Mạnh đã tử vong, còn Đạt bị thương ở chân được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Có khả năng Trung úy Hùng không có lỗi

Hiện công an quận đã tạm giữ Đạt và Trần Anh Hùng để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ và đe dọa giết người. Đồng thời, họ đang truy tìm một số tài xế, phụ xe gây rối.

Về việc súng nổ làm chết người, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Với thông tin ban đầu mà báo thông tin, có khả năng Trung úy Hùng và nhóm người ngồi nhậu phải chịu những hậu quả pháp lý khác nhau, tùy thuộc vào kết quả điều tra của công an.

“Giả sử Trung úy Hùng chỉ nổ súng cảnh cáo nhưng vô ý trúng người thì có thể bị truy cứu về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. Trong trường hợp công an xác định Trung úy Hùng không có lỗi, chẳng hạn như phòng vệ chính đáng, bị giằng súng nên súng cướp cò… thì ông không phải chịu trách nhiệm hình sự. Để xác định ông Hùng có lỗi hay không, cần lưu ý quy định: “Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ” là một trong các trường hợp được phép nổ súng (điểm c khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh số 16/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Về phía người giằng súng, nếu công an xác định người chết do hành vi giằng súng làm đạn trúng nạn nhân, người giằng súng có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS). Nhóm người tấn công tổ công tác đang làm nhiệm vụ, làm Trung úy Hùng bị thương, quân phục hư hỏng có thể bị truy cứu tội cố ý gây thương tích hoặc tội chống người thi hành công vụ, tùy thuộc vào kết quả giám định.

Riêng một người trong nhóm gí súng vào đầu một bảo vệ dân phố bóp cò có dấu hiệu của tội giết người (ở giai đoạn phạm tội chưa đạt) và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Tất cả khả năng trên phải đợi cơ quan điều tra làm rõ…

Theo một công an phường, khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu nghi vấn về an ninh trật tự, người tụ tập nơi công cộng vào bất kỳ thời điểm nào, nhất là thời điểm sau 23 giờ, công an phường có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân để kiểm tra hành chính. Người bị kiểm tra có giấy tờ đầy đủ, không có vi phạm gì thì công an phường sẽ trả lại giấy tờ tùy thân cho họ. Đây là nhiệm vụ, công việc hằng ngày của công an phường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới