Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Cục hàng hải Việt Nam lên phương án nạo vét và nhận chìm 200.000m3 vật chất tại vùng biển Đà Nẵng khiến nhiều người lo lắng.
Chúng tôi có cuộc phỏng vấn PGS.TS Vũ Thanh Ca (Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) về phương án nhận chìm này.
Phương án chưa hiệu quả
Thưa ông, phương án nạo vét 200.000m3 vật chất và sẽ nhận chìm tại vùng biển cách Cảng Tiên Sa 4 hải lý có hợp lý, hiệu quả không?
PGS.TS Vũ Thanh Ca: Tôi cũng chưa rõ khu vực nhận chìm ở chỗ nào. Nhưng với kinh nghiệm của cá nhân, tôi cho rằng phương án nhận chìm này hợp lý nhưng chưa hiệu quả.
Cần chú ý rằng mặc dù ta thấy cát ở khắp xung quanh, nhưng thực ra cát đang trở thành một nguồn tài nguyên cực kỳ quý hiếm. Cát biển luôn rất linh động và tồn tại một vòng tuần hoàn cát gần bờ biển. Vào mùa đông, sóng lớn với chu kỳ ngắn mang cát từ bờ ra xa tạo thành các doi cát gần bờ. Vào mùa hè, sóng lừng có độ cao nhỏ nhưng chu kỳ dài vận chuyển cát từ các doi cát này vào bờ để bồi lại bãi. Tuy vậy, lượng cát mang vào bãi luôn nhỏ hơn lượng cát bị mang ra hay nói cách khác, mỗi năm một lượng cát nhất định bị mất về phía các khu vực có độ sâu lớn. Thông thường, lượng cát mất đi này sẽ được bù đắp bởi cát từ các con sông mang ra.
PGS.TS Vũ Thanh Ca (Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội).
Do hiện nay nhiều đập thủy điện, thủy lợi được xây dựng trên thượng nguồn các con sông và chắn hầu hết cát chảy từ lưu vực sông. Lượng cát được các sông tải ra biển bị suy giảm cực kỳ nghiêm trọng và không còn đủ để bù đắp lượng cát mất đi tại các bãi biển. Kết quả là các bãi biển bị thiếu hụt cát nên bị chuyển từ trạng thái bồi lấn thành trạng thái xói lở, mất bãi. Tình hình xói lở bãi biển càng trở nên nghiêm trọng hơn do một số địa phương đã cho phép hút cát gần bờ để lấn biển, do vậy làm thiếu hụt cát hơn.
Cát bồi tại luồng và bể cảng Tiên Sa có nguồn gốc từ các bãi cát lân cận và từ sông Hàn, được sóng dài đưa vào luồng và bể cảng. Nếu như lượng cát nạo vét này không bị đem đi nhận chìm ở các vị trí có độ sâu lớn mà được chở về đổ gần bãi biển cạnh đường Nguyễn Tất Thành trong Vịnh Đà Nẵng thì việc sử dụng cát sẽ rất hiệu quả.
Không cần đổ cát ngay tại bãi mà đổ cát ở phía trước bãi, gần vị trí các doi cát được hình thành vào mùa đông. Sóng dài vào mùa hè sẽ vận chuyển cát vào bồi cho bãi, khôi phục phần nào bãi đã bị xói lở trước đó.
Chỉ được nhận chìm cát không ô nhiễm
Vùng biển xung quanh Bán đảo Sơn Trà có 177 loài san hô, 130 loài cá sống trong rạn san hô, 3 loài cỏ biển phân bố trên tổng diện tích 1 ha và 108 loài rong biển. Các chuyên gia cảnh báo phải hết sức cân nhắc khi tiến hành nhận chìm cách cảng Tiên Sa 4 hải lý. Ông có nhận định gì về những lo lắng này?.
Đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới về tác động môi trường của bùn cát nạo vét. Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là nếu bùn cát nạo vét bị ô nhiễm thì cần phải xử lý đặc biệt cho hết ô nhiễm và chỉ được phép nhận chìm bùn cát nạo vét không ô nhiễm xuống biển.
Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu đổ bùn cát nạo vét phủ lên trên các hệ sinh thái nhạy cảm, có đa dạng sinh học cao như: san hô, cỏ biển thì bùn cát nạo vét sẽ giết các hệ sinh thái này. Ngoài ra, nếu đổ bùn cát nạo vét gần các hệ sinh thái như vậy thì việc đổ bùn cát sẽ làm thay đổi hiện trạng địa hình đáy biển. Các quá trình động lực biển như sóng, dòng chảy sẽ lập lại cân bằng mới tại đáy biển bằng cách vận chuyển bùn cát tới bồi lấp tại các khu vực khác và có thể bồi lấp, phủ kín các khu vực có hệ sinh thái san hô, cỏ biển. Do vậy, để tránh các thiệt hại không đáng có, khu vực nhận chìm bùn cát nạo vét phải cách xa các khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm với da dạng sinh học cao một khoảng cách đáng kể.
