Đối với việc UBND TP Đà Nẵng đồng ý về mặt nguyên tắc cho Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) nghiên cứu, khảo sát và triển khai các thủ tục nhận chìm 200.000 m3 vật chất trên biển Đà Nẵng, các chuyên gia cho rằng cần có đánh giá thật kỹ về tác động môi trường (ĐTM).
Hệ sinh thái biển Đà Nẵng đang suy giảm
PGS-TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cho rằng nếu không tìm được vị trí đổ thải nào khác thì chỉ còn cách nhận chìm xuống biển. Tuy nhiên, nhận chìm chỗ nào thì trong kỹ thuật ĐTM phải xác định vùng biển nào là an toàn nhất, ít thiệt hại đối với môi trường nhất.
“Hiện nay, vùng biển của Đà Nẵng không nằm trong nhóm các khu bảo tồn nên có thể nhận chìm được. Tuy nhiên, về góc độ môi trường, đổ xuống đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng ngay, đặc biệt là các rạn san hô và vùng cỏ biển. Các vùng này rất quan trọng vì là nơi trú ẩn và sinh sản của các loài sinh vật biển. Chắc chắn sẽ xáo trộn môi trường, ảnh hưởng đến các loài động vật, thực vật biển” - ông Minh cho hay.
Ông Minh nhấn mạnh trong kỹ thuật ĐTM chỉ nói là giảm thiểu đến mức thấp nhất, trong mức độ cho phép chứ không phải nói là không tác động. Hệ sinh thái biển Đà Nẵng đang suy giảm nhiều, đặc biệt là hệ san hô do công tác bảo tồn chưa làm tốt, ảnh hưởng của du lịch, nước thải…
“Tôi mong muốn những người làm ĐTM tham vấn ý kiến các nhà khoa học chứ làm không tốt thì nguy hiểm cho môi trường” - ông Minh lo ngại.
Theo TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, để phân tích kỹ lưỡng khả năng ĐTM của việc nhận chìm thì phải nắm được phương thức nạo vét và kỹ thuật nhận chìm. Có thể nói, tất cả vật chất ở dưới biển khi nằm yên thì không sao nhưng khi đã động chạm vào đó, tung lên thì rất nhiều vấn đề xảy ra. Do đó, nếu nói chỉ lấy chỗ này bỏ chỗ kia thì không sao là không đúng.
Ông An cho hay nguyên tắc nhận chìm phải tránh xa những khu vực nhạy cảm như: Khu dân cư, ngư trường, khu bảo tồn và có những giá trị đặc biệt của biển. Ngoài ra, khi nhận chìm phải tránh những vùng biển có động lực mạnh.
“Thật ra chúng ta đổ chỗ đấy nhưng nó sẽ chạy đi chỗ khác. Kỹ thuật nhấn chìm phải rất chú ý. Phải xem chất lượng trầm tích, hóa chất ở vùng mình nạo lên có gì độc hại không. Cái này cơ quan làm ĐTM đều nắm được cả. Các bản đồ động lực ở Việt Nam hiện nay đều có cả. Do đó khi đổ chỗ nào phải cân nhắc, tính toán. Cơ quan làm ĐTM sẽ phải lấy mẫu vật chất lên kiểm nghiệm, tính toán mô hình lan truyền, kích cỡ, thời điểm nạo vét và nhận chìm” - ông An lưu ý.
Ông An nhấn mạnh: Vấn đề nạo vét luồng biển rất quan trọng cho phát triển kinh tế, không thể không nạo vét được. Tuy nhiên, phải làm sao để giảm thiểu thấp nhất tác động của chất nạo vét để tăng giá trị kinh tế tổng thể lên.
Các chuyên gia cho rằng khi đánh giá ĐTM phải xác định vùng biển nào là an toàn, ít thiệt hại đối với môi trường nhất. Ảnh: LÊ PHI
Khi nạo vét luồng biển vào cảng Tiên Sa sẽ tạo ra 200.000 m3 vật chất và được tính toán nhận chìm trên vùng biển Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Lo lắng cho rạn san hô
Trao đổi về việc nhận chìm vật chất trên biển Đà Nẵng, TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường - Công nghệ hóa (Trường ĐH Duy Tân), đánh giá 200.000 m3 vật chất là nhiều và chắc chắn sẽ tác động đến hệ sinh thái biển.
“Khẳng định luôn là sẽ tác động tới hệ sinh thái. Khi đổ như vậy thì chúng ta cứ nghĩ là đổ xuống thì nó nằm ở đấy nhưng thật ra nó không nằm ở đấy hết đâu, nó có các dòng chảy cực lớn nên sẽ cuốn đi. Phải xem dưới vùng biển đó có san hô hay không, vì sợ nhất là ảnh hưởng san hô. Khi đổ như vậy thì san hô không chịu được bùn, khi nước đục quá thì tảo cộng sinh của san hô chết và làm cho toàn bộ thảm san hô chết” - bà Phương cho hay.
Bà Phương phân tích thêm khả năng lớn là vùng biển dự kiến nhận chìm đủ sâu để không có san hô sống. Tuy nhiên, lo ngại nhất là các dòng chảy sẽ cuốn vật chất đi khắp nơi. Nhất là trầm tích, nếu là trầm tích nặng sẽ lắng lại, còn trầm tích hạt mịn sẽ bị cuốn đi tung tóe.
“Nói là vùng biển 100 ha chứ thật ra nó sẽ cuốn đi xa lắm. Trầm tích ở nơi nạo vét khả năng là trầm tích hạt mịn chứ không phải trầm tích hạt thô. Hạt mịn nghĩa là nó nhẹ, bị cuốn đi được, hạt thô là lắng tại chỗ và di chuyển chậm. Trong khoảng thời gian vài năm liền nó sẽ cuốn đi tung tóe khắp nơi và cuốn theo mùa, vì dòng chảy đổi theo mùa. Dòng chảy cuốn đến đâu thì san hô sẽ chết đến đó. Tảo cộng sinh của san hô cần có ánh sáng, hệ sinh thái san hô cực kỳ quan trọng. Còn hệ sinh thái đáy sẽ tạm thời bị hủy diệt một thời gian, sau đó sẽ hồi phục” - bà Phương cho hay.
Bà Phương cho biết thêm đứng trên phương diện quản lý thì bất cứ dự án nào cũng sẽ có tác động đến môi trường. Nếu cân nhắc sự tác động môi trường nhỏ hơn khả năng phát triển kinh tế thì không sao, tức là đáng để đánh đổi.
“Còn nói không tác động là không đúng. Tác động ở biển rất khó kiểm soát. Nếu các hệ sinh thái khác có thể phục hồi theo thời gian thì san hô lại không, chết là chết luôn” - bà Phương khẳng định.•
177 loài san hô quanh bán đảo Sơn Trà Từ năm 2016 đến 2018, Viện Sinh thái học miền Nam đã có đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà”. Sau gần ba năm phục hồi, độ phủ san hô sống tăng hơn 10% so với ban đầu. Có sự gia tăng về sinh vật sống trong rạn. Độ phủ thảm cỏ biển tăng khoảng 20%-30%. Còn theo nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam năm 2019, vùng biển xung quanh bán đảo Sơn Trà có 177 loài san hô thuộc 17 họ và 52 giống. Ngoài ra còn có 130 loài cá sống trong rạn san hô, thuộc 32 họ và 65 giống. Vùng biển này còn có ba loài cỏ biển phân bố trên tổng diện tích 1 ha và 108 loài rong biển vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, hệ sinh thái biển tại đây đang bị suy thoái nghiêm trọng. |