Từ sự cố cây xanh bật gốc gây tai nạn khiến một học sinh Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) tử vong và tiếp đó là hàng loạt cây xanh khác liên tiếp đổ trong mấy ngày gần đây, nhiều đơn vị đã tiến hành đốn bỏ một số cây xanh.
Tuy nhiên, để tránh chặt nhầm những cây vẫn còn khỏe mạnh, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để “chẩn đoán bệnh cho cây”.
Nên kiểm tra kỹ trước khi đốn bỏ cây xanh
Thời tiết thay đổi bất thường, cộng với nhiều nguồn ô nhiễm gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân. Trong khi đó, cây xanh được coi như lá phổi hô hấp làm cho môi trường không khí xanh, sạch.
Đánh giá được tầm quan trọng của cây xanh, nhiều người dân và chuyên gia cho rằng nên có kế hoạch trồng thêm cây xanh, đồng thời phải có đánh giá rõ ràng trước khi muốn chặt bỏ cây.
Theo anh Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ quận Tân Phú): “Sự cố đổ cây xanh vẫn diễn ra thường xuyên trong mùa mưa bão. Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, các đơn vị quản lý cây xanh đã có kế hoạch cắt tỉa, thậm chí đốn bỏ cây để giảm rủi ro. Tuy nhiên, nhiều cây xanh vẫn tươi tốt nhưng bị chặt bỏ là rất đáng tiếc”.
Chị Hoài Phương (ngụ quận 1) bày tỏ: “Cây xanh như lá phổi của TP, ấy vậy mà nhiều cá nhân có cây xanh trước nhà đã hạ bỏ trong khi cây còn rất xanh tốt. Ngoài ra, tôi cũng chứng kiến những đơn vị chức năng đốn bỏ cây xanh trên đường mà xót và tiếc quá. Tôi chỉ mong người dân, các đơn vị đừng chặt nhầm những cây còn khỏe mạnh”.
Theo GS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, cây xanh trong đô thị có giá trị rất quan trọng. Qua nhiều vụ tai nạn do đổ gốc mà nhiều người dân hay cơ quan, đơn vị quản lý đốn cây nhưng không kiểm tra thì không nên. Trong khi đó, muốn nuôi được cây xanh trong không gian đô thị để tạo bóng mát phải tốn rất nhiều thời gian.
Vì vậy, theo ông Dũng, để đảm bảo an toàn, cơ quan quản lý nên có những giải pháp kịp thời trong việc quản lý cây xanh đô thị (cây xanh trên đường phố; cây xanh trong các không gian sử dụng công cộng như công viên, trường học, bệnh viện…), không nên để người dân hay cơ quan, tổ chức tự đốn hạ.
“Các cơ quan quản lý muốn đốn hạ cũng cần có kiểm tra, khảo sát và đốn hạ theo quy trình. Đã có các văn bản quản lý nhà nước như Thông tư 20/2015 11-BXD, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9237:2012; quyết định của UBND các địa phương về hướng dẫn và quy định quản lý cây xanh đô thị. Trong đó, việc duy tu, bảo dưỡng, chặt tỉa, đốn hạ và thay thế cây xanh được quy định rõ ràng” - GS-TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm.
Cây phượng thứ hai trước và sau khi đốn hạ tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM). Ảnh: NQ - CP
Có thể siêu âm để kiểm tra cây
Để tránh đốn nhầm những cây còn sinh trưởng, phát triển tốt, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để kiểm tra trước khi đốn hạ.
Trong đó, GS-TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết: TP cần thông báo ngay việc rà soát các cây xanh có thân trưởng thành trung bình và cao, tán cây rộng, bộ rễ nông như phượng vĩ , xà cừ… Ngoài ra, cần kiểm tra thân và gốc cây, từ đó có kế hoạch chặt tỉa, thay thế và bảo dưỡng các hố, bệ đất trồng cây để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Cơ quan chức năng cũng cần tiến hành kiểm tra cây xanh trong công viên và các công trình công cộng xem cây có bị sâu đục, thân có bị rỗng hay không. Nếu bảo dưỡng không được thì việc đốn bỏ là điều cần thiết, nhằm tránh nguy hiểm cho người dân và cộng đồng.
“Kiểm tra khung rễ của cây có ăn nông hay không bằng cách kiểm tra xem các danh mục của cây thuộc loài cây rễ nông hay sâu. Ngoài ra còn có thể kiểm tra bằng cách khoan thăm dò quanh bộ rễ xem có ảnh hưởng gì không, đồng thời cần gia cố hố và bệ đất trồng cây cho chắc chắn” - TS Dũng góp ý.
Theo TS Nguyễn Thị Lan Thi, giảng viên Khoa sinh học và công nghệ sinh học, Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP.HCM), có một số công cụ để đánh giá sức khỏe của cây.
Một trong công cụ điển hình là có thể dùng búa gõ chuyên dụng gõ vào thân cây để cây phát ra tiếng. Từ đó người có chuyên môn sẽ biết được thân cây đó có bị rỗng không. Nếu thân cây đó bị rỗng thì nhân viên kỹ thuật sẽ tiến hành thêm một bước nữa là khoan vào thân cây và lấy lõi của gỗ để phân tích, đánh giá xem cây có bị hư không.
Ngoài ra, trường hợp bộ rễ của cây bị mục hoặc nấm sẽ ảnh hưởng lên thân cây nhưng lại không biểu hiện rõ rệt thì lúc đó có thể dùng máy siêu âm để kiểm tra.
“Máy siêu âm cây gồm có một số đầu dò sẽ gắn xung quanh thân cây. Máy này nối liền với một thiết bị là một máy tính, khi đó người kỹ thuật sẽ nhìn đồ thị và phân tích, từ đó biết được bên trong cây có gặp vấn đề gì không. Điều đáng nói, máy siêu âm này giá khá cao, đến hơn 1 tỉ đồng/cái nên hiện nay TP vẫn chưa có điều kiện để sử dụng” - TS Lan Thi nói.
Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP, cũng khẳng định hiện nay TP.HCM vẫn chưa sử dụng máy siêu âm để bắt bệnh cho cây.
Xử lý tùy vào tình trạng của từng cây Hiện nay cây xanh đường phố, trong công viên và mảng xanh ở TP.HCM nhiều đơn vị tham gia duy tu, chăm sóc. Trước mùa mưa bão, Công ty Cây xanh sẽ kiểm tra, xử lý những cây thuộc địa bàn do công ty duy tu, chăm sóc. Cụ thể, chuyên viên sẽ lấy nhánh khô… để hạn chế sự cố về cây xanh. Đồng thời, qua công tác kiểm tra cây xanh, những cây bị khiếm khuyết, hư hại (sam, mục...) tùy mức độ của mỗi cây mà công ty đề xuất đơn vị quản lý cùng phối hợp xử lý như hạ thấp chiều cao cây hay buộc phải đốn hạ. Ông LÊ CÔNG PHƯƠNG, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM Nhiều loài cây cấm trồng trên vỉa hè UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 52/2013/QĐ-UBND ngày 25-11-2013 về danh mục các loài cây cấm trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố trên địa bàn TP. Theo đó, có 28 loài cây cấm trồng là các cây có độc tố gây nguy hiểm cho người, những cây ăn quả, các cây có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường. Điển hình trong 28 loài cây có thể kể tới cây trứng cá, lồng mức, đủng đỉnh, bồ kết, trúc đào, dừa, keo lá tràm, gòn, các loài cây ăn quả… Luật sư TRỊNH NGỌC HOÀN VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM |