Tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có 72 hộ dân trồng 7,2 ha ớt giống GB17615.3-2010 do một doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp.
Cả tháng nay, người dân thu hoạch ớt về chất đầy nhưng công ty vẫn không quay lại thu mua như hợp đồng đã cam kết. Giá bán ra thị trường lại quá rẻ nên nhiều ruộng ớt chín rục nhưng nông dân đành bỏ mặc.
Tương tự, tại xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cũng có hàng trăm hộ dân trồng ớt nhưng rồi cũng rơi vào tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đến thu mua lấy lệ 1,5 tấn vào đầu tháng 5 rồi biến mất tăm.
Thông tin trên tờ NLD cho biết, hợp đồng kinh tế về liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt giữa Công ty Thực nghiệp Dục Dã Thượng Hải và UBND xã Khánh Sơn ký ngày 15/3, phía doanh nghiệp Trung Quốc chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm ớt tươi cho người trồng. Đầu tháng 5, khi người dân bắt đầu thu hoạch ớt, đại diện Công ty Dục Dã Thượng Hải có đến thu mua nhưng với số lượng rất ít.
“Ngày 10 và 11/5, công ty cử đại diện đến thu mua. Bình quân người dân đem 5 kg ớt thì họ loại mất 4 kg vì cho rằng không bảo đảm chất lượng. Sau khi thu mua một ít ớt, họ bỏ chạy, không quay lại nữa. Người dân đành hái ớt về phơi khô hoặc bỏ chín rục ngoài đồng”, ông Phạm Việt Hùng, Ban Nông nghiệp xã Khánh Sơn nói.
Tại Gia Lai, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 3.000 ha trồng ớt. So với mức giá gần 50.000 đồng một kg cuối năm 2013 và vài tháng đầu năm 2014, hiện thương lái Trung Quốc chỉ thu mua ớt với giá 7.000 - 9.000 đồng một kg. Với mức giá này, người trồng ớt chắc chắn lỗ nặng.
Phải tìm cách thoát Trung
Thực tế thời gian qua xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.Nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khi Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua.
Không riêng gì ớt mà cả dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bị dồn ứ, giá dưa hấu giảm mạnh có những khi chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, dưa hấu phải đổ bỏ cho trâu bò ăn.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: nền kinh tế Việt Nam phải bước ra khỏi sự lệ thuộc đối với Trung Quốc, nhất là trong tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay.
Theo đó bà Lan cho rằng để thoát Trung trước hết tự bản thân mình phải xem lại mình điều chỉnh cách thức phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại của mình.
Cụ thể bà Lan phân tích hiện chúng ta đang hơi cực đoan khi cứ hướng đến xuất khẩu trong khi thị trường trong nước vẫn còn rất rộng.
Ví dụ vải Bắc Giang, Hải Dương cứ lo liệu Trung Quốc năm nay có mua hay không trong khi cả thị trường miền Nam, miền Trung bao nhiêu người dân cũng có nhu cầu và có thể mua. Tại sao lại cứ lo bán sang biên giới hơn là trong nội địa.
Hay như dưa hấu miền Nam cũng vậy, chở lên biên giới để rồi người ta không mua khiến thối hỏng, trong khi dưa hấu ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vẫn rất đắt. Những cái đó mình phải tự điều chỉnh thị trường nội địa.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: để thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cần chú ý hai điểm quan trọng này.
Đối với nông sản phải thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Phải xác định rằng khu vực nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp có cạnh tranh cao. Do đó sản phẩm nông nghiệp phải gắn được với công nghiệp chế biến, gắn với các chuỗi giá trị. Nó bao gồm từ giống, cây trồng, thu hoạch bảo quản, chế biến… thậm chí phải làm ra những sản phẩm từ ứng dụng công nghệ cao.
Nói chung là phải đầu tư đủ mức và ứng dụng công nghệ cao thì mới mong tạo ra những sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao. Với những sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao như vậy thì trong điều kiện các hiệp định thương mại tự do khi mở cửa thị trường nông sản thì chúng ta sẽ có thêm cơ hội. Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường lớn và các thị trường khó tính.
Bà Lan cũng nhìn nhận: nếu Việt Nam không tìm kiếm kênh mới, bỏ tư duy làm ăn kiểu dễ dãi thì sẽ còn gặp khó khăn khi các thương lái Trung Quốc lừa như thời gian qua.
Theo Phương Nguyên (Đất Việt)