Theo Kết luận của Hội đồng điều phối giờ hạ, cất cánh (Slot) tại các cảng hàng không sân bay lần 1, do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh ký ngày 24/3, hội đồng này quyết định hạn chế sử dụng đường cất hạ cánh 25L/07R là 25 lượt cất/hạ cánh mỗi giờ để sửa chữa.
Thời gian bắt đầu từ 10/4 đến 25/6/2015.
Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã đạt trần cất/hạ cánh từ 30 đến 32 lần/giờ, trong các khung giờ từ 6h đến 18h hàng ngày, trong dịp cao điểm đã có lúc lên tới 39 lần/giờ. Nếu đóng cửa để sửa chữa đường băng 25L/07R , theo quyết định của cơ quan quản lý, thì chỉ còn cất/hạ cánh tối đa được 25 lần/giờ, đồng nghĩa mỗi giờ giảm 5-7 chuyến bay. Như vậy mỗi ngày (tính trung bình 12 tiếng), có khoảng 80 chuyến bị cắt giảm, tương đương hơn 10 máy bay phải nằm đất và khoảng hơn 10.000 khách hành không được bay.
Nhiều thời điểm máy bay phải xếp hàng chờ cất cánh tại sân bay Nội Bài |
Ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, các sân bay lớn khác như Nội Bài, Hải Phòng,... cũng đang sửa chữa và hạn chế bay.
Hàng năm, mùa hè là mùa cao điểm đi lại, khi học sinh, sinh viên đều nghỉ, các gia đình, cơ quan đua nhau tổ chức đi nghỉ mát, khiến lượng khách đi máy bay tháng 5,6,7 tăng cao, lên tới 20-30% so với các tháng thấp điểm như tháng 8,9,10. Theo tính toán sơ bộ, sẽ có khoảng hơn 1 triệu hành khách không có cơ hội bay trong giai đoạn hơn 2 tháng sữa chữa các sân bay, nhất là vào mùa cao điểm 30/4-1/5 và đầu hè tới, vì các hãng hàng không buộc phải cắt giảm tần suất bay do thiếu slot.
Trước đó, tại buổi họp hội đồng slot, các hãng bay cũng kiến nghị lùi thời hạn sửa chữa đến tháng 8-9, tránh mùa cao điểm lễ và dịp đầu hè, đồng thời tăng số lần cất/hạ cánh từ 25 lần/giờ lên cao hơn, nhưng Cục Hàng không Việt Nam lý giải tháng 9 là mùa mưa nên vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng cho sự việc này. Theo các hãng hàng không, mùa mưa ở phía Nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, nên sửa sân bay vào thang 8, cuối hè thì thời tiết cũng giống như tháng 5.
Chưa kể, hiện sân bay Vinh, Buôn Mê Thuột, Cam Ranh, Thanh Hóa,... năng lực phục vụ hạn chế nên cũng gây nhiều khó khăn cho các hãng hàng không.
Đại diện hàng không Jetstar Pacific, ông Tạ Hữu Thanh, phản ánh, nhà ga phòng chờ nhỏ, khách không có ghế ngồi chờ nếu chuyến bay bị chậm, nhất là khách ưu tiên như người già yếu, tàn tật, phụ nữ có thai,... chưa có chỗ ngồi riêng; mới chỉ phục vụ khách tàn tật xe lăn mặt đất, sân bay không có xe nâng hành khách sử dụng xe lăn lên tàu bay; không có khu vực phục vụ ăn uống tại sân bay đề phòng tình huống chuyến bay bị chậm kéo dài,...
Ngay cả với các sân bay quốc tế hiện đại như Tân Sơn Nhất, một chuyến bay cất/hạ cánh xuống đây phải mất 30 phút để lăn từ bãi đỗ ra đường băng hoặc ngược lại cho quãng đường khoảng hơn 1 km, hay từ nhà ga T1 sang nhà ga quốc tế T2 sân bay Nội Bài (Hà Nội) chưa có đường đi nội bộ, khách phải đi xe buýt sang khiến các hãng bay phải tăng thời gian nối chuyến từ 90 lên 120 phút.
Nên chăng, Cục Hàng không xem xét lại ý kiến của các hãng hàng không về thời điểm đóng cửa đường băng, nhằm tăng khả năng phục vụ cho hành khách dịp cao điểm lễ hội và đầu hè.