Khu vực cảng biển Đà Nẵng.
Nếu bùn cát nạo vét được nhận chìm tại một vị trí khá xa (cho chắc chắn, khoảng trên 5 km) khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm, có đa dạng sinh học cao thì vấn đề nước đục trở nên không quan trọng nữa. Tôi xin trích ý kiến về vấn đề này của Ủy ban Công ước OSPAR, là Công ước về bảo vệ môi trường biển của các nước Bắc Âu và Tây Âu: “trầm tích là một phần cốt yếu, toàn vẹn và động lực của hệ sinh thái. Trên 99% chất nạo vét được nhận chìm xuống biển đã được tạo ra gần vị trí nhận chìm và là kết quả của quá trình nạo vét các cảng và luồng vào để đảm bảo hoạt động hàng hải. Phần lớn các chất nạo vét được nhận chìm tại các vị trí được xác định. Chúng cũng được dùng để nuôi bãi và lấn biển” và "trầm tích là một phần của môi trường biển và việc di chuyển bùn cát không ô nhiễm ở biển hỗ trợ quá trình cân bằng bùn cát tự nhiên. Việc làm gia tăng độ đục cũng ảnh hưởng ngắn hạn tới các sinh vật phụ thuộc vào ánh sáng, nhưng ảnh hưởng này nói chung được coi là có thể bỏ qua".
Cần chú ý là các nước Bắc Âu và Tây Âu có tiêu chuẩn bảo vệ môi trường biển rất cao, và họ đã kết luận như vậy thì ta cũng không cần phải lo lắng cho chuyện này. Một số nước còn quy định phải nhận chìm bùn cát nạo vét trong khu vực có hệ thống tuần hoàn bùn cát để hỗ trợ quá trình tuần hoàn bùn cát, chống xói lở bờ biển.
Đổ cát nuôi bãi, một công đôi việc
Ông có lời khuyên nào cho Cục hàng hải Việt Nam cũng như Đà Nẵng trong việc nhận chìm 200.000m3 vật chất?.
Tôi cho rằng, chất nạo vét cần được sử dụng để nuôi bãi, khắc phụ xói lở tại các bãi biển của Đà Nẵng. Những năm qua, một số bãi biển Đà Nẵng, một trong những tài nguyên du lịch quan trọng nhất, đang bị xói lở do thiếu hụt cát. Việc sử dụng cát nạo vét để nuôi bãi bằng cách đổ cát này thành các doi cát ngay phía bên ngoài các bãi đang bị xói lở mặc dù không giải quyết được vấn đề xói lở bãi biển một cách triệt để nhưng cũng có thể giảm nhẹ vấn đề này.
Nếu làm được việc sử dụng cát nạo vét để nuôi bãi, chống xói lở, Cục hàng hải Việt Nam cũng như Đà Nẵng đã làm được hơn một công đôi việc. Tôi muốn nói “hơn một công đôi việc” là vì nhiều nơi ở Việt Nam có muốn nuôi bãi chống xói lở cũng không làm được vì không có cát để nuôi bãi.
Quan điểm của PGS về việc nhận chìm vật chất xuống biển?. Trên thế giới ngoài việc nhận chìm vật chất xuống biển còn có phương án nào khác không?
Hầu như không có phương án nào khác để xử lý bùn cát nạo vét. Đổ bùn cát nạo vét lên bờ vừa tốn kém vừa nguy hiểm về mặt môi trường. Tốn kém vì ta sẽ cần một khu vực đất rộng để đổ bùn cát nạo vét. Nguy hiểm với môi trường vì nước mặn từ bùn cát nạo vét sẽ làm ô nhiễm và tàn phá hệ sinh thái tại một khu vực khá rộng lớn xung quanh vị trí đổ bùn cát nạo vét.
Hơn nữa, tôi muốn nhấn mạnh lại là bùn cát nạo vét là một phần của biển, và nếu bùn cát nạo vét không ô nhiễm được nhận chìm tại khu vực nằm trong hệ thống tuần hoàn cát của một bãi biển đang bị xói lở thì ta đã hỗ trợ được bãi biển tự bảo vệ mình theo các quy luật tự nhiên.
Xin cảm ơn ông!.